column_right getExtensions 1714934930-1714934930

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714934930-1714934930

MỘT NGƯỜI CON XỨ ĐÔNG

MỘT NGƯỜI CON XỨ ĐÔNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:27-09-2023

MỘT NGƯỜI CON XỨ ĐÔNG

Trung tướng, PGS-TS Đào Văn Lợi (1947-2011)

Trong quân đội ta, có rất nhiều tướng lĩnh mà cuộc đời chiến trận và sự nghiệp của họ luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là với lớp trẻ. Trung tướng Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Đào Văn Lợi nằm trong số ấy. Tuổi Đinh Hợi (1947), ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo chỉ có hai anh em, ở xã Ninh Thanh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Là xã viên hợp tác xã, chàng thanh niên làm thư ký đội sản xuất. Vì là con trai một, nên bố mẹ mong mỏi muốn anh sớm yên bề gia thất. Bấy giờ, chiến tranh đã lan khắp miền Bắc. Vào tháng 2-1965, nghe xã đội trưởng hỏi tới đây có đợt khám tuyển bộ đội, em có đi không? Không cần đắn đo, Lợi đồng ý ngay. Sau khi viết đơn tình nguyện, anh đi khám tuyển. Mặc dù buổi sáng được mẹ nấu cho một nồi cơm to, ăn thật no, nhưng dọc đường, Đào Văn Lợi vẫn thấp thỏm về số cân của mình. Nên mua mấy củ khoai lang ăn dặm thêm. Cuối cùng, chàng trai trẻ toại nguyện.

Ngày 15-4-1965, anh lên đường nhập ngũ. Cả đợt ấy, toàn huyện Ninh Giang có trên 200 người, trong đó có cả những người lính chống Pháp tái ngũ, cùng một số đã hoàn thành nghĩa vụ từ năm 1964 trở về trước, còn lại là số anh em trẻ như Đào Văn Lợi. Tại buổi tập trung, đại diện Huyện ủy phát biểu căn dặn và trao cho các tân binh một lá cờ thêu dòng chữ “Đại phú giang giữ truyền thống”.

Được làm chiến sĩ của Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) ai nấy đều rất phấn khởi. Trong lần đầu ra thực địa học đào công sự, tiểu đội trưởng quy định để súng mép trái theo hướng xuôi chiều gió. Quan sát thấy không hợp lý, chiến sĩ Lợi đề nghị để súng ngược chiều gió để khi đào đất hất lên thì bệ khóa nòng và nòng súng không phải hứng cát bụi, dính bẩn thậm chí gây hóc khi sử dụng. Sáng kiến này được biểu dương khen ngợi. Cũng vì tò mò muốn khám phá, vào một buổi sáng, chàng lính trẻ đã táy máy làm cho khẩu trung liên bị cướp cò một loạt, khiến cho cả phiên chợ Bần Yên Nhân nhốn nháo, dân tình một phen hoảng loạn, vì tưởng máy bay Mỹ đến ném bom và bộ đội ta bắn trả. Tất nhiên, việc này, Đào Văn Lợi bị đại đội phó trực tiếp phê bình, rút kinh nghiệm. Bài học đầu đời quân ngũ làm người lính khắc ghi trong tâm trí.

Hành quân về miền trung du, giáp giới giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, đóng quân và huấn luyện, Tiểu đoàn 3 chọn lựa một số chiến sĩ để thành lập một tiểu đội trinh sát, Đào Văn Lợi có tên. Ngay buổi đầu, “tố chất” tham mưu của người lính trẻ đã phát lộ. Lính trinh sát được huấn luyện biết trèo lên cây cao để quan sát, vượt hàng rào bùng nhùng cũi lợn, mái nhà… và được hướng dẫn cách đột nhập trận địa, cách luồn và chui hàng rào vào đồn để nắm địch. Tiếp đến là môn học cắt góc phương vị, sử dụng bản đồ, địa bàn, xác định tọa độ điểm đứng chân, mục tiêu đến… Được luyện tập cắt rừng cả ban đêm lẫn ban ngày, rất khó khăn, nhưng ai nấy đều phấn đấu thực hiện thành thục. Một yêu cầu không thể thiếu của lính trinh sát là phải có trí nhớ tốt để khi dẫn người chỉ huy đi điều nghiên, nắm tình hình phía trước, hoặc đưa đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa không bị lạc đường. Và họ còn được hướng dẫn rất kỹ thuật đào bếp Hoàng Cầm giấu khói…

