column_right getExtensions 1732195755-1732195755

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732195755-1732195756

NGUYỄN THỊ THẬP - NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TẶNG HUÂN CHƯƠNG SAO VÀNG

NGUYỄN THỊ THẬP - NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TẶNG HUÂN CHƯƠNG SAO VÀNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:19-06-2023

NGUYỄN THỊ THẬP - NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TẶNG HUÂN CHƯƠNG SAO VÀNG

Bà Nguyễn Thị Thập (1908-1996)

Bà Nguyễn Thị Thập sinh năm 1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Người cha đặt tên cho đứa con gái thứ mười là Nguyễn Thị Ngọc Tốt. Năm mười hai tuổi, Tốt đã mồ côi mẹ, gánh nặng gia đình đã sớm đè lên đôi vai của cô bé. Dù chẳng được học hành bao nhiêu nhưng cô bé rất mê say đọc sách. Sách vở đã hun đúc cho cô niềm mơ ước được thoát khỏi cuộc sống chật hẹp, đầy rẫy bất công mà những người phụ nữ thời cô cam chịu. Và cô cũng đã phải cúi đầu cam chịu trước số mệnh. Vì lời hứa hôn của người cha, năm 17 tuổi, cô gái vừa chớm xuân đã phải gạt nước mắt đi lấy chồng, một người cô không hề yêu thương…

Việc sinh cho nhà chồng đứa con trai vẫn không cứu vãn được hạnh phúc của cô. Có lúc cô đã tuyệt vọng tìm đến cái chết nhưng ý định quyên sinh không thành. Cô lại sống trong cuộc đời tù ngục của người vợ chưa từng nếm hương vị hạnh phúc nhưng thừa sự bạc đãi. Nhưng ngọn lửa phản kháng và niềm khao khát hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy trong lòng cô. Khi nỗi đau khổ đã đi đến chai đá, dửng dưng, khi không còn nước mắt để khóc nữa, sau những đêm dài trăn trở, người vợ trẻ đã đi đến quyết định ly hôn. Vì chuyện “lộn nài bỏ ống”, người mẹ đành gạt nước mắt để con lại cho nhà chồng. Khi thấy con gái ôm quần áo trở về nhà, người cha đang nằm trên giường bệnh rất phẫn nộ nhưng không nỡ đuổi con đi.

Thoát ly hoạt động cách mạng

Trái tim sôi nổi, cánh chim khao khát tự do khiến Ngọc Tốt dễ dàng hòa nhập với phong trào cách mạng ở quê hương. Những ngày đầu tiên ấy thật khó quên… Đó là đêm cô diễn thuyết trước hàng trăm đồng bào lắng nghe trên gò cao cánh đồng Long Hưng. Cô tham gia đội tự vệ trong đoàn biểu tình chống sưu cao, thuế nặng. Năm ấy cô mới vừa hai mươi tuổi… Trước sự rình rập của mật thám, một đêm mưa gió tầm tã, năm 1933, Ngọc Tốt trốn đi làm công nhân - một hình thức “vô sản hóa” để vận động thợ thuyền, ở hãng dầu Téc-xa-cô dưới Phú Xuân, Nhà Bè. Trong một cuộc diễn thuyết kêu gọi công nhân chống cúp phạt, cô bị chủ hãng gọi lính đến bắt. Nhờ sự che chở của anh em công nhân, cô và nữ đồng chí Ngõa thoát ra ngoài.

Trở về Sài Gòn, người phụ nữ ấy tiếp tục hoạt động cách mạng, gắn bó với vùng Bàn Cờ, được nhân dân đùm bọc, cưu mang trong những ngày cách mạng còn trong bóng tối.

