column_right getExtensions 1714919004-1714919004

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714919004-1714919004

TỪ BƯNG BIỀN…

TỪ BƯNG BIỀN…

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:21-08-2023

TỪ BƯNG BIỀN…

Ngay sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954), với dã tâm xâm lược Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp và dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Từ năm 1961, Diệm lập ra “ấp chiến lược” và coi đây như một “quốc sách”, nhằm tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng, thực thi chính sách bình định của Mỹ.

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhiều địa phương đã vùng lên, chống lại sự kìm kẹp của Mỹ - Diệm. Trong số những điển hình phá banh “ấp chiến lược”, không thể không nhắc đến chị Nguyễn Thị Hạnh, một người con của xứ bưng biền Đồng Tháp Mười.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh (1937-1972)

Quê ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chị Hạnh chào đời năm Đinh Sửu (1937) trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm. Vì có người anh và người chị tham gia chống Pháp rồi tập kết ra miền Bắc, nên gia đình Hạnh luôn bị địch theo dõi, kiểm soát gắt gao. Ngay từ nhỏ, Hạnh có tiếng gan góc, học võ, đánh lộn hoài. Gần như suốt ngày cô bé lội ngoài đồng bưng, bắt cá về phụ má nuôi cán bộ ở trong nhà. Đêm xuống, mấy chú lên khỏi hầm bí mật, đi hoạt động. Đình chiến, các chú tập kết ra Bắc, là cơ sở cách mạng, má chị tiếp tục đón các anh khác về nuôi giấu. Không khí làng quê ngày một thêm ngột ngạt vì chính quyền Diệm đàn áp khốc liệt những người cộng sản và kháng chiến cũ. Nhưng nếp nhà chị thì vẫn vậy, không sợ hiểm nguy, chắt chiu bảo bọc cán bộ. Má Hạnh thức đêm thức hôm lo giã bàng, còn mấy chị gái kín đáo vần cối ra bưng giã gạo. Ngày hai bận, Hạnh lén mang cơm tiếp tế cho các anh.

Luật 10/59 ra đời. Mỹ - Diệm lê máy chém về đặt giữa chợ. Bọn lính lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, truy bắt cán bộ cách mạng. Bà con cô bác chịu hết xiết trước những tội ác kẻ thù gây ra. Cảnh máu chảy, đầu rơi, diễn ra ở nhiều nơi. Rồi quê nhà “Đồng khởi”, thanh niên gia nhập du kích, đánh giặc bằng mũi chông tre và ngọn mác. Địch cho xe cơ giới về ủi ruộng vườn, ủi nhà, làm đường, chúng dồn dân vào các “ấp chiến lược”. Ngôi nhà của má chị Hạnh cũng bị cào sập, lính dồn cả lên xe chở vào khu tập trung.

Ngày ấy, con gái mới lớn lên, cha mẹ chỉ muốn gả chồng cho xong. Từ hồi tóc còn bỏ đuôi gà, Hạnh đã quen với anh Chẩn, người cùng xã. Hai người thương nhau, nhưng chưa kịp thưa chuyện với cha mẹ, thì năm 1956, anh Chẩn bị địch bắt đi tù. Chúng đày anh đi xa lắc. Mấy năm sau, anh Chẩn thoát khỏi ngục tù trở về, họ thành đôi lứa. Nhưng vừa cưới được vài tháng, Hạnh động viên chồng gia nhập quân Giải phóng. Chị bảo, đừng lo tôi chết, cứ để tôi ở đây sống với bà con. Má chồng chuyển đi nơi khác, má ruột cũng đi, còn lại một mình, Hạnh cất tạm cái chòi để ở và ngóng đợi. Ngày qua ngày, ngó làng xóm tiêu điều, xác xơ, chị càng nung nấu quyết tâm muốn trả thù cho quê hương. Nhưng cứ đắn đo, nếu trốn đi tòng quân, cũng chưa chắc đã được cầm súng, nên chị đành bấm bụng ở lại, làm du kích. Được người chị dâu thứ ba đồng lòng và dọn về ở cùng, Hạnh vui như chim sổ lồng.

Năm 1963, địch điều 3 tiểu đoàn chủ lực và biệt động quân về xã Mỹ Hạnh càn quét, chúng gom phần lớn người dân để lập “ấp chiến lược”. Đây chính là trại tập trung trá hình. Được phân công vào hoạt động trong “ấp chiến lược”, chị giả bộ đi chữa bệnh, kiên trì bám ấp, gây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, tổ chức du kích mật; điều tra, phát hiện bọn điệp ngầm trà trộn trong dân. Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn vì địch tuyên truyền và khủng bố, nên phần lớn bà con chưa dám tin cách mạng. Không nản lòng, chị kiên trì đến từng gia đình nghèo khó, có mối thù với địch, để vận động thuyết phục và giúp đỡ họ. Dần dà, chị được người dân tin tưởng và cảm mến. Nhờ vậy, trong thời gian công tác, chị Hạnh đã xây dựng được 74 cơ sở, 37 du kích mật và 37 hạt nhân nòng cốt.

Hình mẫu “ấp chiến lược” với hào và chông tre

Một lần đi nhận chỉ thị phá “ấp chiến lược” để về phổ biến cho cơ sở và du kích, chị Hạnh tranh thủ đến gặp một đảng viên ở cách đồn địch vài trăm mét, bất ngờ toán lính đi tuần tra nhìn thấy chị và sinh nghi. Nhanh trí, chị tạt vào nhà y tế gần đó. Đám lính ập đến hỏi, chị này đi đâu? Hạnh thản nhiên, tôi đi chích thuốc, tiện ghé thăm người quen. Nghe vậy, bà già từ trong nhà chạy ra nhận chị là cháu. Người y tá xác nhận ngày nào chị này cũng tới làm thuốc, chớ Việt cộng gì đâu. Bà con lối xóm mỗi người một câu, bọn lính không có cớ để bắt chị. Ngay đêm hôm đó, chị dẫn bộ đội về bao vây đồn bót, du kích mật hạ cờ “ba que” xuống, treo cờ Mặt trận lên. Ta bắt được 21 tên tề, điệp đem ra cảnh cáo. Bà con trong “ấp chiến lược” được bộ đội và du kích hỗ trợ đã ào lên nhổ phăng hàng rào kẽm gai, chuyển đồ đoàn về ruộng vườn cũ làm ăn.

Người dân đấu tranh chống địch dồn vào “ấp chiến lược”

Trong vòng 4 năm (1963 - 1966), chị Hạnh trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ bộ đội huyện, tỉnh đánh nhiều trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch và 10 xe cơ giới (có 1 xe M.113), phá hủy 2 khẩu pháo, thu 50 súng các loại. Chị còn sát cánh cùng với đội du kích đánh nhiều trận nhỏ, lẻ, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Mình chị, diệt 19 tên.

Đội nữ pháo binh Long An

Đi trinh sát, ngồi trên xe bò chở lúa, chị Hạnh quan sát và ghi nhớ kỹ cách bố trí hỏa lực và đội hình quân địch; khi về, chị vẽ lại sơ đồ, giúp bộ đội tác chiến. Có lần, chị dắt xe đạp ngang qua chỗ địch đóng quân, nhẩm đếm số bước chân, ước tính cự ly giúp bộ đội pháo kích trúng mục tiêu. Nhiều bận, chị táo bạo giấu mìn, lựu đạn, truyền đơn... trong giỏ đựng quần áo để qua mặt tụi lính gác. Tổ du kích do chị Hạnh chỉ huy trà trộn, gài mìn trên đường và ném lựu đạn vào khu vực đặt hòm phiếu tại ấp, phá cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn của địch.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn vũ khí, chị Nguyễn Thị Hạnh mạnh dạn sử dụng bom pháo lép đánh địch. Sau khi điều nghiên, nắm được quy luật hoạt động của chúng, chị nhờ một nông dân chở giúp trái pháo 105mm bị lép giấu dưới cỏ mang vào “ấp chiến lược”. Đêm đến, chị lén đặt trái trước cổng ấp rồi luồn dây điện phủ rơm mục lên trên, kéo qua hồ nước đến một vườn chuối. Sáng sớm, chị mặc áo xanh bên trong, áo trắng bên ngoài, đạp xe đến nhà một cơ sở gần đấy, rồi núp vào vườn chuối theo dõi. Chờ hơn một tiếng sau, có 8 tên lính thuộc sư đoàn 7 chủ lực kéo ra tụ tập. Đợi chúng yên vị, lập tức Hạnh chập điện, trái pháo nổ, cả đám lính đều bị đền tội. Sau khi thu dây điện và hộp pin, chị cởi áo trắng cất vào giỏ đem giấu rồi bình thản trở lại nhà cơ sở với chiếc áo xanh. Chị còn đạp xe ra tận nơi để quan sát kết quả trận đánh, mà bọn địch không mảy may nghi ngờ.

Nhằm gây thanh thế cho cách mạng, chị Hạnh lên kế hoạch đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền, cho đội du kích gọn trong một buổi, vừa phối hợp với bộ đội huyện chặn đánh bọn bảo an, lùng bắt bọn tề, điệp, ác ôn, vừa tổ chức mít tinh đón cán bộ về nói chuyện với đồng bào trong “ấp chiến lược”. Chị cũng khéo léo móc nối, tổ chức được lực lượng binh vận hoạt động có hiệu quả. Trong đó có việc vận động lính pháo 105mm, bắn trái đầu không nổ (pháo lép), nhằm báo động cho đồng bào kịp xuống hầm rồi mới bắn tiếp những quả khác. Cuối mùa tổng kết, bà con đã thu gom được hàng trăm quả đạn lép chuyển cho du kích.

Nữ du kích tải thương binh về tuyến sau

Xông xáo, gan góc, chị Hạnh trở thành đảng viên của chi bộ mật. Mưu trí, dũng cảm, chị là trung đội trưởng du kích, cán bộ quân báo, cán bộ binh vận xuất sắc. Dù ở cương vị nào, chị Hạnh cũng tỏ rõ năng lực tổ chức chiến đấu, có tinh thần trách nhiệm tận tụy. Được người dân hết lòng giúp đỡ, nên khi nghe chị vận động, bà con trong xã đều tự nguyện gửi con em tòng quân, đánh giặc. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cán bộ cơ sở hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, chị góp phần xoay chuyển phong trào đấu tranh của xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Chị được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng (hạng Nhì, hạng Ba); 2 năm liền (1965 - 1966) chị là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, tổ chức tại căn cứ Tây Ninh (17-9-1967), trong số 47 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng có chị Nguyễn Thị Hạnh, người con gái vinh quang của đất “Long An trung dũng, kiên cường”! Năm 1972, chị hy sinh trong một trận chống càn ở địa phương, để lại niềm tiếc thương cho người dân cùng đồng đội.

NGUYỄN MINH LAN CHI
Ảnh: Tư liệu

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:3
Trong ngày:1456
Trong tuần:7989
Trong tháng:7989
Cả năm:7989
Tổng lượt xem:7989