Từ đèo Nhe, buổi sáng đơn vị hành quân, mỗi người đeo 20kg gạch, đá, rồi tăng dần lên 25-30 kg. Ban ngày đi đường bằng, ban đêm, chuyển sang địa hình phức tạp có đồi dốc, đá lởm chởm, gần với thực tế ở Trường Sơn. Một lần sau khi nhận quân trang và vũ khí xong, anh em về đến doanh trại thì gặp đoàn đại biểu anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Biết tin đơn vị sắp vào Nam đánh Mỹ, đoàn đến thăm động viên. Trong đoàn có Anh hùng Tạ Thị Kiều, người con của quê hương Đồng khởi Bến Tre. Với trang phục Quân giải phóng, mũ tai bèo, ngực lấp lánh huân chương, chị Mười Lý vui vẻ trò chuyện và bày tỏ vui mừng sẽ được đón đơn vị tại chiến trường miền Nam.

Sau khi được phép về thăm nhà đúng 10 ngày, tất cả đơn vị hối hả chuẩn bị. Biết chính xác ngày hành quân vào Nam, ai nấy đều vội viết thư gửi về gia đình. Nhưng ngặt nỗi, chưa kịp gửi thư thì đơn vị được lệnh hành quân ra ga Phổ Yên để lên tàu hỏa. Quân lệnh như sơn. Anh em liền bàn nhau gom tất cả thư rồi buộc lại từng bó, nhiều thư chưa kịp dán tem, khi về đến ga Hàng Cỏ, thì ném xuống nhờ bà con gửi hộ. Nhiều người nghĩ là rất mong manh, song chẳng ngờ người Hà Nội đã rất chu đáo và chí tình. Bà con mua tem dán và gửi đầy đủ về tận từng địa chỉ của những người lính ra trận.

Đến ga cuối ở Đò Lèn, thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa, thì tàu dừng, cả đơn vị chuyển sang hành quân bộ. Sau hơn một tháng cực nhọc, có người nản chí bàn lùi bỏ đơn vị để quay về, nhưng Đào Văn Lợi đã khuyên giải và động viên người bạn tiếp tục. Chiều ngày 30-1-1966, Tiểu đoàn tập kết ở xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, chuẩn bị vượt sông Bến Hải. Đơn vị được giao liên đón và dẫn về làng Ho, từ đây, bắt đầu vào Trường Sơn. Bao nỗi cơ cực, leo đèo, lội suối, mang vác nặng, có khi đói lả, ấy là chưa kể biệt kích và lính Mỹ thường xuyên phục kích chặn các trục đường giao liên. Sau hơn 4 tháng, đêm ngủ ngày đi, vượt trên 2.000km, đơn vị đến miền Đông Nam Bộ. Tập kết bên bờ sông Đăk Quyt, giáp biên giới Campuchia (nay thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), vừa chân ướt chân ráo, Trung đoàn 141 đụng ngay cuộc càn Austen của Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh phủ đầu hòng xóa sổ đơn vị. Trong điều kiện mới vào chiến trường, cán bộ, chiến sĩ đều chưa có chút kinh nghiệm nào, sức khỏe bộ đội bị bào mòn ghê gớm, đơn vị vẫn dũng cảm triển khai đội hình chiến đấu. Trong tiểu đội trinh sát có người bị bắt, hèn nhát khai báo, địch ghi âm đưa lên trực thăng chõ loa kêu gọi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 đầu hàng. Không nao núng, đơn vị đã góp phần bẻ gãy cuộc càn của Lữ đoàn dù số 1 thuộc Sư đoàn dù 101 của Mỹ, bảo đảm an toàn cho hậu cứ của Trung đoàn.

