column_right getExtensions 1714903832-1714903832

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714903832-1714903833

NGHỆ SĨ HỒNG NGA

NGHỆ SĨ HỒNG NGA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:15-07-2023

NGHỆ SĨ HỒNG NGA

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồng Nga

Cùng là cư dân Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), nhưng để hẹn gặp được nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hồng Nga thật không dễ, bởi chị là con người của công việc, ắp đầy sự đam mê bất tận. Ngược lên tháng 12-2000, trong 2 tuần dự trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) ở Nha Trang, tôi nộp truyện ngắn “Người đàn bà trước biển”. Tạp chí VNQĐ in “Truyện ngắn dự thi” số 4-2001. Tiếp đến, Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Khi nhạc hiệu vừa kết thúc, tôi nhận được cú phôn của nữ nghệ sĩ Hồng Nga, nói lời cám ơn. Tới lúc đó, thú thực là tôi vẫn chưa hề được gặp chị, dẫu có 20 năm sống ở Nha Trang và gắn bó với trường Không quân. Bằng xúc cảm mãnh liệt, tôi dựng được thiên truyện có dựa vào một phần đời của chị. Truyện được in vào tập sách cùng tên và có mặt trong nhiều tuyển tập.

Chào đời trên đất Bắc

Hồng Nga là con thứ hai trong một gia đình có bốn chị em. Ba chị là Nguyễn Minh Cảnh, quê ở Hải Lăng (Quảng Trị), đi bộ đội chống Pháp, tập kết ra Bắc, ông học hành và trở thành Kiến trúc sư. Còn má Trần Thị Minh Nghĩa, quê ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), dạy Toán ở Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Sinh ra trên đất Cảng, từ thuở bé, Hồng Nga được tắm mình trong dòng chảy sôi động của thành phố hoa phượng đỏ. Bấy giờ, Hải Phòng là thành phố lớn thứ hai ở miền Bắc, tấp nập trên bến dưới thuyền, là cửa ngõ giao thương quốc tế.

Thi đại học y thiếu một điểm, Hồng Nga quyết định vào trường sư phạm 10+3, mong nối tiếp nghề giáo của má. Năm 1975, đất nước thống nhất, cán bộ đi tập kết lần lượt được điều động về miền Nam để tiếp quản công việc tại các địa phương vừa được giải phóng. Ba má chị chuyển vào định cư ở Nha Trang, Khánh Hòa (sau là tỉnh Phú Khánh), một thành phố tuy nhỏ song có đủ cả sân bay, ga đường sắt và cảng biển, nhiều nét tương đồng với Hải Phòng. Hai năm sau, Hồng Nga chuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, học tiếp ở khoa Địa - Sử. Là cán bộ lớp, vừa học, cô sinh viên đến từ đất Cảng còn tích cực hòa mình vào các hoạt động xã hội, vun bồi thiên hướng nghệ thuật.

Tốt nghiệp (1979), Hồng Nga được giữ lại làm ở phòng giáo vụ Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Bấy giờ, trên địa bàn thành phố biển có 3 trường quân đội là Không quân, Hải quân và Thông tin. Nhiều sĩ quan trẻ, nhất là các chàng pilot có điều kiện tiếp cận đội ngũ giáo sinh và sinh viên sư phạm nhiều hơn cả. Những phi công cao lớn, đẹp trai ngời ngời, cưỡi mây lướt gió rong ruổi trên bầu trời vẫn là niềm mơ ước của nhiều cô gái. Vào thời điểm đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, thì mô hình “vợ giáo viên, chồng bộ đội” được cả xã hội ủng hộ.

Như bao người con gái khác, Hồng Nga cũng luôn khao khát tình yêu và mơ về một mái ấm hạnh phúc. Chị đã gặp, đã yêu và chấp nhận lời cầu hôn của chàng trai quê ở xã Quân Khê, huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Đó là anh Nguyễn Đình Đông, phi công Trung đoàn 910 thuộc Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật Không quân.

Về chung một nhà, nụ mầm hạnh phúc lứa đôi tượng hình và lớn lên từng ngày. Bấy giờ, anh Đông là giáo viên bay L-39 (Hải Âu), loại máy bay huấn luyện khá hiện đại, đầu nhọn, dáng thon dài tựa như F5E “chiến lợi phẩm”. Nhưng L-39 do Tiệp Khắc (nay là Czech và Slovakia) chế tạo, mới được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Không quân trang bị cho Nhà trường đào tạo phi công chiến đấu. Ngày ngày, những cánh Hải Âu bay khép vòng, bầu trời phố biển thêm rộn rã, náo nhiệt. Bên cạnh niềm vui, thì sâu thẳm trong cõi lòng, những người thân của pilot luôn canh cánh một nỗi lo mơ hồ. Bởi lên trời, không thể lường hết bất trắc ở phía trước.

