column_right getExtensions 1732195171-1732195171

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732195171-1732195171

NỮ BÍ THƯ QUẬN ỦY ĐẦU TIÊN…

NỮ BÍ THƯ QUẬN ỦY ĐẦU TIÊN…

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-05-2023

NỮ BÍ THƯ QUẬN ỦY ĐẦU TIÊN…

Đồng chí Phạm Thị Sứ (1926-1999)

Nói đến những cán bộ lăn lộn, gắn bó với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân nơi đây mãi còn nhắc đến một nữ lãnh đạo can trường, xông xáo, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng. Bà có tên khai sinh là Phạm Thị Sang, tên thường gọi Phạm Thị Sứ, khi tham gia hoạt động, bà lấy bí danh Năm Pho. Nhưng danh xưng quen thuộc được cán bộ, quần chúng cơ sở biết đến nhiều và quý trọng nhất là Năm Bắc. Chị Năm, cô Năm, dì Năm thương mến.

Cách mạng và sự dấn thân

Sinh trưởng tại xã Anh Dũng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, thuở nhỏ đã làm ruộng cùng mẹ nên cô bé Sang biết chịu thương, chịu khó. Năm 1939, mới 13 tuổi, cô được người cha đem vào Sài Gòn cho đi học nghề thợ may ở Tân Định. Bấy giờ, thân phụ là một cán bộ hoạt động bí mật, ông thường lén đưa sách báo bị cấm mang về nhà cho Sang đọc. Và ông trở thành người khai tâm về cách mạng cho con gái mình. Trong số những tờ báo tiến bộ, có tờ Dân chúng của Đảng Cộng sản Đông Dương, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trương xuất bản; cùng tờ Lao động do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp chỉ đạo. Đây là hai tờ báo được đông đảo bạn đọc và giới cần lao ở Sài Gòn đón nhận. Được giác ngộ lý tưởng, hiểu lẽ phải của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945), Phạm Thị Sang tham gia hoạt động đoàn thể. Cô giữ chân thư ký Ban chấp hành Hội phụ nữ Cứu quốc Hộ 5 của thành Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thoát ly gia đình, hăng hái công tác, lửa nhiệt tình cuốn hút cô gái trẻ dấn thân. Ngày 23-9-1947, Phạm Thị Sang được kết nạp Đảng tại chi bộ Hộ 5 và trở thành cán bộ Liên hộ 4-5-6. Từ năm 1949-1950, cô là bí thư chi bộ Hộ 1, có chân trong Đảng đoàn Hội phụ nữ kháng chiến. Tham gia Ban cán sự dân-quân-chính-đảng kiêm bí thư chi bộ Hộ 6, tháng 5-1952, cô Năm Pho bị thực dân Pháp bắt giam, bị đày ải qua các nhà lao khét tiếng như bót Catinat, rồi đưa đi Phú Lâm (Quận 6), về Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) và giải xuống Ô Cấp (Vũng Tàu). Thời gian ở tù, không chỉ kiên định lập trường, nữ đảng viên trẻ tranh thủ học văn hóa, chờ ngày trở về tiếp tục hoạt động. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tháng 9-1954, Phạm Thị Sứ được trả tự do dưới mạn Cà Mau. Học tập, chỉnh huấn xong, Năm Bắc được cử về lại Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo sự phân công, bà không đi tập kết mà ở lại để gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, cực kỳ gian khổ. Tổ chức Đảng “chọn mặt gửi vàng” giữ Năm Bắc lại thành phố bởi biết rõ bà là người rất am tường, thông thuộc địa bàn và có mối quan hệ rộng với nhiều cơ sở. Năm 1955, là cán bộ Quận 3, bà kiêm bí thư chi bộ vùng Tân Định. Hai năm tiếp theo, bà nắm chi bộ vùng Bàn Cờ. Tháng 7-1957, được chỉ định vào Ban phụ vận của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ba tháng sau, cùng với nhiều đồng chí khác, Năm Bắc bị Đội công tác đặc biệt công an Định Tường của Diệm bắt giam tại bót Ngô Quyền. Bà bị đày xuống tỉnh Mỹ Tho, rồi giải lên nhà tù Phú Lợi. Không tìm được chứng cứ kết tội, tháng 10-1959, Mỹ - Diệm buộc phải trả tự do cho người phụ nữ “cứng đầu” này. Đây là thời kỳ kẻ thù thực thi đạo luật khát máu 10/59, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam, sát hại những người cộng sản và kháng chiến cũ.