Tại hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến đấu Bù Gia Mập, thay mặt Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam, ông Chín Vinh - Phó Chính ủy Miền, tới dự. Ông nói, ở trong này, có đơn vị thành lập 4 năm mà chỉ đánh quân ngụy. Các đồng chí “may” đấy, vừa mới vào tối hôm trước, còn ốm yếu, vũ khí chưa kịp lau chùi, mà sáng hôm sau đã đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đây là một thắng lợi rất lớn về chính trị…

Ngày 13-6-1966, Sư đoàn 7 được thành lập (mật danh Công trường 7). Trung đoàn 141 là một trong hai đơn vị đầu tiên của sư đoàn chủ lực Quân giải phóng miền Nam. Chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngày 30-11-1967, Đào Văn Lợi được kết nạp vào Đảng ở ngay trong cánh rừng già. Được công nhận đảng viên chính thức, hai tháng sau, anh được điều lên làm trợ lý quân lực thuộc Ban Tham mưu Trung đoàn.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 141 có nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu hao, kìm chân lực lượng Sư đoàn Anh cả đỏ, một trong những đơn vị nổi tiếng nhất của lục quân Mỹ (thành lập từ năm 1917) và Sư đoàn 5 ngụy, không cho chúng cơ động về Sài Gòn.

Với thủ trưởng cũ, Thượng tướng Hoàng Cầm

Tháng 4-1973, anh Lợi được điều lên Ban Quân lực Sư đoàn 7, phụ trách về trang bị, đảm bảo súng đạn phục vụ tác chiến. Với bản tính nhanh nhạy, thêm năng khiếu quan sát, phân tích, ngay từ lúc ấy, anh học hỏi được rất nhiều từ các trợ lý tác chiến của trung đoàn, rồi sư đoàn và trụ vững cùng đồng đội. Chuyện đến tai Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong, từ đó, ông chú tâm theo dõi, giúp đỡ người trợ lý. Gần cuối cuộc chiến tranh, một hôm Sư đoàn trưởng gọi Đào Văn Lợi lên giao nhiệm vụ “ra Bắc đi học về làm chỉ huy”. Khi đang đi trinh sát chuẩn bị cho Quân đoàn 4 đánh chi khu Đồng Xoài, thì anh nhận lệnh của Sư đoàn gọi về đi học.

Nếu 8 năm trước phải đi bộ, xẻ dọc Trường Sơn, thì lần này từ Lộc Ninh, anh Lợi cùng số anh em đi học được di chuyển ra Bắc bằng ô tô. Trở ra hậu phương lớn, được về thăm nhà, vui mừng vì thấy bố mẹ vẫn khỏe, em gái đã lập gia đình, Đào Văn Lợi cũng biết thông tin về người con gái đã hứa hôn. Sau khi anh vào chiến trường thì cô ấy cũng gia nhập thanh niên xung phong rồi lấy chồng.

Lập gia đình xong, Thượng úy Đào Văn Lợi nhận quyết định về Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân). Đến tháng 3-1976 thì Học viện được lệnh di chuyển vào Đà Lạt, tiếp quản cơ sở của trường võ bị chế độ cũ. Không ngờ mảnh đất xứ ngàn hoa về sau lại gắn bó với bước trưởng thành vượt bậc của ông, để lại dấu ấn sâu đậm của một vị tướng chỉ huy tham mưu và đào tạo.

Với người vợ hiền

Hoàn thành khóa bổ túc Học viện trở về, ông trở lại miền Đông Nam bộ trong đội hình của Binh đoàn Cửu Long. Lăn lộn trong khói lửa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia, phẩm chất tham mưu tác chiến càng được trui rèn thêm dạn dày và sắc sảo.

Đầu năm 1985, Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân đoàn 4, Đào Văn Lợi được Bộ Quốc phòng triệu tập ra Bắc học đào tạo về chiến dịch chiến lược ở Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Được thọ giáo bởi những người thầy, các vị tướng lĩnh tài năng và là những nhà sư phạm quân sự mẫu mực, giàu kinh nghiệm, trong một lần diễn tập bài, Đào Văn Lợi đảm nhiệm vai “Tư lệnh Quân đoàn”, ông sử dụng phương pháp làm việc mới mẻ, khác hẳn với cách “đạo diễn” của Học viện. Trực tiếp ngồi dự và theo dõi, Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo - Giám đốc Học viện rất khen ngợi cách làm sáng tạo của Đào Văn Lợi.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp quốc gia ở Học viện, ông đạt loại giỏi cả 3 môn. Hôm bảo vệ xong đề tài luận văn về chiến dịch tiến công cấp quân khu, một cố vấn Liên Xô bước đến bắt tay và chúc mừng học viên Đào Văn Lợi. Vị này quay sang nói với Giám đốc Học viện Quân sự Cấp cao, rằng đây là một người có thể ở lại làm giảng viên rất tốt. Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo hỏi Đào Văn Lợi, cố vấn phát hiện vậy, đồng chí nghĩ sao? Anh trân trọng cám ơn Giám đốc Học viện và bày tỏ nguyện vọng tiếp tục trở lại chiến trường, sát cánh với bao đồng đội thân yêu từng gắn bó.

Không chọn chỗ ấm êm, tháng 7-1987, Đào Văn Lợi được bổ nhiệm giữ chức Phó Sư đoàn trưởng Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 thuộc Binh đoàn Cửu Long. 10 năm sau, khi đang làm Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Đại tá Đào Văn Lợi được Bộ Quốc phòng điều động về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, thay cho Trung tướng Lê Nam Phong, thủ trưởng cũ và là người thầy của mình.

Đón chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Sư đoàn 9 (tháng 1-1996)

Ở bất kỳ nơi đâu, Đào Văn Lợi cũng chịu khó học hỏi. Có thể nói cuộc đời ông là một tấm gương bền bỉ học tập và là minh chứng sinh động cho sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp với sự nỗ lực rèn luyện của cá nhân. Học cấp trên, học đồng chí, đồng đội; học ở mọi lúc mọi nơi. Từ những trải nghiệm thực tế, Đào Văn Lợi được tiếp cận với kiến thức khoa học quân sự một cách có hệ thống, bài bản. Nhờ vậy, khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chuyển sang lĩnh vực giáo dục đào tạo, ông đã nhanh chóng nắm bắt công việc và hoàn thành tốt trọng trách được giao phó.

Năm 1998, Trường Sĩ quan Lục quân 2 được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học cùng với một số trường khác. Tháng 4 năm ấy, Hiệu trưởng Đào Văn Lợi được phong hàm Thiếu tướng. Nhờ nắm chắc công tác giáo dục đào tạo trong quân đội và mạnh dạn đổi mới, ngày 17-11-2000, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Lục quân, thay cho Trung tướng Lê An nghỉ chờ hưu.

Không phụ lòng tin cậy của cấp trên, tháng 8-2001, Giám đốc Học viện Đào Văn Lợi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, đề tài “Trung đoàn bộ binh làm nhiệm vụ chống bạo loạn lật đổ”. Với những thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ngày 20-11-2004, Tiến sĩ Đào Văn Lợi được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học Quân sự. Tháng 8-2003, ông được thăng hàm Trung tướng.

Nhận chức danh Phó Giáo sư (11-2004)

Nói về tướng Đào Văn Lợi, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1920-2019) có nhận xét khái quát: “là một chiến sĩ xuất thân từ nông dân, trải qua chiến đấu, công tác, học tập mà trưởng thành, trở thành một vị tướng, một nhà giáo có nhiều đóng góp cho quân đội, cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”.

*

Trung tướng Đào Văn Lợi là con người của ân tình sâu nặng. Ông luôn tâm niệm: “Mọi việc đối nhân xử thế cuối cùng phải dựa trên cái tình, dựa vào sự yêu thương, kính trọng người trên, thương đồng đội, bạn bè; thương yêu gia đình”. Khi biết mình bị căn bệnh quái ác, khó bề qua khỏi, ông vẫn hết sức điềm tĩnh. Hơn lúc nào hết, ông muốn có một cuốn sách nói về chặng đường của mình đi theo Đảng, được quân đội giáo dục, đào tạo và trưởng thành. Vậy nên, ông tập trung tinh lực huy động trí nhớ, không đủ sức ghi lại thì điềm tĩnh đọc và thâu băng cassette, xong rồi nhờ một vị làm sử quân khu giúp. Vị này sai lính “mổ” băng và đánh máy ghi lại hết sức “tự nhiên”. Khi vị tướng cầm bản thảo đến Chi nhánh Nhà xuất bản QĐND gặp tôi. Vẫn biết là có nhiều cuốn “hồi ký” của các tướng lĩnh được tạo bởi nhiều cách khác nhau. Nhiều cụ thì tuổi cao, sức mòn, mắt kém, lại nôn nóng muốn có cuốn sách kẻo nó nguội mất, nên lắm khi đành tặc lưỡi, cho qua. Đọc trúc trắc phát ốm, nhưng vì trân trọng và quý mến một vị tướng tài năng, tuổi còn trẻ nhưng mắc bạo bệnh, nên tôi tự nhủ phải ráng hết sức để biên tập, chuẩn chỉnh và nhuận sắc lại, đặt tên các chương và đổi tựa sách cho phù hợp.