Sáng 28-11-1981, trời se lạnh. Trung đoàn 910 tổ chức bay khoa mục huấn luyện biên đội. Trung úy giáo viên Nguyễn Đình Đông bay kèm chuyển loại cho Trung úy Cao Sơn Hùng ngồi buồng trước, anh Đông buồng sau. Trung úy Đặng Đình Lệ, dẫn biên đội. Tầm nhìn đang tốt, đột nhiên thời tiết chuyển xấu rất nhanh. Trong chốc lát, tin dữ ập đến: 2 chiếc L-39 gặp nạn, 3 giáo viên bay hy sinh trên biển Nha Trang. Thật đau xót! Thời gian sau, các anh được Nhà nước công nhận Liệt sĩ.

Lập nghiệp ở phương Nam

5 tháng sau, Hồng Nga sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Đông Khánh. Không thể nói hết nỗi niềm, trong những năm tháng ấy, chị quyết định ôm con “Nam tiến”. Khi hay tin có thông báo tuyển sinh của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM), không ngần ngại, chị nộp đơn và thi đậu vào khoa Đạo diễn sân khấu khóa 8 chính quy, hệ 5 năm. Cùng lớp có NSND Hồng Vân, Tôn Thất Cần (hiện là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP. HCM), đạo diễn Quốc Thảo…

Vượt bão giông, ý chí và bản lĩnh đã giúp chị trụ vững để học tập. Đam mê sân khấu và ánh đèn sân khấu, Hồng Nga học thêm nhiếp ảnh với thầy Trần Sán Vinh. Ông nhiệt thành truyền cho chị niềm đam mê cũng như tận tình hướng dẫn kỹ thuật ảnh. Thế giới ánh sáng và những khuôn hình có sức hấp dẫn kỳ lạ. Có thầy giỏi, bạn hiền, nhưng quan trọng là bản thân phải nỗ lực tìm tòi, không ngừng học hỏi thao tác và đúc rút kinh nghiệm. Chị luyện kỹ năng của một tay máy chuyên nghiệp.

Thu Hồ Gươm

Trong thời gian đi thực tập đạo diễn, Hồng Nga thử sức mình ở sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Kiến thức sân khấu sâu rộng, sự nhạy cảm nghề nghiệp đã giúp chị chớp được những khoảnh khắc có hồn, lột tả sắc diện và thần thái của nhân vật. Bấy giờ, nhà văn kiêm soạn giả Ngọc Linh là Phó Tổng biên tập báo Sân khấu TP. HCM, tấm tắc khen ngợi những tấm ảnh chụp sân khấu có chiều sâu và nghệ thuật, nên đã mời Hồng Nga cộng tác. Cho đến cuối năm 1989, chị chính thức trở thành phóng viên tờ Sân khấu. Từ đây, chị thỏa sức tung hoành trên cả hai lĩnh vực, làm báo và nhiếp ảnh.

Có điều, chụp ảnh sân khấu không hề đơn giản chút nào, bởi ngoài kỹ năng điêu luyện, người cầm máy luôn đối diện với thách thức là ánh đèn nhiều màu sắc, cường độ thay đổi liên tục, khi đậm, lúc nhạt. Thêm vào đó, vai diễn của các nghệ sĩ với nhiều động tác, rất khó chọn để bấm máy, nếu không thuộc và hiểu sân khấu. Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như cải lương, kịch nói, múa, xiếc, biểu diễn thời trang, đến các cuộc thi hoa hậu... mỗi thứ có một đặc thù riêng, nhiều đêm, Hồng Nga tất bật chạy tới 2-3 show diễn, quyết săn kỳ được những khoảnh khắc đẹp để kịp có tin, bài.

Ngày ấy, ảnh chụp bằng phim chứ chưa có ảnh kỹ thuật số như bây giờ. Phim vừa tiền thì độ nhậy kém, phim xịn thì giá không hề rẻ. Bởi vậy, nhiếp ảnh là cuộc chơi rất tốn kém. Làm báo, Hồng Nga thường viết về mảng thời trang, sân khấu, giới thiệu các tác giả nhiếp ảnh hay các họa sĩ trong các triển lãm... Chị tham gia cộng tác hình ảnh và có bài trên các báo: Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ TP. HCM, Nông thôn Ngày nay, Đất Mũi, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên... Nhưng dẫu làm gì, Hồng Nga vẫn không quên dành tình cảm cho nhiếp ảnh nghệ thuật và nuôi dưỡng niềm đam mê, phấn đấu. Nhờ con mắt điêu luyện, những tác phẩm ảnh của chị luôn có góc nhìn mới mẻ, bố cục chặt chẽ và ánh sáng đẹp.

