BÀI THƠ VỀ HẠNH PHÚC
Đến với bài thơ hay:
BÀI THƠ VỀ HẠNH PHÚC
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941-1969), phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Giải phóng (Trung Trung Bộ). Với 28 tuổi đời, chị để lại các tác phẩm: “CHỖ ĐỨNG”, Tập truyện ngắn, 1968; “HOA RỪNG”, Tập truyện và ký, 1970; “NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG” được tái bản nhiều lần. Năm 2007, chị được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
(Trích đoạn)
II.
Hạnh phúc là gì?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao dốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giằng gầm réo miên man
Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân
Em lên đường phơi phới bước chân
B.52 bom nghìn tấn dội
Kìa dáng em băng rừng bước vội,
Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi
Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi
Nắng long lanh trong mắt người bám biển
Giặc mới lui càn khi em vừa đến
Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng
Quanh những bờ dương bị giặc san bằng
Đã lại mở những chiến hào gan góc
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời
Em mải mê đi, đi giữa bao người
Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú…
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em
Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
…
Em lớn lên bên họ can trường
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng
Em bối rối em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Thức dậy bao điều cao quý trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
III.
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
(3-1969 – 9-1969)
DƯƠNG HƯƠNG LY
(Rút trong tuyển “Thơ Việt Nam 1945-1975” - Nxb Tác phẩm mới, H.1976)
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC
Trên thi đàn Việt, những bài thơ viết về nỗi đau mất mát trong chiến tranh khá nhiều, song không phải bài nào cũng đứng được. “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly, bút danh của nhà thơ Bùi Minh Quốc, là một trong những thi phẩm neo lại được trong lòng bạn đọc và có sức sống lâu bền. Nếu như Hữu Loan viết về người vợ trẻ trong “Màu tím hoa sim”, thì Bùi Minh Quốc viết về người bạn đời thân yêu, người đồng nghiệp cao cả của mình, chị Dương Thị Xuân Quý. Trên đầu bài thơ, có dòng tựa nhỏ: “Tưởng nhớ XQ thân yêu”.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh trưởng tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước, nhiều đời khoa bảng. Nhưng gốc gác của chị ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang) tỉnh Hưng Yên. Ông nội Dương Trọng Phổ và bác ruột Dương Bá Trạc (nhà báo, nhà văn) là những người tham gia sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo (1909). Một người bác ruột nữa là nhà văn hóa, nhà giáo dục lừng danh Dương Quảng Hàm (1848-1946). Viết sách bằng cả hai thứ tiếng Pháp, Việt, ông là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng, như “Việt Nam văn học sử yếu” (1941), “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (1942)… Thân phụ của chị là nhà giáo và nhà nghiên cứu văn học cổ Việt Nam, Dương Tự Quán (1902-1969), người sáng lập 2 ấn phẩm văn chương nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám 1945: “Văn học tạp chí” và “Tri tân”… Ngoài ra, Dương Thị Xuân Quý còn có một người anh con bác ruột khác, đó là danh họa Dương Bích Liên.
Tốt nghiệp trường báo chí, từ năm 1961, Dương Thị Xuân Quý là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam. Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chị sớm có mặt ở tuyến lửa khu Bốn. Khao khát được dấn thân, được tắm mình trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân miền Nam, bởi “ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc”, Xuân Quý gửi lại con gái Hương Ly còn bé bỏng cho bà ngoại, tháng 4-1968, chị lên đường vào khu Năm “dằng dặc”. Trước đó, chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đã vào chiến trường Quảng Đà. Hành động cao cả đó, không phải ai cũng có thể làm được, đặc biệt là với một nữ trí thức xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, có địa vị xã hội, vậy mà chị dám gác lại một công việc ổn định và xếp cả tình mẫu tử thiêng liêng để xông vào nơi mũi tên, hòn đạn. Là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng, bất chấp hiểm nguy, chị luôn có mặt ở những nơi khốc liệt. Và lạ kỳ thay, chị ngã xuống đúng vào ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1969) trong một trận chống càn tại thôn 2, xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Hay tin vợ hy sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc nghẹn ngào trải lòng lên trang giấy: Anh mất em như mất nửa cuộc đời/… Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/ Như bỗng tắt trong anh vầng mặt trời hạnh phúc.
