TRÔNG VỀ VIỆT BẮC …
Trông về Việt Bắc …
Bài và ảnh: Thùy Anh
Thời gian qua, Quân khu 1 tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện cuộc vận động sáng tác, triển lãm tranh về đề tài bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (gọi tắt là cuộc vận động) với chủ đề “Thực hiện BĐG, chấm dứt bạo lực, lan tỏa yêu thương”.
Trên địa bàn Quân khu có 25 dân tộc anh em sinh sống, với 11 huyện nghèo, 367 xã đặc biệt khó khăn; 12 huyện, 61 xã, thị trấn với 639 thôn, bản thuộc các xã biên giới, đời sống bà con còn nhiều vất vả; nhất là đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì bội phần khó khăn. Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu tích cực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những hủ tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em miền núi; trang bị kiến thức về BĐG, kỹ năng thực hiện lồng ghép BĐG cho các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện BĐG cho phụ nữ và quyền trẻ em.
Đại tá Dương Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ (VSTBCPN) Quân khu, cho biết, cuộc vận động triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, với những yêu cầu cụ thể. Các tranh dự thi đều phản ánh góc nhìn và thông điệp về BĐG; việc thực hiện BĐG trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Ca ngợi những việc làm tốt, cách làm hay, hình ảnh đẹp về sự yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội. Đồng thời, phê phán những suy nghĩ, việc làm, cách ứng xử mang định kiến giới và có sự phân biệt đối xử; đấu tranh với những hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.
Thượng úy QNCN Mông Thị SLăn, nhân viên Ban Tổ chức, Phòng Chính trị, Đoàn 338, chia sẻ: Ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Vấn đề BĐG đối với phụ nữ và quyền trẻ em chưa được quan tâm đúng mức; trong một số gia đình, phụ nữ còn bị bạo hành, con trẻ không được đến trường. Là người dân tộc Nùng, nên tôi không gặp rào cản về văn hóa và ngôn ngữ khi tuyên truyền, vận động cho bà con nâng cao nhận thức về BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình. Thiết nghĩ phụ nữ cũng phải thay đổi nhận thức, vươn lên khẳng định vai trò của mình trong tham gia xây dựng, phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Qua bức tranh “Thực hiện bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, tôi mong những người đàn ông trong gia đình hãy yêu thương vợ con mình; nhưng chị em cũng phải yêu thương và tôn trọng bản thân mình từ trong nhận thức. Các nạn nhân bạo lực gia đình hãy mạnh dạn lên tiếng; mỗi gia đình và cộng đồng cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực bằng những hành động thiết thực, nhằm xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của một con người, một thế hệ, đặc biệt là những gì đã ăn sâu vào đời sống hằng ngày của cộng đồng không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi một quá trình tác động liên tục, mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, những tấm gương thực tế.
Cháu Phùng Thị Yến Nhi, sinh năm 2007 (con Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hoa, nhân viên Trại tạm giam Quân khu) thủ thỉ, cháu biết đến cuộc thi là nhờ mẹ thông tin. Cháu vẽ và hoàn chỉnh tranh “Bộ đội lên bản” trong 3 ngày. Ở trường, cháu đã được học về BĐG đối với trẻ em, phụ nữ miền núi. Nên cháu quyết định thể hiện nội dung về một ông bố say rượu chửi mắng và cấm đoán con gái đi học nhưng lại cho phép con trai đến trường. Chú bộ đội và cậu con trai trong bức tranh phản đối điều đó, họ ủng hộ ước mơ trở thành cô giáo của em gái nhỏ. “Mang BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình lên bản” là thông điệp gửi người vùng cao, miền núi Việt Bắc. Đẩy lùi nạn bất BĐG do những tập tục lạc hậu, để các bé gái đều được đi học… Tác phẩm của Yến Nhi được trao giải Khuyến khích tại cuộc vận động sáng tác và triển lãm tranh về đề tài BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng tổ chức.
Tác phẩm “Thúc đẩy bình đẳng giới - vì sự phát triển của trẻ em dân tộc miền núi” của Trung tá QNCN Mai Hồng Ngân, nhân viên Văn thư - bảo mật, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cục Chính trị Quân khu giành giải C. Tác giả mong muốn mọi trẻ em đều được đến trường, do đó cần có sự chung tay của các bậc cha mẹ, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chính việc quan tâm, tạo điều kiện thực hiện quyền học tập của con trẻ sẽ góp phần nâng cao dân trí; xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, một đất nước văn minh, hiện đại, hội nhập và phát triển. Bức tranh mô tả các bạn nhỏ vùng cao có một ước mơ thật giản dị, đó là được đến trường, được học tập để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Cuộc vận động sáng tác tranh thu hút đông đảo sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ cũng như cán bộ, hội viên phụ nữ và trẻ em; thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 của LLVT Quân khu 1, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi quân nhân trong thực hiện BĐG và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.