Trong cuốn hồi ức “Trận mạc và giảng đường”, do tôi biên tập, Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2010, Trung tướng Đào Văn Lợi viết: “Tôi ghi mãi trong lòng sự biết ơn tới Đảng, tới Bác Hồ, tới Quân đội đã giáo dục, rèn luyện, tạo mọi điều kiện để tôi phấn đấu”. Ông nhớ như in kỷ niệm khi vừa hành quân đến Tây Nguyên, đói mờ cả mắt, được anh bạn đồng hương cho cái bánh sắn hấp nóng, ăn tỉnh cả người. Hay lần khác, lúc đang sốt rét run cầm cập, được y tá đơn vị dúi cho nửa viên ký ninh mà cắt được cơn sốt. Rồi tình nghĩa với chị Út Dân trong những năm đánh Mỹ ở Bến Cát, Bình Dương, người mà ông hằng kính trọng như chị ruột của mình…

Sum vầy bên vợ, con và các cháu

Khi đang tại vị cũng như lúc đã trở về với cuộc sống đời thường, Trung tướng PGS-TS Đào Văn Lợi vẫn luôn giữ cho mình tình cảm sáng trong, giản dị và gần gũi. Một hôm, vào tầm “đông buổi chợ”, ông đến tìm tôi ở cơ quan, ngày ấy ở số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Gương mặt còn nguyên vẻ xúc động, ông kể mình vừa đến thăm cụ Hoàng Cầm, thủ trưởng cũ về. Giọng thảng thốt, ông nói, chú biết không, một vị tướng từng chứng kiến cả 3 cột mốc quan trọng (7-5-1954; 30-4-1975; 7-1-1979), công lao chiến tích đầy mình, đạo đức trong sáng mẫu mực, giờ ốm đau nằm một chỗ. Thương lắm. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đều có chung ước nguyện muốn Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cụ Hoàng Cầm. Ông rút trong ngực áo một tờ giấy A4 đưa tôi: “Anh có mấy kiến nghị với cấp trên, sơ phác thế này, chú xem chỉnh sửa giúp”.

Thói thường, ở đời người ta phù thịnh chứ mấy ai phù suy? Chỉ ngần ấy thôi, tôi đã thực sự kính nể và nhận lời tức khắc. Hai hôm sau, bài viết “Về thăm người Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 9 anh hùng” ký tên Trung tướng Đào Văn Lợi xuất hiện trên báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP), gây xúc động mạnh. Chưa hết, ông còn thảo công văn kèm theo tờ báo SGGP, đệ trình lên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét vinh danh cho Thượng tướng Hoàng Cầm. Ngoài tình yêu, sự tôn kính dành cho vị thủ trưởng cũ của mình, Trung tướng Đào Văn Lợi không có động cơ nào khác.

Là một trong những người đôn đáo tích cực vận động xây dựng tượng đài chiến thắng Tàu Ô - Xóm Ruộng, khi sắp khánh thành, ông có bài báo “Tượng đài của nghĩa tình đồng đội” rất kịp thời. Vị tướng khả kính say sưa nói với tôi về những dự định mà ông đang ấp ủ, có ngờ đâu chính là lúc ông đương phải gồng mình chống chọi với những cơn đau bệnh. Khi biết tin Trung tướng Đào Văn Lợi cấp cứu ở Bệnh viện Quân y 175, tôi liền tức tốc chạy vào thăm. Ông vẫn nhận ra tôi và bình thản trò chuyện, dẫu thể trạng rất yếu. Nhìn thần sắc, nắm bàn tay khô và lạnh của ông, tôi thấy thắt lòng!

Chỉ ít hôm sau, vào ngày 21-01-2011 (nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Canh Dần) vị tướng tham mưu chỉ huy từng một thời dọc ngang nơi chiến trận và say sưa trên giảng đường đại học, đã giã biệt cuộc đời ở tuổi 64. Bấm đốt ngón tay, chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão.

NGUYỄN MINH NGỌC
Ảnh: GĐCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:2
Trong ngày:49
Trong tuần:49
Trong tháng:8239
Cả năm:8239
Tổng lượt xem:8239