column_right getExtensions 1716062442-1716062442

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716062442-1716062442

TRƯỞNG THÀNH NHỜ CÁCH MẠNG

TRƯỞNG THÀNH NHỜ CÁCH MẠNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:04-06-2023

TRƯỞNG THÀNH NHỜ CÁCH MẠNG

Trong thăm thẳm đêm trường nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bàn tay chèo lái thần diệu của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta nhất tề vùng dậy làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 long trời lở đất, lật nhào ách thống trị của thực dân phong kiến. Từ kiếp “ngựa trâu”, người dân trên dải đất hình chữ S được ngẩng cao đầu làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Việt Nam độc lập có Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất. Trong số hơn 300 đại biểu Quốc hội được bầu, có 10 phụ nữ, thì riêng Nam Bộ thành đồng có ba người. Đó là các bà Ngô Thị Huệ, đại biểu tỉnh Bạc Liêu (về sau, là phu nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh); bà Nguyễn Thị Thập, đại biểu tỉnh Mỹ Tho (Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam 1956-1974); bà Trịnh Thị Miếng (Chín Miếng), đại biểu tỉnh Gia Định.

Bà Trịnh Thị Miếng (1912-1989)

Bà Miếng chào đời năm 1912 tại ấp Nam Lân, làng Tân Thới Nhứt, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Làng quê trù phú ấy nằm gọn trong cả một vùng đất rộng lớn có tên chữ là “Thập bát phù viên” (Mười tám thôn Vườn Trầu) nức tiếng từ thuở ông cha ta khẩn hoang, mở cõi. Lớn lên trong cảnh nước nhà bị giày xéo dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cuộc sống cơ cực triền miên, Trịnh Thị Miếng sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia hoạt động từ năm 1936. Nhà nghèo, không có điều kiện học hành nên vào tuổi thanh niên bà vẫn chưa biết chữ. Vậy nhưng khi đã dấn thân vào con đường cách mạng, bà đã tích cực tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học hỏi và tiến bộ.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, trong khoảng thời gian 1936-1939, vùng đất Hóc Môn - Bà Điểm được chọn làm nơi đứng chân và hoạt động của Trung ương Đảng, cùng nhiều cán bộ cấp cao. Trở thành đảng viên của Đảng, thời gian này, bà Trịnh Thị Miếng được cử làm liên lạc cho cả Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng. Bà được đánh giá là một trong những giao thông viên lanh lợi, kiên trung nhất của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật. Đồng thời, bà tích cực vận động gây dựng và bố trí được nhiều cơ sở nuôi giấu bí mật, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo về hoạt động, cũng như dự họp Hội nghị Trung ương các lần 2, 3, 4, 5, 6 tại Tân Thới Nhứt. Trên vùng đất Mười tám thôn Vườn Trầu lịch sử, Đảng ta vạch ra nhiều quyết sách quan trọng và kịp thời chuyển hướng chiến lược, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi. Bà Miếng được Tỉnh ủy Gia Định giao nhiệm vụ bố trí địa điểm, tổ chức bảo vệ cho các cuộc họp quan trọng của Xứ ủy và Trung ương Đảng. Trong nhiều cuộc họp, với sự có mặt các đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Minh Khai… đều được an toàn.

Ngay đêm trước của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), tại Sài Gòn, hầu hết các lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy đều bị sa vào tay thực dân Pháp, do đó, ở nội thành, khởi nghĩa đã không thể diễn ra. Nhưng ở tỉnh Gia Định, nhờ đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bảo vệ tốt, nên cuộc khởi nghĩa vẫn bùng phát với khí thế hừng hực của đông đảo quần chúng nhân dân. Quê hương của bà Trịnh Thị Miếng được biết đến với “tiếng mõ Nam Lân”, là nơi kêu gọi và tập hợp lực lượng quân khởi nghĩa, khiến cho thực dân Pháp và bọn tay sai hoảng sợ!

Năm 1937, là Quận ủy viên Quận ủy Gò Vấp, bà Miếng vừa đảm nhiệm công việc giao thông, liên lạc cho Đảng, vừa tích cực vận động tổ chức các cuộc đấu tranh của đồng bào các giới, đặc biệt là nữ giới. Phụ nữ tỉnh Gia Định tổ chức cuộc mittinh lớn ủng hộ các ông Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, ra tranh cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (1939). Đây là một trong những hoạt động nhằm đưa người của Đảng cộng sản tham gia nghị trường, ghi dấu ấn về đấu tranh công khai trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, các Đảng bộ Sài Gòn, Gia Định bị thực dân Pháp khủng bố đẫm máu, thiệt hại rất nặng nề, nhiều cấp ủy Đảng bị vỡ. Cuối năm 1942, Ban cán sự Đảng tỉnh Gia Định (Tỉnh ủy) được lập gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Thớm (Ba Súng), Nguyễn Oắng, Trịnh Thị Miếng, Tô Ký (sau là Thiếu tướng QĐNDVN)… Dần dà, các cơ sở đảng từng bước được gây dựng lại, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh, tiến tới giành thắng lợi quyết định trong Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh, nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ họp khẩn, điện báo cáo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin phép kháng chiến; đồng thời phát lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ vùng lên, cương quyết không chịu sống nhục! Khắp nơi bừng bừng khí thế cách mạng. Chỉ trong một buổi sáng, “khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và cả Nam Kỳ, hàng ngàn công nhân, viên chức, thanh niên phân phát lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”. Dễ gì quên được những ngôn từ hiên ngang, rực lửa như này: “Độc lập hay là chết! …Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, sau khi có thêm viện binh, giặc Pháp phá vỡ cả bốn mặt trận của ta bao quanh Sài Gòn, chúng đánh chiếm rộng ra các tỉnh lân cận. Trước tình thế ngặt nghèo, Xứ ủy và Tỉnh ủy Gia Định họp quyết định thành lập một lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất của ba quận Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa, với tên gọi là Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa… Đây là đơn vị tiền thân của Chi đội 12, Trung đoàn 312 nổi tiếng sau này ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tổ chức Đảng liên quận ủy cũng được hình thành để lãnh đạo công tác quân sự, do đồng chí Nguyễn Oắng làm Bí thư, trong số các ủy viên có nữ đồng chí Trịnh Thị Miếng.

Để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, phụ nữ Gia Định hăng hái tham gia nhiều mặt công tác, vừa để góp phần ngăn chặn bước tiến của quân Pháp, vừa chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Tỉnh ủy Gia Định phân công bà Trịnh Thị Miếng phụ trách công tác phụ nữ. Với cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Hội trưởng Hội phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của tỉnh Gia Định, bà được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Giữa hoàn cảnh kháng chiến đầy cam go, thử thách, ngày 6-1-1946, tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, bất chấp sự kìm kẹp và khủng bố gắt gao của địch, hàng vạn người dân vẫn nô nức tham gia bỏ phiếu. Máu đã đổ, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cao cả này. Cuộc bầu cử thành công lớn, biểu thị sức mạnh đoàn kết và ý chí của toàn dân tộc. Kết quả, bà Trịnh Thị Miếng đắc cử đại biểu Quốc hội, trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Nam Bộ nói chung và phụ nữ Gia Định nói riêng.

Là một cán bộ cần cù, giản dị, tận tụy công tác, nhất mực trung thành với Đảng, hết lòng với nhân dân, dù trong hoàn cảnh kháng chiến cơ cực hay giữa thời bình, bà Trịnh Thị Miếng luôn sống chan hòa với đồng bào, đồng chí; ở đâu bà được chị em phụ nữ và mọi người tin yêu, quý mến. Vốn ghiền trầu, nên đi tới đâu bà Miếng cũng bọc theo trầu cau như “vật bất ly thân”, bởi vậy, bà còn có tên gọi thân thương khác là Chín Trầu. Năm 1954, tập kết ra Bắc, bà Trịnh Thị Miếng tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa II, III. Ở cương vị công tác nào, bà cũng phát huy tốt vai trò của mình, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri cả nước nói chung và đồng bào, đồng chí miền Nam nói riêng.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về quê nhà và tạ thế vào năm 1989. Để ghi nhận những đóng góp của người phụ nữ Mười tám thôn Vườn Trầu trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ quê hương, có một con đường mang tên Trịnh Thị Miếng ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Con đường chạy từ ngã ba Bầu, băng qua Đặng Thúc Vịnh đến gần cầu Bến Nọc, nơi có cư dân đông đúc và xanh mướt bóng cây. Tiếp bước bà, ngày nay, phụ nữ Hóc Môn có rất nhiều người đảm lược, giỏi giang và thành đạt.

Nữ tự vệ Hóc Môn hôm nay

Kỷ niệm lần thứ 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (1945-2020) và Quốc khánh 2-9, ôn lại đôi nét về cuộc đời một con người, càng thêm tự hào và xiết bao tin tưởng vào tương lai ngời sáng của đất nước, của dân tộc.

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:491
Trong tuần:1401
Trong tháng:1401
Cả năm:1401
Tổng lượt xem:1401