Nỗi đau tột cùng, nhưng giữa chiến trường khốc liệt, tác giả đành nuốt nước mắt vào trong: Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên… Cũng như người vợ - đồng nghiệp,nhà thơ vẫn không quên nhiệm vụ: Súng nổ gấp/ Anh lên đường đuổi giặc.
Nêu câu hỏi “Hạnh phúc là gì”, thi sĩ tự tìm lấy câu trả lời. Thời ấy, cả một thế hệ say lý tưởng, tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Phong trào “thanh niên sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang” ở miền Bắc như triều dâng, thác cuộn. Tất cả cho tiền tuyến lớn!
Trước nỗi đau xé ruột, tác giả cắt nghĩa: Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt. Trong niềm yêu thương vô bờ bến, pha lẫn chút tự hào, ông đã khắc họa hình tượng sống động của một nữ nhà văn gan góc, vóc dáng “ngang tầm chiến lũy”, thật đáng ngưỡng mộ.
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/ Bao dốc cao em cần cù đã vượt/ Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh/ Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành/ Em nói tới những điều em định viết/ Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ Con sông Giằng gầm réo miên man/ Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…
Mạch thơ cứ vậy tuôn trào hết sức tự nhiên, ý trước gọi lời sau. Bạn đọc yêu thương và tự hào về người con gái Hà thành thông minh, dũng cảm. Thân gầy yếu, mảnh mai nhưng chị nào có sá “B.52 bom nghìn tấn dội”.
Thật kiêu hãnh! Kìa dáng em băng rừng bước vội/ Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi/ Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi/ Nắng long lanh trong mắt người bám biển/ Giặc mới lui càn khi em vừa đến.
Kỳ diệu thay giữa chiến trường bom rơi, đạn nổ ngút trời, chất hào hoa đậm nữ tính của người con gái Tràng An vẫn không hề vơi cạn. Trong một góc vườn cháy khét lửa napan/ Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…
Tựa như một cuốn phim tư liệu, thi sĩ “lia” ống kính về mọi ngõ ngách nhớ thương, về những địa danh mà vợ mình từng xông xáo và cầm bút. Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời/ Em mải mê đi, đi giữa bao người/ Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú…/ Những mảnh đất anh hùng quyến rũ/ Phút giây đầu đã ràng buộc đời em. Quả là một tâm hồn trong trẻo, hòa mình vào cuộc sống chiến đấu của nhân dân.
Cảm xúc được đẩy lên: Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo/ Những con người như ánh sáng lung linh/ Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình/ Để làm nên buổi mai đầy nắng/ Em bối rối em sững sờ đứng lặng/ Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên/ Thức dậy bao điều mới mẻ trong em/ Thức dậy bao điều cao quý trong em/ Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…
Đây là khổ thơ mà tác giả đã “cài đặt” chi tiết, mở ra để nâng đoạn kết lên một tầm cao với niềm tin vô bờ bến, khiến bạn đọc trào nước mắt. Em ra đi chẳng để lại gì/ Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi/ Và anh biết khi bất thần trúng đạn/ Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai. Nhiều thế hệ đã kế tiếp chị Xuân Quý, góp sức mình cho ngày toàn thắng, cho non sông liền một dải.
Vẫn biết mất mát, hy sinh là điều khó tránh khỏi trong chiến tranh. Cảm hứng chủ đạo là nỗi đau, xa xót, song toàn bài không hề gợi sự bi lụy, yếu mềm. Nhà thơ thầm hứa với vợ: Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu… Chất thép hòa quyện chất nhân văn, lãng mạn cách mạng, làm nên hồn cốt vững chãi của bài thơ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng “Bài thơ về hạnh phúc” của Bùi Minh Quốc vẫn gây xúc động sâu sắc. Và hình tượng về một nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý xả thân vì nghĩa lớn sẽ bất tử với thời gian!