“ÁO TRẮNG” VÀ MỐI TÌNH SON SẮT
“ÁO TRẮNG” VÀ MỐI TÌNH SON SẮT
Từ cuối những năm 60 (thế kỷ XX), ở miền Bắc, thời học trường làng, tôi đã được nghe về mối tình của cặp đôi Nguyễn Thị Châu và tử tù Lê Hồng Tư trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn rực lửa tranh đấu. Lớn thêm chút nữa, đọc “Bài thơ Áo trắng” của Lê Anh Xuân từ miền Nam gửi ra, càng thêm yêu mến hình tượng cô nữ sinh “Như cánh chim xanh mang ánh sáng/ Em bay đi, bay khắp đô thành/ Sài Gòn đã vào đêm sâu thẳm/ Em còn đi thấp thoáng phố dài” huyền ảo và thật đẹp. Những câu thơ đậm chất lãng mạn cách mạng đã khiến biết bao bạn đọc thưở ấy đắm say. “Với Đảng, với anh, người đồng chí/ Em là sen thơm ngát hoa tươi/… Em đã viết bài thơ “Áo trắng”/ Giữa xà lim xiềng nặng đôi tay/ Máu đã chảy thành dòng đỏ thắm…”.
Mãi tới mùa hè năm 2019, lần đầu tôi được diện kiến hai ông bà tại nhà riêng, căn nhà đơn sơ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Mái tóc bồng bềnh gió sương, bà Châu có gương mặt tựa như được tạc bằng đá cẩm thạch, rất đỗi dịu dàng. Nụ cười hiền từ, giọng nói khoan hòa của bà nhẹ và ấm, dường như nét xuân sắc mặn mà một thời của người phụ nữ này vẫn còn lưu dấu...
Thời nữ sinh áo trắng
Sinh trưởng ở Biên Hòa, Nguyễn Thị Châu chào đời bên một dòng sông đã đi vào thi ca: “Con sông Đồng Nai nó dài, nước trong xanh mát rượi/ Con gái Đồng Nai xinh xắn tóc dài…”. Thân phụ tham gia kháng chiến, bị địch bắt giam đổ bệnh rồi mất sớm, để lại mẹ già, vợ cùng đàn con thơ. Mới 10 tuổi đầu, cô bé đã lo phụ giúp má nuôi các em. Mỗi lần từ chợ về qua ngang lớp học, nghe tiếng ê a xướng vần, Châu thẫn thờ đứng lặng và nén một tiếng thở dài, nuốt vào lòng ao ước được học cái chữ để ra làm cô giáo hoặc y tá giúp người. Ngặt nỗi, nhà quá nghèo. Nghe con gái năn nỉ thấy tội nghiệp, thân mẫu bèn dẫn Châu đến hỏi ý kiến mẹ chồng. Bà nội gật, thế là cô cháu được đến trường. Vừa làm, vừa học. Cứ sáng gánh cá ra chợ cho má bán, chiều cắp sách đến trường, khuya thức học bài. Người nghèo bị ức hiếp đủ đường, lắm khi tụi cảnh sát giựt gánh đổ cá lên đầu, cô bé vẫn không nản.
Thưở ấy, việc học hành, thi cử khó khăn, tỷ lệ học sinh đỗ rất thấp, nhưng Châu sáng láng, học giỏi nên cứ nhẹ như không. Xong trung học đệ nhất cấp, cô ngỏ ý xin học tiếp, thì má gạt đi. Học lên nữa, thì lấy đâu tiền chu cấp, nhưng cái chính là bà lo sợ con mình vô giữa chốn đô thành nhốn nháo, “trai đi bỏ vợ, gái về có con”, rất dễ sa chân, lỡ bước. Châu vội biên thư cầu cứu ông chú ruột đang làm ăn xa, trở về Biên Hòa nói điều hơn lẽ thiệt, kể cả trợ giúp tiền bạc, rồi cuối cùng người mẹ cũng ưng thuận. Nhưng bà bắt con gái phải cam đoan là chỉ lo học, không được làm điều gì tai tiếng!
Nghe lời người chú, lên Sài Gòn, Châu xin vào trường tư thục Văn Thanh, trên đường Cô Giang, quận Nhì (nay thuộc quận 1, TP. HCM). Vốn là một “cây toán”, cô được cử làm trưởng ban toán (Ban B) của lớp. Những chuyến đi cắm trại, rồi tham gia văn nghệ, diễn kịch kháng chiến… đã hun đúc trong lòng cô tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Tại đây, Châu gặp lớp trưởng Lê Hồng Tư, quê ở xã An Lạc, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Tân Kiên, quận Bình Tân, TP. HCM) lớn hơn mình vài tuổi, một người chín chắn, đĩnh đạc. Cả hai cùng hoạt động tích cực trong phong trào học sinh, sinh viên ở đô thành. Theo sự phân công, Lê Hồng Tư ra căn cứ trước, còn Châu cố tình thi rớt để ở lại nội thành gây dựng cơ sở. Tình cảm giữa hai người, như cụ Nguyễn Du tả “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Tuy chưa ngỏ lời hẹn ước, nhưng họ đã trở thành đôi bạn tâm giao thân thiết.
Trong ngục tù Mỹ - Diệm
Sau vụ đấu tranh với Nha học chính Nam Việt, Nguyễn Thị Châu bị mật vụ địch nhận diện và theo dõi. Lấy cớ “về Biên Hòa thăm nội”, cô bí mật ra cứ và gặp anh Lê Hồng Tư. Tổ chức yêu cầu thoát ly, dẫu rất khoái song chưa xin phép gia đình, nên Châu quyết định trở lại Sài Gòn. Định bụng sẽ về thưa chuyện với má, nhưng không kịp. Chiều ngày 9-2-1961, lúc tan học về trên đường Trần Hưng Đạo, khi cô vừa quẹo sang ngả Trần Bình Trọng, thì bất ngờ bị một tốp cảnh sát đón lõng chẹn bắt và lôi lên xe taxi đưa về “trại cải huấn” trong bót Lê Văn Duyệt. Dần dà Châu mới biết có kẻ chỉ điểm và cô bị “đoàn công tác đặc biệt” của Ngô Đình Cẩn, tên bạo chúa miền Trung khét tiếng, vây bắt.
Từ đây, cô nữ sinh bị tống vào ngục Pê Ca-răng-đơ (tức P.42, bót số 42, nằm trong Sở thú Sài Gòn, nơi giam giữ và điều tra của Sở tình báo Mỹ - Diệm). Bị đánh đập, tra tấn, Châu lên cơn sốt nặng phải nhập viện. Từ nhà thương Chợ Quán, địch đẩy cô gái sang Tổng nha rồi lôi trở lại P.42, dẫn qua bót Hàng Keo (Gia Định), lên Thủ Đức… vòng vo hơn một năm trời. Biết rõ lai lịch Nguyễn Thị Châu, bọn mật vụ, an ninh tìm đủ mọi cách đe nẹt, dụ dỗ. Không thể lung lạc được, chúng liền cho thân gái liễu yếu đào tơ “nếm” đủ các ngón thượng thặng kiểu Mỹ, từ cúp phạt, treo ngược xà nhà, chuyển xuống đi “tàu lặn”, rồi lên “tàu bay”, đánh chán thì tra điện… Chết đi sống lại nhiều lần, mỗi khi ngất xỉu, Châu bị chúng vứt vào chỗ dơ dáy, bẩn thỉu. Nhưng không gì có thể khuất phục nổi ý chí của người con gái Biên Hòa.
Những ngày trong ngục P.42, sau trận đòn bầm giập tả tơi, lúc tỉnh dậy trên sàn xi măng lạnh, Châu nhớ da diết tình cảm của Lê Hồng Tư dành cho mình. Hay tin anh Tư cũng vừa bị địch bắt, nghĩ cả hai lâm cảnh tù tội thì khó còn cơ hội gặp lại nhau, cô nghẹn lòng. Dẫu chưa từng làm thơ, nhưng cảm xúc dâng trào, ý thơ da diết bật lên thành lời trong đầu. Nhờ cây kẹp tóc được giấu từ trước, Châu ấn cạnh inox khắc từng chữ lên tường:
“Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”.
Rồi cô bị chuyển sang nhà lao Gia Định. Tại đây, ngày 2-9-1961, chị em trại nữ tìm mọi cách che mắt địch, tổ chức một đêm văn nghệ thật “xôm”. Trải qua nhiều thử thách, được sự chuẩn y của Trại ủy, sau vài tiết mục văn nghệ, chi bộ cắt cử người cảnh giới cẩn thận để tuyên bố kết nạp Nguyễn Thị Châu vào Đảng. Thật tài tình, các chị còn bài trí được cả Đảng kỳ (bằng giấy đỏ) và chân dung Hồ Chủ tịch ghim lên vách, bọn coi ngục không hề hay biết!
Sau cuộc đảo chính Diệm - Nhu (11-1963), các phe phái quân sự và dân sự liên tục đấu đá hạ bệ nhau, khiến chính trường Sài Gòn lún sâu vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhằm “tranh thủ” lôi kéo dân chúng, đám tướng lãnh lên nắm quyền bèn phóng thích nhiều tù chính trị. Vài nhà báo sục vào tận xà lim P.42, tình cờ họ phát hiện được bài thơ “Áo trắng” trên tường… Trước đó, những vần thơ thổn thức ấy đã được các nữ tù nhân truyền miệng, thuộc lòng. Từ ngục tối, bài thơ được tung ra ánh sáng và trở nên nổi tiếng.
