QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HỒ SƠ HƯỞNG CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU
QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HỒ SƠ HƯỞNG CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU
1. Mức tiền lương để tính mức hưởng trợ cấp ốm đau trong thời gian quân nhân hưởng trợ cấp ốm đau được thăng quân hàm hoặc nâng lương quy định như thế nào?
Tại khoản 4, Điều 5 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 30-6-2016 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ, quy định: “Trong thời gian hưởng trợ cấp ốm đau, nếu Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở hoặc người lao động được phong, thăng quân hàm, nâng lương, tăng phụ cấp thâm niên nghề hoặc thâm niên vượt khung thì mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động vẫn tính theo mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị bệnh”.
2. Quy định về thủ tục hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, bao gồm các chế độ khi chăm con ốm đối với người lao động công tác trong Bộ Quốc phòng?
Điều 6 Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29-10-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng, quy định:
- Trường hợp điều trị nội trú: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh (KCB) trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến, hoặc giấy chuyển viện. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở KCB thì thay bằng giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở KCB thể hiện thời gian vào viện.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc để chăm con ốm thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động KCB ở nước ngoài thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy KCB do cơ sở KCB ở nước ngoài cấp.
- Ngoài hồ sơ theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 điều này, cơ quan nhân sự lập thêm danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (theo mẫu).
PNQĐ