Thoát khỏi ngục tù, bà Năm Bắc làm công tác dân vận của Khu ủy. Lúc này, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ tỉnh Gia Định hợp nhất thành Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định. Trong năm 1962, đồng chí Phạm Thị Sứ được điều ra Khu giải phóng Sài Gòn - Gia Định ở Củ Chi. Lần lượt, đảm trách công tác Phụ vận, rồi Huấn học cho cơ sở đô thị, đến năm 1964, làm Trưởng ban Phụ vận cánh đô thị.

Sau khi học khóa đầu tiên Trường Nguyễn Ái Quốc II tại căn cứ Trung ương Cục, tháng 3-1965, tại Đại hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam lần thứ nhất, bà Năm Bắc được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội, bà Nguyễn Thị Định là Hội trưởng. Để triển khai “Kế hoạch X”, Trung ương Cục chia Sài Gòn - Gia Định thành 5 phân khu. Trên cương vị Phân khu ủy viên Phân khu Bình Tân, bà được cử về hoạt động ở cánh này, làm Bí thư Quận ủy Quận 5. Thời điểm ấy, đây là nữ Bí thư cấp quận đầu tiên và duy nhất của Đảng bộ thành phố.

Tháng 10-1967, chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa (sau này, gọi là Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân), Khu Sài Gòn - Gia Định được giải thể để lập ra Khu trọng điểm, gồm 6 phân khu; trong đó, Phân khu 2 gồm các quận 3, 5, 6, Bình Tân và Đức Hòa, Đức Huệ (bắc Long An). Đồng chí Năm Bắc là Phân khu ủy viên Phân khu 2 và là thành viên Ban chỉ huy Phân khu trực tiếp về khu vực Vườn Lài, Ngã Bảy, Nguyễn Tri Phương (nay thuộc Quận 10) tổ chức lực lượng quần chúng tham gia nổi dậy. Tuy nhiên, khi đợt 1 tổng công kích còn chưa kết thúc, thì ngày 13-2-1968, người nữ chỉ huy và là Bí thư Quận ủy bị sa vào tay địch. Chúng chuyển bà Năm Bắc qua các nhà lao Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo rồi Tam Hiệp. Biết không thể chuyển lay được ý chí của nữ chiến sĩ cách mạng, địch tiếp tục đày bà ra Côn Đảo lần thứ 2. Gút lại 30 năm kháng chiến, bà Năm Bắc được “biệt phái” chẵn 10 năm trong ngục tù đế quốc.

Về lại giữa lòng dân

Từ sau Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tháng 8-1968, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định được tái lập, các quận nội thành trở lại như cũ. Tháng 7-1969, chính quyền Sài Gòn lập thêm Quận 10 và Quận 11. Các phân khu của ta cũng giải thể.

Theo tinh thần Hiệp định Paris, tháng 5-1973, địch trao trả tù chính trị và tù binh cho ta, trong số này có bà Năm Bắc. Được trả tự do, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của tổ chức, bà nhận công tác ở Hội phụ nữ Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 2-1974, bà được chỉ định làm Thành ủy viên chính thức Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, làm Bí thư Liên quận III (gồm các quận 5, 6, 11).

Đầu quý 3-1974, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Thành ủy lập Phân ban Tây Nam, bà Năm Bắc là ủy viên Phân ban này. Bấy giờ, cơ quan Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đóng ở căn cứ Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Từ đây, dựa chắc diễn tiến tình hình toàn miền, cơ quan tiến hành di chuyển “cuốn chiếu” về gần Sài Gòn hơn.

Thành ủy cử một đoàn công tác về chỉ đạo chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền tại Quận 10, gồm các đồng chí: Phạm Thị Sứ, Nguyễn Thị Châu (Hai Thanh), Đoàn Lê Hương… Trước lúc đoàn lên đường, Phó bí thư Thành ủy Trần Quốc Hương (Mười Hương) đến gặp và cho biết tình hình rất khẩn trương, nếu không nhanh chân thì trục lộ 4 rất có thể bị cắt đứt vì các hướng tiến công của quân ta đã định hình và chiến sự sẽ xảy ra ác liệt ở vùng ven…

Ngày 14-4-1975, đoàn công tác về đến nội thành Sài Gòn bằng đường công khai. Gặp lại cơ sở chí cốt của cách mạng ở những nơi trước đây từng hoạt động như khu vực Ngã Bảy, Vườn Lài, người nữ lãnh đạo bồi hồi xúc động. Bao kỷ niệm của những năm tháng hoạt động bí mật, chợt ùa về. Nhưng chẳng kịp nghỉ ngơi, cũng không có thì giờ đôi hồi, bà lao ngay vào công việc. Các cơ sở được phổ biến tình hình và gấp rút chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền, tất cả với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”.