Cuộc đời làm cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nguy hiểm. Bà phải đóng nhiều vai để che mắt mật thám giữa Sài Gòn phồn hoa, đầy cạm bẫy. Thời ấy, xóm lao động Bàn Cờ được coi là sào huyệt của bọn lưu manh, trộm cướp. Có thời gian ngôi nhà lá nhỏ, tối tăm, ẩm thấp của người bán cá rong có hai con bị bệnh cùi (hủi) là nơi che chở cho bà. Khi bà tha thướt trong bộ quần áo dài xuống từ tàu Singapore về cảng Nhà Rồng, liên lạc với tổ chức “Ủy ban cứu tế đỏ” với chiếc giỏ lớn đựng đầy hoa quả, thuốc lá làm quà cho thủy thủ. Lúc trở lên bờ, chiếc giỏ của người đàn bà sang trọng ấy đầy ắp những tài liệu, sách báo bí mật… Do uy tín và năng lực công tác, bà được cử làm đại diện công nhân vào Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 4-1935, bà được bầu làm Xứ ủy viên dự khuyết Đảng bộ Nam Kỳ. Bị địch bắt do mật thám cài người vào nội bộ phá hoại tổ chức, nhưng bà đã can đảm chịu đựng mọi nhục hình tra tấn ở bót Catina, rồi khám lớn Sài Gòn.

Tại phiên tòa đại hình đặc biệt, bà cùng trên 30 anh chị em tù chính trị phạm khác lần lượt đứng lên tố cáo chế độ thống trị dã man, hà khắc của bọn thực dân Pháp đối với người bản xứ. Bất bình trước sự kết án của phiên tòa, họ đã đồng thanh hô vang phản đối. Bị kết án 5 năm tù, đi vào phòng giam bà còn hát vang bài “Quốc tế ca”. Ra tù, bà trở về quê hương tiếp tục hoạt động, rồi lại bị bắt vào khám đường Mỹ Tho. Sự chân tình và lòng quả cảm của bà đã thuyết phục được nhiều tù thường phạm. Có người còn tham gia Phụ nữ Cứu quốc…

Khởi nghĩa Nam Kỳ

Ra tù, trở về quê hương, bà gặp ông Lê Văn Giác, một chiến sĩ cộng sản từ địa ngục Côn Đảo trở về. Họ đã biết nhau qua lời kể của những người cùng hoạt động. Tình yêu thực sự đến, tiếp thêm cho bà sức mạnh và lòng tin vào đại cuộc. Lần kết hôn này bà hoàn toàn toại nguyện dù sau ngày cưới, vợ chồng bà ít có dịp gần nhau do hoàn cảnh công tác, vì sự săn lùng ráo riết của mật thám. Rồi bà sinh một bé gái kháu khỉnh. Một mình nuôi con, vừa công tác, bà lại mang thai… Trong một chuyến công tác, bà bị cò mật thám Trần Chánh ở Mỹ Tho vây bắt. Giữa lúc bà định nhảy xuống sông, mạng đổi mạng với kẻ thù thì bà con nông dân mang gậy gộc, giáo mác từ thôn xóm tràn ra đường vây bắt tên mật thám, giải thoát cho bà. Họ mở còng sắt giúp bà trốn đi. Người mẹ lòng đau như xé, đành để lại đứa con nhỏ cho cô chồng, giữa lúc bụng mang dạ chửa bắt đầu những năm lưu đày tự giác trên chính quê hương…

Đang lúc mang thai, bà vẫn phải ngủ gò, bưng, bờ ao, giữa các lăng mộ…, tránh sự săn lùng của mật thám vừa bền lòng chờ đợi và chỉ đạo hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa. Khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 nổ ra, bà trong Ban chỉ huy cánh quân đánh đồn Tam Điệp. Lúc ấy, đã gần ngày sinh nhưng bà vẫn lấy khăn rằn nịt bụng, xông xáo chỉ huy như thời con gái… Khởi nghĩa thất bại, chồng bà tự sát trước mặt kẻ thù, tỏ rõ ý chí bất khuất của người cộng sản. Hành động dũng cảm của ông Giác đã gây sự xúc động mãnh liệt trong đồng bào. Tự sát không thành, ông bị xử tử hình, bị đày đi Côn Đảo và bị thủ tiêu dưới lòng biển. Trong lúc ấy bà phải cải trang, nhờ nữ đồng chí Tám Thẩm mạo hiểm vượt sông, về Bến Tre, lẩn tránh mật thám để sinh con. Đứa bé được 8 ngày, bà nhận được tin chồng hy sinh. Nuốt nước mắt, bà đành nhờ Tám Thẩm bồng con, gửi cho bên chồng nuôi dưỡng. Bà tiếp tục thay tên đổi họ, cải trang lẩn tránh kẻ thù. Giặc treo giải thưởng cho ai bắt được bà. Bà sống kiếp làm thuê, lênh đênh trên những con thuyền mua bán đủ thứ để kiếm sống, vừa tìm đường dây nối lại tổ chức. Đứa con bà mới sinh ra cũng bị săn đuổi ráo riết. Bên nội đành gửi bé cho một nông dân nghèo. Mãi đến 14 năm sau, khi Hiệp định Genève được ký kết, mẹ con bà mới được trùng phùng…

Nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

Bà là một trong số 10 phụ nữ của cả nước được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên. Đoàn gồm 5 người xuyên qua cánh rừng miền Đông Nam Bộ bằng những lối đi bí mật. Họ phải đối phó với sự rình rập của quân địch, với vắt, muỗi, kiến càng, rắn và thú dữ, cả sự rình rập, đe dọa của con người. Từ suối Trị An, họ lần mò đi đến cực Nam Trung bộ, cứ nhắm sao Bắc đẩu mà đi, lại xuyên qua cánh rừng Tây Nguyên, rồi tìm một chiếc thuyền. Thuyền họ lại rơi vào tâm “bão sữa”, một loại bão rất lạ và đáng sợ. Trời biển gầm réo, cột buồm gãy, bọt biển quay cuồng, trắng như sữa. Chiếc thuyền cứ trôi, cứ trôi… Thật may mắn, chiếc thuyền ra khỏi được vùng bão. Trời quang mây tạnh, họ lại dựng buồm đi tiếp. Hết vượt biển lại đi đường tàu hỏa. Mãi gần ba tháng trời, đoàn mới ra đến Hà Nội.

Trái tim người mẹ và những năm cuối đời

Chồng và anh trai bà đã hy sinh trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, cậu con trai thứ được sang CHDC Đức học kỹ thuật điện ảnh. Tám năm sau, anh vượt Trường Sơn vào Nam công tác và hy sinh. Cô con gái duy nhất lựa chọn một hạnh phúc mà bà không mong muốn. Trái tim người mẹ bao lần rướm máu nhưng bà đã can đảm chịu đựng…

Từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, song tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (1974), bà Nguyễn Thị Thập xin nghỉ công tác Hội để chỉ đạo tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam. Bà được bầu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Sau đó, bà trở về Nam Bộ, cùng một số cán bộ phụ nữ lão thành như bà Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Lựu, Trương Thị Thu, Đại tá Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Ráo… tổ chức tổng kết truyền thống đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ. Bà cùng với tổ sử phụ nữ Nam Bộ đã dành phần cuối đời cho việc sáng lập và xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ…

Bác Hồ và bà Nguyễn Thị Thập tại Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam lần thứ III

Tháng 10-1995, nhân kỷ niệm ngày bà 87 tuổi, dường như dự cảm rằng mình sẽ đi xa, bà trao lại cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đồng tiền vàng của Bác Hồ tặng cho bà trong một chuyến công tác nhưng từ ấy đến nay, bà đã giữ nó bên mình như một báu vật.

Đã hơn 10 năm, chứng bệnh ngặt nghèo khiến bà đi lại rất khó khăn. Mấy năm sau này, bà không nói được. Được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bà đã ra hiệu cho người thân: số tiền ấy một phần được trích ra tặng cho những gia đình đã từng che chở, đùm bọc bà trong những năm tháng hoạt động bí mật, phần còn lại tặng cho người đã chăm sóc bà trong suốt hơn 10 năm trời bà ngã bệnh. Chiều ngày 19-3-1996, bà Nguyễn Thị Thập đã giã biệt cõi đời.

Dù đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, vượt qua bao gian khổ, thử thách để hoàn thành sứ mạng nhưng dường như bà vẫn cảm thấy chưa yên tâm, chưa đủ cống hiến để ra đi.

Trầm Hương

BÀI VIẾT NỔI BẬT