column_right getExtensions 1732700141-1732700141

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732700141-1732700141

ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MẦM NON TRONG QUÂN ĐỘI

ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MẦM NON TRONG QUÂN ĐỘI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:21-09-2024

Đổi mới và sáng tạo phương pháp dạy học mầm non trong Quân đội

Bài và ảnh: HẢI VÂN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, từ ngày 6 đến hết ngày 8-8-2024, tại Hà Nội, Ban Phụ nữ Quân đội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giáo dục mầm non năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 và tập huấn nghiệp vụ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong Quân đội. Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) chủ trì. Tham dự tập huấn có gần 150 cán bộ chuyên trách công tác phụ nữ, cán bộ quản lý, giáo viên của 63 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trong toàn quân.

Ban PNQĐ với lớp tập huấn

 

Từ thực tiễn sinh động…

Chiều 6-8-2024, các học viên đã được tham quan học tập thực tế tại Trường mầm non (MN) Sao Mai, Nhà máy Z176, Tổng cục CNQP. Đây là trường mầm non chuẩn quốc gia mức độ 1, một trong những trường mầm non có “thương hiệu” uy tín trong và ngoài quân đội, được bộ đội và nhân dân trên địa bàn tin yêu, yên tâm gửi trẻ. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z176, cán bộ, giáo viên của Trường MN Sao Mai luôn chủ động, sáng tạo trong xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cũng như ứng dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp và mô hình giáo dục tiên tiến trong thực hiện chương trình GDMN.

Đại diện lãnh đạo Nhà máy Z176, Ban PNQĐ và lớp tập huấn tại Trường MN Sao Mai

Các đại biểu đã tham quan môi trường sư phạm của nhà trường và dự 02 hoạt động giáo dục ứng dụng mô hình giáo dục STEAM. Đó là tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Khuyên về lĩnh vực phát triển nhận thức với đề tài “Hoạt động với chiếc chai” cho độ tuổi nhà trẻ (24-36 tháng) và hoạt động khám phá khoa học cho trẻ ở lứa tuổi 4-5 của cô giáo Đặng Thị Ngọc Anh với đề tài “Vì sao có ngày và đêm”.

Tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Khuyên với đề tài “Hoạt động với chiếc chai” cho lứa tuổi nhà trẻ

Phương pháp STEAM là phương pháp giảng dạy tích hợp nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán học cho học sinh mầm non. Phương pháp giáo dục STEAM cũng giúp phát triển tư duy đa chiều và kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ, giúp trẻ hiểu rõ vấn đề và dễ dàng ứng dụng vào thực tế thông qua những việc mà trẻ tận mắt nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào.

Với các đồ dùng, đồ chơi dễ làm từ những vật liệu gần gũi, các cô giáo Trường MN Sao Mai đã mang đến cho trẻ những trải nghiệm gắn với thực tế cuộc sống, trẻ được thể hiện nhu cầu của bản thân, hòa mình với thiên nhiên, được tìm tòi khám phá, có nhiều cơ hội thể hiện năng lực, vốn hiểu biết của bản thân góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt.

Cô giáo Đặng Thị Ngọc Anh với đề tài “Vì sao có ngày và đêm” cho trẻ 4-5 tuổi

2 hoạt động giáo dục trên lớp của trẻ đã được các học viên tham dự quan sát, ghi chép lại để cùng nghiên cứu, trao đổi tại lớp tập huấn; học tập và ứng dụng phù hợp, hiệu quả trong các giờ dạy của mình. Với tinh thần yêu nghề mến trẻ, cùng với tinh thần nhiệt huyết, qua sự trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ giúp các cô có thêm nhiều ý tưởng để tạo môi trường học tập thân thiện, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, là một ngày hạnh phúc của trẻ.

Qua những hình ảnh sống động, chân thực từ phóng sự “Trường mầm non Sao Mai, ngôi nhà - niềm tin - ước mơ”, các đại biểu hiểu rõ thêm về kinh nghiệm xây dựng môi trường và tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong thời gian qua của nhà trường. Một buổi học tập thực tế bổ ích và lý thú đã để lại nhiều ấn tượng đối với các học viên, tiếp thêm động lực và tinh thần cho các buổi lên lớp hôm sau.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng ban PNQĐ tặng quà Trường MN Sao Mai

Thượng tá QNCN Đinh Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường MN 20/2, Binh đoàn 15 rất ấn tượng với những trải nghiệm thực tế, chia sẻ: “Được tham quan một môi trường giáo dục đạt chuẩn là cơ hội để tôi quan sát, học tập và lĩnh hội thêm một số nội dung về công tác quản lý cơ sở vật chất và nhân sự, tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả quản lý tại đơn vị của mình theo xu hướng đổi mới tất yếu trong lĩnh vực GDMN hiện nay, khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, bảo đảm trẻ em được công bằng trong tiếp cận giáo dục”.

 

… Đến những kiến thức lý thuyết mới mẻ, thiết thực

Trong hai ngày 7 và 8-8-2024, các giảng viên có trình độ và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực GDMN: Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hằng - Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo và PGS-TS Bùi Thị Lâm - Trưởng khoa GDMN, Đại học Sư phạm Hà Nội đã giới thiệu với lớp tập huấn các chuyên đề: Hướng dẫn tổ chức hoạt động khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm cho trẻ mầm non; Học tập dựa trên dự án của trẻ mầm non. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình GDMN, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu của GDMN.

Tổ chức hoạt động khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm cho trẻ mầm non là quá trình sắp xếp, bố trí có mục đích, có kế hoạch của giáo viên tạo nhiều cơ hội cho trẻ vận dụng nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm, sử dụng các giác quan để tham gia tìm tòi, khám phá, phát hiện cái mới, cái ẩn giấu về sự vật, hiện tượng xung quanh một cách tích cực bằng các hành động cụ thể, thực tế và tích lũy kiến thức, kĩ năng, hình thành thái độ phù hợp với nhu cầu, khả năng và hứng thú của trẻ. Qua nội dung được tập huấn, các học viên vận dụng được kiến thức, kỹ năng được trang bị vào tổ chức các hoạt động KPKH qua thực hành, trải nghiệm theo quy trình 5E: Engage – Explore – Explain – Elaborate - Evaluate (Khởi động - Gắn kết, Khám phá, Giải thích, Mở rộng - Củng cố, Đánh giá). Quy trình 5E khuyến khích sự tự khám phá và tự “học” ở trẻ trong các hoạt động thực hành, trải nghiệm bằng tất cả các giác quan thay vì trẻ chỉ được nghe và ghi nhớ thông tin.

Hoạt động khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, đặc biệt là sự phát triển nhận thức của trẻ mầm non; kích thích tính tò mò, ham hiểu biết và hứng thú nhận thức về thế giới xung quanh của trẻ một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn. Qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm trẻ có cơ hội tiếp cận các sự vật, hiện tượng khác nhau. Từ đó, trẻ kiến tạo nên kiến thức, hiểu biết ban đầu về một số khái niệm khoa học đơn giản và có thể vận dụng một cách phù hợp vào thực tiễn, chuẩn bị nền tảng cho việc học tập ở cấp tiểu học sau này.

Với phong cách truyền đạt sôi nổi, tự nhiên và tràn đầy năng lượng, Ths Vũ Thị Thu Hằng đã biến đổi kiến thức “thô” thành những nội dung hấp dẫn, dễ hiểu để người học tiếp nhận được dễ dàng. Từ không khí ban đầu còn có phần rụt rè, e ngại, các học viên đã ngày càng tích cực tham gia thảo luận và tương tác hơn, tạo không khí sôi nổi cho lớp học. Những kiến thức lý thuyết trừu tượng được ví dụ cụ thể như dạy trẻ kỹ năng sử dụng các phương tiện để KPKH như sử dụng kính lúp như thế nào… được các học viên chia sẻ theo cách hiểu của riêng mình… Mỗi người học đã được khơi dậy động lực học tập, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu bài học nhiều hơn.

Ths. Vũ Thị Thu Hằng với chuyên đề “Hướng dẫn tổ chức hoạt động KPKH qua thực hành, trải nghiệm cho trẻ mầm non”

CNV Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường MN Nhà máy Z153, Tổng cục Kỹ thuật, một cán bộ quản lý phát triển lên từ một giáo viên rất tâm huyết, rất chăm chú và tích cực tham gia các nội dung của lớp tập huấn. Bài học chị rút ra là: “Đây là phương pháp rất hiệu quả và các giáo viên cần nắm bắt rõ quy trình 5E khi tổ chức hoạt động Khám phá khoa học cho trẻ mầm non. Trước khi tham gia lớp bồi dưỡng, bản thân tôi cũng đã vận hành hoạt động chăm sóc - giáo dục tại trường mầm non của mình theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, song chưa khai thác triệt để được các nội dung giáo dục trong quá trình cho trẻ trải nghiệm, thực hành. Qua bài học ngày hôm nay, tôi hiểu rằng trẻ chỉ thực sự tích lũy kiến thức mới khi trẻ được thực hành, trải nghiệm và chỉ có thực hành, trải nghiệm mới trả lời được những câu hỏi do chính trẻ đặt ra trong quá trình học tập. Thực sự bản thân tôi đã có những thay đổi rõ rệt về tư duy”.

Tương tác tích cực giữa giảng viên và học viên

Nhẹ nhàng, cụ thể và cặn kẽ, chi tiết, PGS-TS Bùi Thị Lâm lại giúp học viên nắm bắt được những kiến thức cơ bản về “Dạy học theo dự án”. Đây là hình thức dạy học rất ưu việt đã được nghiên cứu và thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, là phương pháp cho trẻ nghiên cứu sâu một đề tài cụ thể. Trong quá trình khám phá, trẻ được tự lên kế hoạch, tự thực hiện và điều hành các hoạt động trải nghiệm của chính mình, giáo viên chỉ có vai trò định hướng, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động.

PGS-TS Bùi Thị Lâm giới thiệu với lớp tập huấn chuyên đề “Học tập dựa trên dự án của trẻ mầm non”

Trẻ mầm non là lứa tuổi ham tìm hiểu, thích khám phá, thích tìm tòi những cái mới để thoả mãn các nhu cầu hiểu biết về thế giới xung quanh với hàng vạn câu hỏi “vì sao?” của mình nên mô hình “Dạy học theo dự án” là một trong những phương pháp phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của trẻ đồng thời là phương pháp tối ưu giúp hình thành và phát triển các tố chất cần thiết.

Cùng với nội dung lý thuyết, các học viên được tổ chức hoạt động theo nhóm để thực hành, cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ các ý tưởng. Nhiều vấn đề tưởng chừng rất đơn giản, các cô giáo vẫn lên lớp hằng ngày, nay lại được “mổ xẻ” đa chiều khiến cho không khí lớp học thêm hứng khởi. Với một bài tập được đưa ra như tổ chức một dự án làm giá đỗ cho học sinh mầm non, các bước được đặt ra như giá đỗ là gì, được sử dụng như thế nào, làm từ đâu, làm như thế nào… tất cả đều theo sự quan sát, khám phá và ý tưởng thực hiện của học sinh, cô giáo chỉ là người định hướng, đòi hỏi sự khéo léo dẫn dắt và định hướng của giáo viên. Với tư duy ngộ nghĩnh sáng tạo của con trẻ, có khá nhiều “tình huống” nảy sinh bất ngờ thú vị …

Thực hành theo nhóm

Là giáo viên của Trường MN Sao Mai Z176, Nhà máy Z176 (Tổng cục CNQP) - một trường mầm non chất lượng cao trong Quân đội với những phương pháp và mô hình giáo dục tiên tiến được ứng dụng phù hợp, hiệu quả như: STEAM, Motessorri, học tập dựa trên dự án, học tập qua trải nghiệm… trong những năm qua, được Ban Tổ chức “đặt hàng” để lớp tập huấn được tham quan, nhưng Trung tá QNCN Hoàng Thị Hương, một cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thấy mình vẫn còn phải tiếp tục học tập, nghiên cứu mới có thể bắt kịp với xu thế đổi mới của GDMN hiện đại. Chị chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm tập huấn mới, rất thú vị giúp bản thân mình hiểu sâu sắc hơn về bản chất và cách thức tiến hành triển khai một dự án học tập cho trẻ mầm non. Nếu như trước đây việc học tập của trẻ được giáo viên xây dựng theo chủ đề với nội dung cụ thể đã định sẵn thì hiện nay việc lựa chọn chủ đề hay dự án phải được xuất phát từ mong muốn của trẻ. Trẻ được chủ động tham gia mọi hoạt động tìm hiểu, khám phá để trả lời cho câu hỏi của chính mình. Học tập theo dự án giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng qua quá trình trải nghiệm thực tiễn và không quá đề cao kết quả. Chắc chắn cá nhân tôi sẽ chia sẻ bài dạy của giảng viên tới toàn thể giáo viên Trường MN Sao Mai Z176 và cùng các đồng nghiệp triển khai áp dụng ngay trong năm học 2024 - 2025”.

 

“Những giai điệu kết nối”

Trong khuôn khổ chương trình, lớp tập huấn đã có một buổi tối gala văn nghệ “cây nhà lá vườn” do chính các các cô giáo mầm non - thành viên của lớp biểu diễn trong không khí ấm áp, đầy cảm xúc, trọn vẹn với những ấn tượng để lại cho mỗi người tham dự.

“Dâng Người tiếng hát mùa xuân” – tốp ca nữ TC CNQP

Các đại biểu và khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ tha thiết, sâu lắng qua bài hát “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” (sáng tác: Nguyễn Văn Thương) với sự trình bày của các cô giáo đến từ Tổng cục CNQP, một ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ghi dấu ấn trong tâm thức mỗi người Việt mà mỗi khi được thưởng thức người nghe vẫn trào dâng cảm xúc, lòng biết ơn vô hạn đối với Người Cha già vĩ đại của dân tộc. Rồi các điệu nhảy dân vũ sôi động và vui nhộn của các cô giáo đến từ Binh đoàn 16 qua nền nhạc bài hát “Cô gái mở đường”; tiết mục zumba “Một vòng Việt Nam” của các cô giáo đến từ các trường mầm non của Tổng cục CNQP với trang phục cờ đỏ sao vàng đã cuốn hút người xem “cháy hết mình” cùng nhịp điệu của các “vũ công”. Đặc biệt, tiểu phẩm tự biên “Viết tiếp ước mơ vùng biên” của Binh đoàn 15 và “Chuyện thường ngày” của các cô giáo mầm non Bộ Tổng Tham mưu với sự tung hứng duyên dáng cùng diễn xuất tự nhiên, “tưng tửng” thú vị của các “nghệ sĩ” không chuyên đã khiến khán giả cười nghiêng ngả với những tràng pháo tay không ngớt. “Đúng là tài năng và sự sáng tạo của các cô giáo mầm non luôn đi xa hơn tưởng tượng” - đó là những bình luận của khán giả dành cho các tiết mục của chương trình.

Tiểu phẩm tự biên “Viết tiếp ước mơ vùng biên” của Binh đoàn 15

“Những giai điệu kết nối” từ một đêm Gala đáng nhớ, trọn vẹn đã ghi lại dấu ấn đẹp cho mỗi thành viên tham gia lớp tập huấn năm nay.

 

Để bài học đi vào cuộc sống

Chương trình tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2024 đã cung cấp một lượng kiến thức tuy không quá nhiều nhưng rất thiết thực cả về lý luận và thực tiễn cho các học viên. Gần 200 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tham gia lớp tập huấn, mỗi người sẽ rút ra cho bản thân mình những bài học và kinh nghiệm riêng trong quá trình công tác, nhưng đều cùng chung tinh thần học tập nghiêm túc, tích cực. Các cô giáo đều chia sẻ, đây là cơ hội để mỗi người được học hỏi, cập nhật những kiến thức mới, những phương pháp giảng dạy tiên tiến theo xu hướng phát triển chung của nền giáo dục của cả nước. Từ những kiến thức tiếp thu trong lớp học cũng như qua hoạt động tham quan thực tế, mỗi học viên đã đúc rút cho bản thân những kinh nghiệm, kỹ năng để vận dụng, triển khai trong nhiệm vụ chuyên môn ở đơn vị mình công tác.

Kết nối từ những khoảnh khắc đẹp

Phát biểu bế mạc lớp tập huấn, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền mong muốn, sau Hội nghị tập huấn các cán bộ quản lý sẽ tích cực triển khai, tổ chức các lớp tập huấn tại trường, cơ sở GDMN của mình để truyền tải, chia sẻ kiến thức đã thu nhận được đến gần 2.000 cán bộ, giáo viên trong toàn quân hiệu quả nhất. Đối với các giáo viên cốt cán dự Hội nghị, khi trở về trường, lớp của mình sẽ là nòng cốt cùng với cán bộ quản lý tiếp tục tập huấn cho các cô giáo không được dự trực tiếp về những kiến thức, kinh nghiệm đã học tập được; đồng thời sẽ là những người trực tiếp triển khai cụ thể hóa, hiện thực hóa những kiến thức được thu nhận tại lớp tập huấn trên trẻ trong những giờ học. Trưởng ban PNQĐ cũng tin tưởng rằng, sau lớp tập huấn, với sự tích cực, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non ở các cơ sở GDMN, chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong Quân đội sẽ ngày càng được được nâng lên và đạt được nhiều thành tích cao hơn, mới hơn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đổi mới của cấp học mầm non trong giai đoạn hiện nay.

BÀI VIẾT NỔI BẬT