column_right getExtensions 1714937983-1714937983

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714937983-1714937983

TRẦN BỘI CƠ, MÃI MÃI TUỔI MƯỜI TÁM

TRẦN BỘI CƠ, MÃI MÃI TUỔI MƯỜI TÁM

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:26-06-2023

TRẦN BỘI CƠ, MÃI MÃI TUỔI MƯỜI TÁM

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, sau những ngày ngắn ngủi được sống trong tự do và độc lập, nghe theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù xâm lược. Núp bóng quân Anh, thực dân Pháp ngang nhiên trở lại gây hấn, mở rộng chiếm đóng, hòng cướp nước ta một lần nữa.

Đầu năm 1950, tình hình thế giới có những biến chuyển lớn tác động đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Cùng với việc hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường, phong trào giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới tiếp tục phát triển; đế quốc Mỹ tìm mọi cách can thiệp sâu vào cuộc chiến xâm lược của Pháp tại Việt Nam.

Ở các đô thị của miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp là Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Ban cán sự nội thành, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển mạnh. Đặc biệt là giới học sinh, sinh viên, tranh đấu đòi cải tiến chế độ thi cử, từng nhóm bỏ học, dẫn đến bãi khóa toàn trường, chống khủng bố, phong trào ngày càng lan rộng. Một trong những thủ lĩnh của học sinh thành phố lúc bấy giờ là chị Trần Bội Cơ, một nữ sinh người gốc Hoa.

Chân dung chị Trần Bội Cơ

Sinh trưởng tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình yêu nước, Trần Bội Cơ bắt đầu đi học tại trường thị xã. Nhà bên ngoại của chị vốn là cơ sở cách mạng và là trạm giao liên của công an xung phong Vĩnh Long, đã có lần cô bé Bội Cơ được giao làm giao liên cho cách mạng. Năm 15 tuổi, chị chuyển lên Chợ Lớn học tại trường Nam Kiều, một cơ sở giáo dục có phong trào học sinh phát triển mạnh. Năm 1948, Trần Bội Cơ chuyển sang học tại trường tư thục Phước Kiến. Sớm được giác ngộ cách mạng, chị hoạt động trong giới học sinh từ năm 1949, tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp và chống bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch.

Nữ sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đấu tranh (1-1950)

Từ sau ngày học sinh, sinh viên (9-1-1950), đặc biệt là ngày toàn quốc chống Mỹ (19-3-1950), phong trào tranh đấu của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn dâng cao, mạnh mẽ. Lúc này, Trần Bội Cơ đang học lớp 9, chị vừa là lớp trưởng, vừa phụ trách Hội học sinh của trường Phước Kiến. Chính quyền tay sai thực dân Pháp rất lo sợ, chúng mở rộng khủng bố đàn áp ra khắp thành phố và cả trong cộng đồng người Hoa. Ngày 5-5-1950, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa ngôi trường nằm ở trung tâm Chợ Lớn, vì cho rằng các trò ở đây làm nòng cốt đoàn kết trong giới học sinh Hoa - Việt tham gia đấu tranh chống Pháp và bù nhìn Bảo Đại. Hầu hết phụ huynh cùng đông đảo học sinh đồng loạt đứng ra cực lực phản đối lệnh này.

Ngày hôm sau, Trần Bội Cơ tập hợp các bạn đến trường để phản đối lệnh đóng cửa các lớp trung học, đòi phải để học sinh được tiếp tục đi học. Tuy nhiên, cảnh sát đã kịp bít chặn, không chấp nhận yêu sách của học sinh. Lập tức, Hội học sinh chia thành các nhóm leo rào, xông vào trường theo nhiều ngả khác nhau. Một cuộc họp cấp tốc nổ ra tại lớp do Trần Bội Cơ làm chủ tọa điều khiển. Tất cả biểu thị quyết tâm đấu tranh đòi mở cửa trường, mở ký túc xá để học sinh học tập trở lại. Nhà cầm quyền huy động thêm lực lượng cảnh sát đến bao vây, đàn áp. Đám cảnh sát tay cầm dùi cui hùng hổ ập vào phòng, chúng thẳng tay đánh đập các học sinh có mặt. Trần Bội Cơ lên tiếng kêu gọi các bạn học đoàn kết đấu tranh. Cảnh sát lao vào đánh quỵ nhiều người, chúng bắt và lôi đi hơn 100 học sinh đưa về bót quận.

Trường tư thục Phước Kiến, nơi ghi dấu sự kiện tranh đấu của học sinh

Trong mấy ngày liền, chính quyền bù nhìn lệnh cho đám tay sai tra tấn, hành hạ các học sinh bị bắt, và chúng tập trung khai thác người cầm đầu Trần Bội Cơ. Tại bót Polo (Chợ Lớn), địch dùng nhiều cực hình với chị, hòng khai thác tổ chức cách mạng trong học sinh người Hoa để trấn áp phong trào đấu tranh chung của học sinh, sinh viên thành phố, nhưng bất lực.

Theo lời chị Dương Hà, bạn cùng học kể lại, thì địch tra tấn Trần Bội Cơ rất dã man. Chúng tập trung hỏi xoáy chị để hòng lần ra manh mối: “Đứa nào chủ trương, đứa nào chỉ huy?”. Trần Bội Cơ ngẩng cao đầu đưa tay chỉ vào ngực, dõng dạc: “Chính tao!”. Bọn cảnh sát tức tối xô vào đánh tới tấp lên thân thể cô nữ sinh xinh đẹp, chúng phang gãy một chân của chị. Gần một tuần lễ sử dụng nhiều thủ đoạn, địch vẫn không moi được nửa lời ở chị. Sự đau đớn về thể xác không khiến Trần Bội Cơ ngã lòng hoặc run sợ, mà ngược lại. Tên ác ôn Đỗ Lan lồng lộn khi nghe chị hiên ngang tuyên bố “Hồ Chí Minh ở trong tim này”. Trong cơn say máu, tên cuồng thú đã dùng dao sát hại chị. Trần Bội Cơ ngã xuống ngày 12-5-1950, khi chị vừa tròn 18 tuổi.

Sự hy sinh oanh liệt của Trần Bội Cơ đã khiến đồng bào các giới ở Sài Gòn - Chợ Lớn tiếc thương và càng thêm căm phẫn bọn cướp nước, lũ bán nước, hại dân. Bất chấp sự ngăn cản của địch, tại Chợ Lớn, lễ truy điệu nữ sinh Trần Bội Cơ được tổ chức ở trước nhà Bưu điện (nay thuộc quận 5) với sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên cùng bà con người Hoa, người Việt. Quần chúng cực lực lên án tội ác man rợ của thực dân Pháp cùng bè lũ Việt gian. Người dân Sài Gòn - Chợ Lớn tự hào truyền cho nhau bài hát hãy còn nóng hổi:“…Hãy đứng lên! Trần Bội Cơ. Tinh thần của chị kêu gọi mãi chúng tôi”.

Sự kiện Trần Bội Cơ bị sát hại đã tác động mạnh mẽ đến bà con người Hoa cùng đông đảo nhân dân ở nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Một số địa phương đã kịp tổ chức trọng thể lễ truy điệu người nữ sinh anh hùng. Lòng yêu nước và lửa căm thù của dân chúng dâng lên ngùn ngụt, khiến thực dân Pháp và bọn tay sai thêm phần hoảng sợ. Ngày 9-7-1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận liệt sĩ Trần Bội Cơ. Hai tháng sau, chị được Chính phủ truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Sau ngày đất nước thống nhất, hài cốt liệt sĩ Trần Bội Cơ được đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng bao người con ưu tú khác đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Tượng nữ Anh hùng LLVTND Trần Bội Cơ trong phòng truyền thống nhà trường

Ngày 22-3-2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 94KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Bội Cơ. Ngôi trường tư thục Phước Kiến, nơi gắn bó tuổi thanh xuân của người nữ sinh dũng cảm và ghi dấu sự kiện tranh đấu hào hùng năm xưa, nay được mang tên mới. Năm học 1977-1978, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục Thành phố quyết định đổi tên thành Trường phổ thông cấp 1-2 Trần Bội Cơ. Từ năm 1998 đến nay là Trường THCS Trần Bội Cơ.

Trường THCS Trần Bội Cơ ngày nay

Đến thăm ngôi trường cổ kính tọa lạc tại 266 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, nhìn dòng chữ trên băng rôn chăng ngang cổng trường: “Học tập để hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân”, tôi thực sự xúc động. Từ phòng truyền thống nhà trường bước ra, ngắm tán phượng vĩ xòe bóng xanh râm mát, càng thấm thía cuộc sống hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ cha anh đi trước. Vâng, liệt sĩ Trần Bội Cơ sẽ trẻ mãi tuổi mười tám, một tấm gương xả thân vì đất nước!

NGUYỄN MINH TUÂN

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:65
Trong tuần:65
Trong tháng:8255
Cả năm:8255
Tổng lượt xem:8255