column_right getExtensions 1716060171-1716060171

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1716060171-1716060171

DUYÊN TÌNH THỜI HOA LỬA

DUYÊN TÌNH THỜI HOA LỬA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:11-06-2022

DUYÊN TÌNH THỜI HOA LỬA

Nhiều lần cùng các CCB Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trở lại chiến trường xưa và thực hiện những chuyến công tác nghĩa tình, tri ân đồng đội, chúng tôi được nghe kể về chuyện tình của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Hoàng Tuấn), nguyên Phó Chủ nhiệm về chính trị, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Một mối tình xuyên suốt gần nửa thế kỷ, song giờ đây họ vẫn “anh, em” rất đỗi ngọt ngào. Những tình cảm và kỷ niệm thời hoa lửa, mỗi khi nhắc tới ông bà thấy mình như trẻ lại...

Cặp đôi trong ngày cưới, năm 1970

Tháng 2-1962, chàng thanh niên Hoàng Anh Tuấn là chiến sĩ lái xe của Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 245 vượt “cổng trời” lên tây Trường Sơn. Ông cùng đồng đội hàng trăm lần vượt các trọng điểm ác liệt: Xeng Phan - Pha Nốp, Tha Mé - Văng Mu, Bản Đông - La Hạp, Bến Bạc - Đèo Long… Sau 7 năm lăn lộn trên các tuyến đường Trường Sơn, tháng 9-1968, chính trị viên đại đội Hoàng Anh Tuấn được Binh trạm cử đi báo cáo thành tích tại hội nghị quân chính và hội nghị mừng công do Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh 559 triệu tập. Trong những ngày dự hội nghị, có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người, lần nào ông cũng nghe nhắc đến nữ y sĩ Minh Cử, người Phú Thọ. Tò mò, ông quyết tâm tìm gặp cho được. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn bảo, chả hiểu sao lúc đó mình bạo thế. Biết cô ấy là người Phú Thọ nên mới gặp mình nhận đồng hương luôn. Thực ra mình là người Sơn Tây (Hà Nội). Hồi chống Pháp, gia đình sơ tán lên Phú Thọ, mẹ mình lâm bệnh rồi mất ở đấy. Cái cớ nhận đồng hương làm quen này về sau Cử vẫn thường trêu mình mãi, không phải người Phú Thọ mà cứ “vơ vào”.

Nhưng nếu không “vơ vào” như thế thì làm sao có được hôm nay? Ngày ấy, y sĩ Minh Cử vốn là con cưng của Cục Chính trị, được không ít anh tài để ý. Sinh thời, Đại tá Nguyễn Trọng Khoát, nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh 559 mỗi khi nhắc đến vợ chồng Hoàng Tuấn - Minh Cử, thường cho rằng đây là cặp trai tài, gái sắc của Trường Sơn.

Từ sau lần gặp gỡ đó, hai người thư đi từ lại, chủ yếu là thăm hỏi, động viên nhau cùng phấn đấu, như sợi dây kết nối, đồng cảm. Rồi tình yêu nảy nở giữa đại ngàn Trường Sơn. Bà Cử tiếp lời, phải hai năm sau chúng tôi mới có dịp gặp lại. Chỉ qua những lá thư và tin tức của đồng đội kể lại, ấy thế mà lúc nào tôi cũng có cảm giác như đang ở bên anh ấy.

Có lẽ chỉ ở Trường Sơn mới có những mối tình đẹp, thơ mộng như thế. Biết Minh Cử nhận lời yêu Hoàng Tuấn, một lính xế, suốt ngày lăn lộn trên các tuyến lửa, có người khuyên cô nên cân nhắc. Nhưng tình yêu có cái lý của nó. Người con gái hiểu và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Và rồi cũng có rất nhiều người ủng hộ họ, trong đó có “ông tơ” Trọng Khoát!