Ngược xuôi đất Mũi

Sau chuyến đi sáng tác đầy ngẫu hứng ở biển Phan Thiết của nhóm nhiếp ảnh nữ, tháng 10-1990, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Hải Âu được thành lập. Hồng Nga là một trong tám thành viên đầu tiên. Cái tên Hải Âu là do chị đặt và được các thành viên nhất trí. Hiện chị là Phó chủ nhiệm CLB danh tiếng này. Hơn 30 năm qua, những cánh “Hải Âu” đã tung bay khắp mọi miền đất nước, đến được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có mặt tại hàng trăm cuộc triển lãm trong và ngoài nước, các thành viên CLB đã giành được hơn 800 giải thưởng nhiếp ảnh, ghi nhiều dấu ấn sâu đậm, góp phần nâng vị thế của môn nghệ thuật này ở một đất nước giàu truyền thống văn hiến, tài hoa. Trong số 25 thành viên CLB, hầu hết các chị đều là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), có 10 chị được nhận tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quốc tế. Bởi vậy, CLB Hải Âu không chỉ là cánh chim đầu đàn của phương Nam, mà rộng ra của phụ nữ và nhân dân cả nước, một minh chứng sinh động cho bình đẳng giới.

Tài năng và tấm lòng

Với những người lao động sáng tạo, không có thành công nào từ trên trời rơi xuống cả. Đàn ông đã quần quật, thì phụ nữ không thể gọi là nhẹ nhàng. Lắm khi nước mắt không chỉ lăn trên gò má, mà còn lặn chảy vào sâu cõi lòng. Là vợ liệt sĩ, chị lặng thầm hy sinh và hết mình cống hiến, chứ không mảy may trông đợi vào bất cứ sự ưu ái nào.

Sở hữu một gia tài ảnh khổng lồ, đa dạng về thể loại, Hồng Nga nảy ra ý định tổ chức một triển lãm để giới thiệu với công chúng thế giới sắc màu và ánh sáng. Nghĩ là làm. Sau 3 tháng ròng lên kế hoạch, nhiều đêm thức trắng, chị đã chọn lựa, phân loại và xử lý hàng trăm tác phẩm, để trình làng tập sách ảnh “10 năm sân khấu trong tôi” và triển lãm cá nhân cùng tên tại trụ sở Hội Nhà báo TP. HCM (1998) và Nhà văn hóa Thanh Niên. Lần đầu tiên có một nữ nhà báo - NSNA triển lãm quy mô và tầm cỡ như vậy về sân khấu, giới thiệu gương mặt các đạo diễn, các nhà thiết kế sân khấu; cùng nghệ sĩ cải lương, kịch nói, múa rối nước; nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam…

Vũ điệu Chămpa

Không chỉ được tổ chức tại TP. HCM, triển lãm ảnh độc đáo này còn diễn ra ở nhiều thành phố khác, như Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ… Đặc biệt là Hồng Nga chủ động lo đưa tác phẩm đến tất cả các nơi triển lãm. Một tờ báo đã không ngần ngại gọi chị là “Người di chuyển triển lãm đạt kỷ lục”. Ở đâu, triển lãm cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các đồng nghiệp, cùng sự mến mộ của công chúng.

Từ năm 2003, nghệ sĩ Hồng Nga chuyển công tác về Tạp chí Thế Giới Ảnh phía Nam, trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Làm ở mảng văn hóa, văn nghệ, chị xông xáo và có mặt ở nhiều nơi, ống kính kịp ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống thường nhật.

Dành tình cảm đặc biệt cho ảnh nghệ thuật, đề tài chị yêu thích là ảnh sinh hoạt đời thường, chân dung phụ nữ và trẻ em. Những tác phẩm đoạt giải mang dấu ấn như: Bức tranh quê ngoại, Ba thế hệ, Giúp mẹ, Duyên quan họ, Thiếu nữ H’ mông, Khát vọng tự do, Chuẩn bị ra khơi, Hạnh Phúc, Vũ khúc Diêm dân, Nghề truyền thống… cho thấy sự rung cảm đậm đà nữ tính, đem lại vinh quang nghề nghiệp cho chị.

Khơi nguồn dòng chảy ấy, với một năng lượng dồi dào, đầy tài hoa, nghệ sĩ Hồng Nga còn có 5 triển lãm cá nhân rất thành công. Sau chuyến trở về từ “Kinh đô Ánh Sáng”, năm 2001, chị tổ chức triển lãm “Paris trong tôi” tại IDECAP (Viện trao đổi văn hóa Pháp). Tiếp đến, năm 2005, là “Nghệ sĩ và vai diễn trên sân khấu tuồng” triển lãm tại Hà Nội và Festival Huế với hơn 70 bức ảnh về tuồng; năm 2010, chị có “Sân khấu múa rối nước” tại IDECAP. Đặc biệt, năm Kỷ Hợi (2019), triển lãm “Múa” tại Công ty Bảo Minh, chị trình làng 60 tác phẩm ảnh, kỷ niệm tuổi đời tròn một hoa giáp, với những dấu ấn rất riêng. Nữ nghệ sĩ còn có một triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) với chủ đề “Mẹ và con”. Ngoài ra, chị còn dự nhiều triển lãm và in sách thường niên của CLB Hải Âu, cũng như tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước nhận được nhiều phần thưởng danh giá…

Thiếu nữ ngày xuân

Mùa hè 2006, nghệ sĩ Hồng Nga được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập “Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất Việt Nam”. Không thỏa mãn, dừng lại, chị xem đó như một dấu mốc trên con đường nghệ thuật. Lao động sáng tạo với nghệ sĩ tựa như hít thở khí trời mỗi ngày. Quan tâm tới đồng nghiệp, chị đứng ra tập hợp làm sách ảnh “Sức sống Việt Nam 1 và 2”, sau đó tổ chức triển lãm bán đấu giá làm từ thiện.

Chưa hết, năm 2007, Hồng Nga cho ra mắt tập thơ có tựa rất gợi “Mơ trăng” (Nxb Văn nghệ TP. HCM). Năm 2021, giữa mùa cao điểm Covid-19, chị viết bài thơ “Hải Âu bay cao mãi” được nhạc sĩ Huỳnh Công Bá phổ thành ca khúc ruột của CLB Hải Âu, mỗi khi CLB có triển lãm hay kỷ niệm ngày thành lập. Năm 2022 Hồng Nga tổ chức cho nhóm GIẤC MƠ MÀU triển lãm tranh gây quỹ từ thiện cho trẻ em Gia Lai.

Trước đó, đầu năm 2000, chị tiếp cận với hội họa và triển lãm tranh. Cuối tháng 10-2018, khi đến xem triển lãm “Những nhà nhiếp ảnh vẽ tranh” lần 2 tại trụ sở Hội Mỹ thuật TP. HCM, tôi thật sự ngỡ ngàng trước giấc mơ màu của 8 nhiếp ảnh gia - họa sĩ, gồm: Tôn Thất Bằng, Nguyễn Tiến Lễ, Nguyễn Hồng Nga… Được chọn triển lãm là 99 tác phẩm với những góc nhìn về tuổi thơ, biển đảo quê hương, về Tây Bắc, Tây Nguyên, Hà Nội, Hội An; hay nét đẹp của miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi… Số tiền bán tranh được dùng ủng hộ quỹ “Vì nỗi đau da cam” do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.

Vũ khúc diêm dân

Bận bịu là vậy, song nhà báo - nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nga vẫn nhiệt tình tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ tại Hội Nhiếp ảnh thành phố. Và có lần, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM cũng mời chị giảng cho sinh viên về nghệ thuật nhiếp ảnh và bộ môn sân khấu. Năm 2020, nghệ sĩ Hồng Nga được bầu vào Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện chị là Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP. HCM, kiêm Trưởng ban Sáng tác của Hội; Chi hội trưởng Chi hội Hải Âu VAPA.

Với hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế, nghệ sĩ Hồng Nga được vinh danh bằng các tước hiệu: E.VAPA/G (nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc), E.FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế). Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi trong nước, có nhiều cống hiến cho nhiếp ảnh, chị nhận tước hiệu ESVAPA.

Không chỉ nỗ lực phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, NSNA Hồng Nga sống hòa đồng, với tấm lòng nhân ái, luôn giúp đỡ động viên chị em trong CLB, bạn bè đồng nghiệp trong các hoạt động sáng tác ảnh nghệ thuật cũng như những hoạt động của Hội Nhiếp ảnh TP. HCM và Hội NSNA Việt Nam.

Chị tâm sự, có được ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của người thân và vợ chồng con trai Nguyễn Đông Khánh. Hiện NSNA Hồng Nga là bà nội của hai cháu trai thông minh, kháu khỉnh. Nối bước ông ngoại, cháu Khánh tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường đại học Kiến trúc TP. HCM.

Vâng, cuộc đời luôn có hậu với những tài năng giàu lòng nhân ái và đức hy sinh, phấn đấu.

NGUYỄN MINH NGỌC
Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:6
Trong ngày:1105
Trong tuần:7638
Trong tháng:7638
Cả năm:7638
Tổng lượt xem:7638