Tuy nhiên, ngày 23-4-1975, trong khi làm việc với cơ sở để móc ráp thì hai nữ đồng chí Năm Bắc, Hai Thanh bị bắt. Trong giờ phút “hấp hối”, kẻ địch vẫn không hề từ bỏ việc chống phá cách mạng. Thì ra, lâu nay tụi mật vụ vẫn để ý rình rập các cơ sở của ta từng bị tình nghi trước đây. Nay vừa thấy người lạ xuất hiện, chúng biết là cán bộ, liền chụp hốt. Địch đưa những người bị bắt về giam ở bót Nguyễn Văn Quá. Đã quá quen với cảnh bị tra tấn, đánh đập ở trong tù, bà Năm Bắc chỉ lo các cơ sở vẫn đang ngóng đợi mình sẽ ra sao? Có ai biết mình bị bắt hay không? Lòng dạ nóng ran như lửa đốt, nhưng bà tự nhủ dù sao thì vẫn cứ phải tỉnh táo, bình tĩnh tìm cách ứng phó với địch trong cả tình huống ngặt nghèo nhất. Tối 21-4-1975, Thiệu lên đài Sài Gòn tuyên bố từ chức và trốn ra nước ngoài. Trong cơn hoảng loạn nhưng đám thuộc hạ của y vẫn sử dụng những ngón đòn tàn độc tra khảo tù nhân hòng lấy lời khai, bất chấp đạn pháo Quân giải phóng đã rạch xé trời đêm xung quanh Sài Gòn.

Sáu ngày đêm bị nhốt, bà Năm Bắc hết sức căng thẳng vì phải vừa lo đối phó với địch, vừa thấp thỏm chờ đợi giây phút thiêng liêng: quân ta ào ạt tiến vào thành phố. Nhưng điều kỳ diệu chưa xảy ra, thì đêm 29-4, địch dồn những người bị bắt ra xe. Có lẽ chúng đưa mình đi thủ tiêu chăng, bà Năm chua xót nghĩ vậy. Nhưng ngó qua kẽ hở của thùng xe, bà ngạc nhiên thấy súng ống, quần áo, giày, mũ lính vứt thành đống ngổn ngang hai bên đường. Đến một ngã tư, chiếc xe bất ngờ thắng đột ngột. Một tên lính mở thùng xe, nói giọng lạnh tanh: Theo lệnh của ông Minh Lớn, tụi tôi thả tù chính trị. Các người được tự do!

Quá đỗi bất ngờ, nhưng sực nhớ còn bao công việc bộn bề đang chờ, không có thì giờ để mà ức đoán. Hai chị em chia nhau tỏa về các cơ sở ở Quận 10. Không một ai hay biết hai nữ cán bộ vừa bị bắt mà cứ tưởng đâu họ về lại trên khu để họp. Bà Năm Bắc chỉ đạo các cơ sở, quần chúng hối hả chuẩn bị băng rôn, khẩu hiệu, lương thực và tiền bạc… sẵn sàng. Nhiều cuộn vải màu được mua chở về, chị em cốt cán thay nhau trắng đêm may cờ cách mạng.

Sáng ngày 30-4-1975, tin tức chiến sự từ khắp nơi dội về. Đại quân ta tràn lên chiếm lĩnh những vị trí xung yếu trên tuyến phòng thủ của địch ở các cửa ngõ đổ dồn về Sài Gòn. Bấy giờ, xe tăng quân giải phóng đã tiến vào ngã tư Bảy Hiền và đang giao tranh ác liệt. Nhiều người quýnh quáng, chạy tới nắm tay nữ lãnh đạo hỏi: “Giờ làm sao, chị Năm?”. Với bản lĩnh dày dạn, bà Năm Bắc trấn an: “Phải hết sức bình tĩnh. Các đồng chí hãy tiếp tục công việc chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo. Chú ý theo dõi Đài phát thanh của ta để nhận chỉ thị hành động!”.

Lúc này, đường phố Sài Gòn cực kỳ hỗn độn. Trên nhiều góc phố, đủ các sắc lính địch từ nhiều nơi cuốn về, lắm tên vẫn điên cuồng gào thét “tử thủ” và bắn loạn xạ, nhưng phần lớn đám tàn quân đều lột bỏ binh phục, ném vũ khí, lo chạy tháo thân. Trên trời, trực thăng phành phạch như chuồn chuồn bốc hốt đám quan chức di tản ra tàu biển, tiếng động cơ náo loạn. Tiếng la ó, chửi rủa, kêu khóc rầm rĩ…

Gần trưa, tổng thống Dương Văn Minh lên Đài phát thanh kêu gọi binh sĩ quân đội Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện. Bà Năm Bắc ứa nước mắt, nhớ đến những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, 30 năm chất chồng gian khổ hy sinh, để cả dân tộc mới có ngày vui toàn thắng!

Trọng trách mới, cống hiến mới

Phiên họp bất thường của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định được tổ chức sáng ngày 1-5-1975 tại trụ sở lâm thời đặt ở Trường Pétrus Ký, Quận 5 (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM) có đông đủ các đồng chí lãnh đạo. Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ trực tiếp phân công đồng chí Năm Bắc làm Bí thư Quận ủy Quận 10, chị Nguyễn Thị Châu là Phó Bí thư. Đây là trường hợp duy nhất của Đảng bộ Thành phố, lần đầu tiên ở một quận có hai cán bộ chủ chốt đều là nữ. Đến tháng 6-1975, khi có thêm lực lượng từ miền Bắc vào, cùng các nguồn cán bộ khác, Thành ủy chính thức chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ Quận 10 gồm 18 thành viên, do đồng chí Phạm Thị Sứ làm Bí thư Quận ủy, đồng chí Nguyễn Thị Châu - Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời quận.

Ban chấp hành Đảng bộ Quận 10 nhiệm kỳ chỉ định 1975-1976. (Đồng chí Năm Bắc - Bí thư Quận ủy, thứ 5, từ phải qua)

Từ thời chiến chuyển sang thời bình, một núi công việc đang chờ phía trước. Chế độ cũ để lại hậu quả quá ư nặng nề, nhất là tệ nạn văn hóa xấu độc. Trên địa bàn Quận 10 có hơn 30 cơ sở quân sự (gồm trại lính, kho tàng) và 07 cuộc cảnh sát, cùng nhiều khu trại gia binh. Bước đầu có hơn 4,5 vạn người nghèo đói, thất nghiệp. Hàng vạn sĩ quan, binh lính và viên chức chính quyền Sài Gòn tan rã tại chỗ, chưa kể các đảng phái phản động và đám nhân viên tình báo, gián điệp được cài lại, ngóc đầu dậy nhen nhóm hoạt động phá hoại cách mạng.

Lãnh đạo Quận ủy Quận 10 đặt viên đá xây dựng khu nhà cao tầng, công trình kỷ niệm 10 năm giải phóng thành phố

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban Quân quản Thành phố, Đảng bộ và chính quyền Quận 10 ngay từ đầu đã thể hiện quyết tâm không để xảy ra nạn đói, từng bước nỗ lực khắc phục sự yếu kém của nền kinh tế địa phương, chuyển dịch sang sản xuất và sắp xếp lại các ngành nghề. Quận ủy chỉ đạo tuyệt đối không để tình trạng người dân bị đói trên địa bàn quận. Phòng lương thực quận được thành lập với mạng lưới cửa hàng phân phối lương thực Quận 10 xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn, hoạt động rất có hiệu quả. Đảng bộ quận vừa khẩn trương xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở, vừa tổ chức lực lượng truy quét tàn binh địch, trấn áp phản cách mạng, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Tháng 4-1977, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất (vòng 2) trong số 45 Thành ủy viên chính thức được bầu, có đồng chí Phạm Thị Sứ - Bí thư Quận ủy Quận 10.

Đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Hồ Kỳ Hòa (1986)

Với bộ bà ba quen thuộc, tác phong sâu sát quần chúng, đức tính khiêm nhường và cực kỳ liêm khiết, Bí thư Quận ủy Năm Bắc luôn giành được sự cảm mến và tin yêu của cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ, đặc biệt là sự quý trọng của người dân. Bà có vinh dự được thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 10 đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc. Sau 11 năm liên tục làm Bí thư Quận ủy, cuối năm 1986, bà thôi không tham gia cấp ủy, nhường chỗ cho lớp trẻ. Từ một địa phương nghèo khó, Quận 10 trở thành một trong những quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, với sự bứt phá và phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Năm Bắc.

Bí thư Quận ủy Phạm Thị Sứ cùng lãnh đạo quận, đón tiếp đồng chí Phạm Văn Đồng về thăm và làm việc

Nghỉ hưu, tiếp tục làm cố vấn cho Quận ủy, bà nhiệt tình đem hết kiến thức, kinh nghiệm ra hỗ trợ các đồng chí trẻ. Có điều, hàng chục năm bị tù đày, sức khỏe của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sa sút rất nhanh khi đã luống tuổi. Bà được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Đồng chí Phạm Thị Sứ ôn lại truyền thống đấu tranh của các chiến sĩ Mậu Thân 1968 tại bia Vườn Lài

Ngày 21-9-1999, sau hơn 60 năm gắn bó với Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó già nửa thế kỷ hoạt động tại “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” bà Năm Bắc giã biệt cõi trần. Tên tuổi của người nữ Bí thư Quận ủy đầu tiên của Đảng bộ Thành phố còn được nhắc đến mãi…

NGUYỄN LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT