column_right getExtensions 1732310636-1732310636

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732310636-1732310636

BÁNH CHƯNG VĨNH HÒA

BÁNH CHƯNG VĨNH HÒA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:21-01-2023

BÁNH CHƯNG VĨNH HÒA

Ngày anh em tôi còn bé, phiên chợ nào mẹ cũng bớt năm ba đồng để mua quà cho con. Hôm thì xâu kẹo cà, kẹo kéo, hôm thì bánh mướt (bánh cuốn), bánh kê… Có một thức quà tôi không bao giờ quên được, đó là chiếc bánh chưng Vĩnh Hòa. Bánh nhỏ, được gói trong một lớp lá chuối xanh bắt mắt. Sau buổi chăn trâu, cắt cỏ rạc chân, hoa mắt, được mẹ chia cho miếng bánh chưng mừng còn hơn được ăn cỗ giữa làng. Lớn lên một chút, đi học trường xa, hôm nào ở lại học cả ngày bữa trưa, tôi chỉ dám ăn một cái bánh chưng giá một nghìn đồng. Ăn xong bụng vẫn thòm thèm, nhưng nghèo quá lấy đâu ra nhiều tiền để ăn hai chiếc?

Rồi năm tháng qua đi. Bỗng một ngày thấy trên tivi người ta phát phóng sự về làng nghề bún, bánh Vĩnh Hòa quê tôi, trong lòng đầy cảm xúc. Vừa thương nhớ quê những năm tháng xa nhà, lại thêm vui vì chiếc bánh chưng một thời mình yêu thích đã được thiên hạ biết đến.

Thực ra, làng nghề bún, bánh Vĩnh Hòa, Hợp Thành đã có từ xa xưa, vì huyện Yên Thành (Nghệ An) là vùng nông nghiệp. Sản phẩm từ gạo tẻ, gạo nếp nếp là bún, bánh mướt, bánh chưng hiếm khi vắng bóng ở những phiên chợ trong vùng. Thời bao cấp, có giai đoạn làng nghề phải ngưng làm bánh bởi lương thực khan hiếm, lúa gạo không dôi dư. Sau thời đổi mới, kinh tế phát triển, làng bánh được phục hồi, đến năm 2008 thì nơi đây được công nhận là làng nghề truyền thống.

Quê tôi, nhà nào cũng biết gói bánh chưng, nhưng chủ yếu chỉ làm vào những ngày Tết khi có thời gian dư giả và cần có bánh để dâng cúng ông bà tổ tiên. Ngày thường chủ yếu người dân mua bánh chưng từ làng nghề Vĩnh Hòa để ăn vừa nhanh, vừa tiện lợi. Vì vậy bất kỳ một góc chợ quê nào ở huyện lúa hiếm khi thiếu sự hiện diện của hàng bánh chưng Vĩnh Hòa.

Nguyên liệu chuẩn bị và các công đoạn gói bánh, luộc bánh đều được thực hiện kỹ lưỡng để mang tới những chiếc bánh chưng thơm, rền

Bánh chưng Vĩnh Hòa vừa dẻo vừa thơm. Nguyên liệu dùng để làm bánh xưa kia được tuyển chọn từ những loại lúa nếp nức tiếng quanh vùng. Giờ đây có thêm nếp Lào, nếp Thái. Gạo nếp ngâm vừa đủ giờ, vớt ra để ráo. Nhân bánh được làm từ đỗ xanh, lẫn vớt thịt ba chỉ, ướp hành hoa, tiêu, mắm… Lá dùng để gói bánh là lá chuối và lá dong. Bánh gói xong được xếp vào thùng lớn bắc lên lò đun liên tục trong 6 tiếng đồng hồ, sau đó đợi than tàn, nước nguội, bánh chín đều từ trong ra ngoài, vớt ra để cho ráo nước. Dùng tay sửa sang bánh cho vuông thành sắc cạnh, buộc lại lạt, kỹ hơn nên ép bánh bằng những vật nặng để bánh rền và chắc khi ăn, không bị chua thiu khi để lâu. Theo những người giàu kinh nghiệm thì không nên vớt bánh khi nước còn nóng, vỏ bánh sẽ bị cháy, bánh không xanh...

Mùa đông, tiết trời se lạnh có lát bánh chưng xanh ăn với củ hành muối xổi vừa ấm bụng lại no lâu. Ngày giỗ, ngày tết thiếu đi chiếc bánh chưng, như thiếu đi cái không khí của lễ lạt, sự ấm cúng của gia đình. Ở làng nghề bún, bánh Vĩnh Hòa cứ người trước truyền dạy cho người sau, ai cũng thoăn thoắt đôi tay để tạo nên những chiếc bánh chưng bắt mắt. Những ngày cận Tết, cả làng như vào hội. Nhà nào cũng muốn làm kịp những mẻ bánh trước lúc xuân sang.

Bánh chưng xanh - dưa hành muối

Ăn xong miếng bánh chưng, uống bát nước chè xanh, bạn sẽ được nghe những câu chuyện chân tình của người dân quê cần cù, lam lũ.

ĐẶNG THIÊN SƠN
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT