column_right getExtensions 1735278136-1735278136

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1735278136-1735278136

NHỮNG LÁ THƯ GỬI LẠI

NHỮNG LÁ THƯ GỬI LẠI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-11-2024

Những lá thư gửi lại

THU HOÀN

Tình yêu trở thành sức mạnh giúp con người vượt qua nỗi đau thương, mất mát, rèn giũa ý chí và bản lĩnh, đương đầu với những thử thách, vươn lên trong cuộc sống. Ấy là câu chuyện tình giữa bà Tôn Nữ Quỳnh Như và nhà thơ liệt sĩ Trần Quang Long.

Ảnh cưới của bà Tôn Nữ Quỳnh Như và ông Trần Quang Long (1967)

Là con gái Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, một trí thức yêu nước, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, tiểu thư Quỳnh Như chào đời ở cố đô Huế. Năm 1959, theo gia đình vào Sài Gòn, học Trường nữ Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh), cô tham gia hoạt động cách mạng bí mật với sự hướng dẫn của thầy giáo Lê Quang Vịnh, một chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Năm 1962, thi đậu Trường đại học Kiến trúc, cô nữ sinh bắt liên lạc với tổ chức và tích cực hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn. Ẩn sau vẻ ngoài mảnh mai, dịu dàng, xinh đẹp là một trái tim yêu nước, đầy nhiệt huyết. Trong dịp tham dự trại hè Đà Lạt năm 1964, Quỳnh Như gặp nhà thơ Trần Quang Long. Thời gian dạy học ở Quy Nhơn (1967) cuối tuần về Sài Gòn, qua bạn bè kết nối, ông Long gặp lại Quỳnh Như. Từ đó, cứ đến cuối tuần, thi sĩ chống nạng (do bị bắn gãy chân khi tham gia tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn của học sinh, sinh viên ở Quy Nhơn) háo hức đến thăm người đẹp.

Trần Quang Long dành cho Quỳnh Như tình cảm rất đặc biệt, vừa rung động, si mê vừa tôn trọng, nể phục. Khi ấy, có không ít chàng trai con nhà gia thế theo đuổi nhưng tiểu thư đã dành trọn trái tim cho người thi sĩ tài hoa, cùng chí hướng và đầy bản lĩnh. Tình yêu lứa đôi hòa quyện trong tình yêu đất nước, chung lý tưởng cách mạng. Những vần thơ cháy bỏng nhiệt huyết cách mạng, có sức kêu gọi mạnh mẽ học sinh, sinh viên, trí thức… đứng lên đấu tranh giành hòa bình, độc lập cho dân tộc của nhà thơ Trần Quang Long có sự ủng hộ, khích lệ to lớn Quỳnh Như.

Sau đám cưới, ông Trần Quang Long vẫn dạy học xa nhà, bà Quỳnh Như ở Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm và hoạt động trong khi đang mang bầu đứa con đầu lòng. Những nguy hiểm rình rập, những bộn bề lo toan của cuộc sống, bà tìm cách xoay xở, giải quyết không một lời kêu ca, phàn nàn, để chồng lo dạy học, thúc đẩy phong trào học sinh, sinh viên; sáng tác, xuất bản thơ… kêu gọi, cổ vũ nhân dân đứng lên đấu tranh.

Mỗi lần viết thư cho chồng, Quỳnh Như đều gửi theo những lời nhắn nhủ, mong ước: “Hy vọng thơ Long sẽ hay hơn nữa vì em thấy Long còn trẻ. Hướng đi của văn nghệ, Long thấy rõ có đối tượng để phục vụ, có hoàn cảnh để sống tốt. Em mong Long tiến bộ không phải chỉ là cái mong mỏi của một người yêu đối với một người yêu mà cái mong mỏi của một người bạn cho xã hội chúng ta, cho ước vọng của thế hệ tụi mình”. “Tình yêu đất nước khi nào cũng đẹp tuyệt vời. Làm thơ ca ngợi thêm về đất nước mình đi Long… Bây giờ, em có cả đất nước hùng vĩ, có cả Trần Quang Long để yêu” (Trích thư, 1967).

Hơn 1 năm rồi tụi mình xa nhau. Ở tù ra em đem những bức thư của mình đi đóng thành tập. Khi nào buồn và nhớ mình, em lấy ra đọc. Em nghĩ rằng khi nào em cũng có một tình yêu bên cạnh, vì chiến tranh mà tụi mình đành tạm xa nhau thôi. Đừng phụ lòng em nghe mình”. (Thư, 1968).

Một lá thư bà Quỳnh Như viết cho chồng

Đặt trọn niềm tin vào người chồng cùng chí hướng, bà luôn ủng hộ và hỗ trợ ông. Những lá thư bà viết cho chồng chủ yếu là gửi gắm nỗi nhớ thương, những lời động viên và cả niềm háo hức, mong ước về đứa con đầu lòng: “Khi nào Long về dẫn em đi mua cuốn sách cách nuôi con nít để em học dần. Nghĩ đến con mình nó mập chú ú là thích rồi. Em muốn nó có cái cười và dáng đi giống của Long”. (Trích thư, 1968).

*

Quỳnh Như bị Tổng nha Cảnh sát bắt giữ (2-1968). Lúc này, ông Trần Quang Long đã vào chiến khu tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ông gửi cho vợ những dòng tâm sự nghẹn ngào: “Ra đi giữa lúc này, giữa lúc em sắp đến ngày sinh nở, lại đang ở trong tù, anh thật chua xót vô cùng. Tình trạng khổ cực của chúng mình là tình trạng chung và nếu đem so với sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu người khác thật chưa đáng kể vào đâu. Anh không thể ở lại… vì sẽ chôn chân trong bốn vách tường một cách đáng tiếc mà thôi, nên anh buộc lòng phải ra đi. Anh hy vọng em sẽ thông cảm và tha thứ cho anh. Anh tin tưởng rằng tuy em buồn tủi ít nhiều nhưng em vẫn vui lòng và chấp nhận quyết định của anh và chắc chắn là quyết định của em nữa. Em từng đồng ý với anh là sẵn sàng chịu đựng cho những ý nghĩa cao đẹp phải không?” (Thư ngày 26-2-1968).

Không ngờ đó lại là thư vĩnh biệt. Đến cận ngày sinh bà Quỳnh Như vẫn ở trong tù. Nhờ bạn tù la hét phản đối, bà được đưa ra ngoài sinh nở. Bà đặt tên con là Xuân Thắng như lời giao ước của vợ chồng. Nhưng khoảng thời gian ở bên con quá ngắn ngủi, bà phải nuốt nước mắt trao đứa con bé bỏng gửi nhờ mẹ ruột nuôi dưỡng để tiếp tục ngồi tù. Gần 1 năm tù đày, bà bặt tin chồng. Ngày được tự do, bà đau đớn, bàng hoàng biết tin ông Trần Quang Long đã hy sinh ngày 11-10-1968 mà chưa biết mặt con.

Sức mạnh tình yêu giúp bà Quỳnh Như vượt lên tất cả. Bà tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và trở thành một trong hai nữ kiến trúc sư giỏi của Sài Gòn lúc bấy giờ. Bà đi dạy và làm thêm, vừa làm cha vừa làm mẹ, nuôi dạy cậu con trai Xuân Thắng, vừa hoạt động cho đến ngày miền Nam được giải phóng.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà công tác tại Viện Thiết kế tổng hợp thành phố. Say mê cống hiến cho công việc, bà dành tình yêu thương chăm chút cho con trai. Nâng niu, gìn giữ từng kỷ niệm và kỷ vật chồng để lại.

Bà Quỳnh Như đem những nỗi niềm gửi vào những lá thư viết cho con trai: “Đêm Noel mẹ ăn liên hoan tại một khách sạn sang nhất Hà Nội do người Cuba xây dựng. Mẹ buồn nhớ bố, nhớ Sao lắm. Nhớ Sao thì có ngày gặp nhưng nhớ bố thì chịu thôi. Mẹ mong con chóng lớn và trở thành một người tốt như bố. Mẹ thương bố lắm nhưng bố không còn nữa, con phải làm cho mọi người thấy con xứng đáng với bố con” (Thư gửi Xuân Thắng (bé Sao) tháng 12-1975).

Ông Trần Xuân Thắng trao tặng kỷ vật của ba mẹ cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một người sẽ không bao giờ mất đi nếu hình bóng họ đã khắc tạc trong lòng ai đó. Và liệt sĩ Trần Quang Long luôn sống mãi trong trái tim, trong tâm thức, trong cuộc sống của người vợ tào khang, hiền thảo Quỳnh Như.

(Nguồn: Báo PN TP.HCM)

BÀI VIẾT NỔI BẬT