Và những trang sách, trang đời
Thoát khỏi ngục tù (1964), Nguyễn Thị Châu được Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định đưa ra căn cứ R. Cùng với chị Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi), hai người được bố trí ra miền Bắc chữa bệnh và học tập. Rồi một vinh dự quá đỗi bất ngờ. Ngày 18-5-1969, người của Ủy ban Thống nhất đến bảo hai chị em mặc đẹp, chuẩn bị “đi công tác”. Khi xe đưa đến Phủ Chủ tịch, họ mới biết là được vào thăm Bác Hồ. Lúc này, sức khỏe của Bác đã suy giảm rất nhiều. Giây phút đầu tiên được nhìn thấy Bác, cả hai chị em cứ nắm lấy tay Người, trào nước mắt vì sung sướng và xúc động. Châu nghẹn ngào thưa với Bác Hồ, con xin được về Nam tiếp tục chiến đấu, để sớm được đón Bác vào thăm đồng bào, đồng chí trong đó. Người mỉm cười bảo, các cháu đã chịu nhiều cực khổ, ra đây, phải ráng học, mai mốt về xây dựng lại quê hương! Chỉ vài tháng sau thì Bác Hồ đi xa…
Từ đây, hai chị em được đi thăm Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, cùng một số nước XHCN khác. Đặc biệt, Nguyễn Thị Châu đại diện cho học sinh, sinh viên Việt Nam phát biểu trong Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tại Helsinki, Thủ đô Phần Lan (1969) gây tiếng vang lớn.
Những năm tháng lưu lại miền Bắc, cô nữ sinh Sài Gòn được tiếp xúc với nhiều nhà văn nhà báo, trong đó có nhà văn nổi tiếng Nguyễn Văn Bổng (1921-2001). Từ năm 1962, ông được cử vào miền Nam đảm trách Phó chủ tịch Hội văn nghệ Giải phóng, bút danh Trần Hiếu Minh. Quãng 1966-1968, nhà văn hoạt động bí mật ở Sài Gòn, nên rất am tường về thành phố này.
Cuộc đời hoạt động ở đô thành và mối tình của cô nữ sinh với chàng lớp trưởng Lê Hồng Tư được nhà văn Nguyễn Văn Bổng dựng thành tiểu thuyết “Áo trắng”, Nhà xuất bản Giải phóng ấn hành (1972, 1975). Trong tác phẩm, nhân vật Phượng là nguyên mẫu của Nguyễn Thị Châu, còn Hoàng chính là Lê Hồng Tư. Đến năm 1987, tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Hàn và trở thành sách gối đầu giường của học sinh, sinh viên Hàn Quốc trong phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Jeon Du Hwan. Một kỷ lục hiếm có, trong 20 năm, cuốn “Áo trắng” được tái bản bí mật ở xứ kim chi đến 35 lần với hàng vạn bản. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy, các dịch giả đã không công khai danh tính. Trong lần xuất bản chính thức gần đây, hai nhà xuất bản Chim Gu (Bạn bè) và Dong Nyok (Phương Đông) cùng hợp tác mua bản quyền để xuất bản với bản dịch mới của Giáo sư TS Bae Yang Soo, Trưởng khoa Tiếng Việt - Trường đại học Ngôn ngữ quốc tế Pusan, Hàn Quốc.
Vị giáo sư danh tiếng đã đến Thành phố Hồ Chí Minh thăm và trò chuyện với hai nhân vật chính. Cuộc gặp gỡ càng khiến dịch giả Bae Yang Soo, người bạn thân thiết của Việt Nam thêm đồng cảm và củng cố quyết tâm. Ông vững tin “Áo trắng” sẽ được đông đảo bạn đọc Hàn Quốc tiếp tục đón nhận. Bởi cuốn sách sẽ có hai thế hệ độc giả. Lớp sinh viên từng đọc bản dịch cũ, tất sẽ có nhu cầu đối chiếu với ấn bản mới. Còn giới trẻ hiện nay háo hức muốn biết vì sao cha anh họ lại coi đây là sách “gối đầu giường”. Có thể nói tiểu thuyết “Áo trắng” là một trong những nhịp cầu nối văn hóa Việt - Hàn.
Đầu năm 2020, tiểu thuyết “Áo trắng” vừa được Nxb Trẻ ấn hành. Sách in đẹp, giấy tốt, với nhiều ảnh và tư liệu phong phú.
Mối tình đơm hoa
Trở ngược dòng thời gian, ngày 26-3-1961, Ban cán sự sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định lựa chọn một số cán bộ, đoàn viên cơ sở dũng cảm trong phong trào đấu tranh chính trị, để thành lập Đội vũ trang quyết tử. Bấy giờ, Nguyễn Thị Châu đang bị giam trong ngục P.42.
Mười ngày sau, Đội nhận lệnh ra quân đánh trận đầu. Hai anh Lê Hồng Tư và Hà Văn Hiền (tức Trương Tấn Biên, Tư Biên, sau là phu quân của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa) chỉ huy, diệt tên Wiliam Thomas, chuyên viên cao cấp không quân Mỹ ngay trước ngôi nhà của y tại góc đường Ngô Thời Nhiệm - Trương Minh Giảng (nay là đường Trần Quốc Thảo). Tiếp đó, Đội ném lựu đạn vào trụ sở cơ quan USOM trên đường Trần Hưng Đạo. Sau trận dùng thủ pháo trừng trị viên Đại sứ Mỹ E. Nolting, tên này chết hụt, còn Lê Hồng Tư sa vào tay địch. Ngày 23-5-1962, anh và Giáo sư Lê Quang Vịnh cùng 10 người trẻ tuổi khác bị đưa ra xử tại tòa án quân sự Sài Gòn. Lê Hồng Tư gây chấn động dư luận trong và ngoài nước với lời tuyên bố dõng dạc: “Tôi chỉ tiếc không đủ tạc đạn để giết hết bọn xâm lược Mỹ!”. Tại phiên tòa, anh bị kết án tử hình và bị đày ra Côn Đảo. Bức ảnh Lê Hồng Tư hiên ngang với lời nói đanh thép được chuyển ra miền Bắc và in trên báo ảnh Việt Nam, trở thành lời thôi thúc thanh niên lên đường đánh giặc.
Tháng 5-1973, Nguyễn Thị Châu xin được trở về miền Nam chiến đấu. Từ sau Hiệp định Paris, tình hình trên các chiến trường có nhiều biến chuyển mau lẹ. Cuối năm 1974, các cánh của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định được gọi về căn cứ Long Định để nhận sự phân công. Chiều 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, đại quân ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Ngay sau khi thành phố vừa được giải phóng, Thành ủy chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ quận 10 gồm năm người, trong đó hai cán bộ chủ trì đều là nữ. Bí thư Quận ủy là chị Phạm Thị Sứ (Năm Bắc); Phó bí thư, Chủ tịch UBND cách mạng là chị Nguyễn Thị Châu (Hai Thanh). Ngày 7-5-1975, tại Học viện Quốc gia hành chánh, trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2), UBND cách mạng quận 10 làm lễ ra mắt với sự chứng kiến của đông đảo đồng bào các giới.
Thoát án tử hình, sau đại thắng mùa xuân 1975, Lê Hồng Tư cùng nhiều anh chị em tù chính trị được đưa về đất liền. Mối tình chung thủy sắt son của họ sau hơn 14 năm ròng rã, đã đơm hoa. Ngày 17-8-1975, đám cưới của Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu được tổ chức trong khuôn viên Học viện Quốc gia hành chánh. Tiệc tuyên hôn chỉ đãi bánh, kẹo và thuốc lá. Tuy mời khoảng 200 khách, nhưng có hơn 600 người đến dự. Bà con trên địa bàn quận, tò mò tới coi để biết “đám cưới cách mạng” thế nào; còn bạn bè, hay tin tự động kéo đến chung vui. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, khi ấy ở Bộ Văn hóa, vào Sài Gòn, nghe có đám cưới của một tử tù, ông liền dẫn cả đoàn công tác tới dự và cho quay phim, chụp hình rất nhiều. Thời điểm thành phố vừa được giải phóng thì đây là một “sự kiện”. Và cũng vì vậy mà nữ Chủ tịch quận bị phê bình vì tổ chức đám cưới “phô trương”! Kỳ diệu thay, 29 năm sau, người con trai duy nhất của ông bà, anh Lê Nguyễn Hồng Quang cũng tổ chức đám cưới tại nơi này…
Sau thời gian nghỉ sinh con, bà Châu được bố trí sang công tác tại Hội LHPN thành phố. Học xong trường Đảng, bà về Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em thành phố, rồi qua Sở giáo dục… Trên cương vị Chủ tịch Quỹ bảo trợ trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Châu là thành viên đoàn Phụ nữ Việt Nam tham dự Đại hội Quốc tế về phụ nữ lần thứ IV, do Ủy ban Địa vị phụ nữ của Liên hiệp quốc, tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 9-1995. Bà có nhiều đóng góp khi làm Chủ nhiệm Ủy ban thiếu niên, nhi đồng TP. HCM.
Trải bao năm tháng, mối tình của Nguyễn Thị Châu và Lê Hồng Tư vẫn bền chặt và đẹp hơn cả những trang sách. Xuân Tân Sửu này, cặp uyên ương xưa đã vào ngưỡng U90, song ông bà vẫn dành cho nhau tình cảm ngọt ngào nồng ấm như xưa.
NGUYỄN MINH TUÂN