Đám cưới hai người được tổ chức vào tháng 8-1970 là một kỷ niệm đáng nhớ. Lúc này, Tiểu đoàn 52 chuyển về Binh trạm 14. Vào dịp tổng kết hoạt động mùa khô năm 1969-1970 do Bộ Tư lệnh tổ chức, Hoàng Tuấn được giao dẫn đội văn nghệ của binh trạm lên phục vụ hội nghị. Rõ là ông đồ Nghệ - Trọng Khoát đã “bật đèn xanh” với Chính ủy Binh trạm Bùi Thế Tâm, tạo điều kiện để Hoàng Tuấn gặp bạn gái. Hôm đó, trong “lều thơ” của Trọng Khoát, hai người đã bàn tính chuyện hôn nhân. Lúc này “chàng” đã 26 tuổi, còn “nàng” mới 22. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại: Nghĩ cũng thật buồn cười. Tình yêu của chúng mình hồi đó cũng “nghiêm cách” đáo để. Tới lúc bàn tính chuyện đám cưới mà hai người vẫn ngồi ở hai chiếc ghế đối diện nhau, không dám cầm tay nhau. Trước hôm cưới, có Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần về biểu diễn ban ngày, mình và cô ấy đi xem nhưng mỗi người ngồi ở một đầu…Thoáng cái đã mấy chục năm.

Một đám cưới đúng chất lính được tổ chức trong hội trường là một căn hầm bán âm. Áo cưới là bộ quân phục thường ngày. Ngày thành hôn, hai người ngồi xe Gaz từ trụ sở Bộ Tư lệnh (Cổ Giang, Hưng Trạch, Quảng Bình) ra ga Vinh (Nghệ An) để tranh thủ phép về quê báo cáo họ hàng. Thế là họ thành đôi lứa. Bà Minh Cử bồi hồi, cưới xong lại mỗi người một nơi. Anh Tuấn về đơn vị tiếp tục vượt Trường Sơn, còn tôi cũng di chuyển đến các bệnh viện dã chiến chăm sóc thương, bệnh binh. Có khi cả năm vợ chồng không gặp nhau.

Dù không được thường xuyên bên nhau như mong muốn của các cặp vợ chồng son, nhưng Hoàng Tuấn - Minh Cử không hề phân tâm. Thiếu thốn tình cảm đã đành, họ cũng nhiều lần đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là thoát chết trong gang tấc. Một lần khi vượt trọng điểm liên hoàn A.T.P dịp Tết Nguyên đán năm 1971, Hoàng Tuấn chỉ huy đoàn xe vừa lên khỏi đèo thì dính bom B52 của địch, hỏng mất 7 chiếc ô tô. Lần khác, khi ông về làm Chính trị viên Tiểu đoàn ca-nô 166, vận tải nước rút tiếp tế cho Trung đoàn 48 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (7-1972). Chiếc xuồng chỉ huy trúng bom, Hoàng Tuấn bị thương và được đưa về Đội điều trị 14. Chừng nửa tháng, nghe tin một đại đội xuồng bị tập kích, Hoàng Tuấn cố xin về đơn vị làm việc kết hợp điều trị. Đang tập trung sức củng cố đơn vị đẩy mạnh chi viện Thành cổ, lại bị B52 rải thảm khiến Hoàng Tuấn bị cháy rộp mặt, phải vào bệnh xá điều trị. Ông kể, sau mấy lần dưỡng thương, khi soi gương nhìn khuôn mặt phồng rộp, méo mó. Hình dung cảnh vợ nếu nhìn thấy bộ dạng mình lúc này..., thế là tự nhiên nước mắt cứ ứa ra!

Giữa lúc tâm trạng đầy bi quan thì Hoàng Tuấn nhận được thư của vợ. Dù ông không nói, nhưng Minh Cử đã biết: “Chồng yêu thương của em. Được tin anh bị thương em lo quá, sao lại giấu em. Dù anh có mất một phần thân thể vẫn là chồng của em... Em muốn vào với anh nhưng Viện 59 lúc này cũng có bao nhiêu thương bệnh binh. Bây giờ sức khỏe của anh sao rồi. Không đêm nào em ngủ được, cứ nhắm mắt lại thấy anh…”.

Đọc thư, Hoàng Tuấn như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những mặc cảm, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ. Ông tin tưởng rằng, giữa nơi hòn tên mũi đạn, vợ chồng ông luôn ở trong trái tim nhau.

“Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một người vợ, người đồng chí. Lý tưởng cách mạng, tình yêu đôi lứa một thuở Trường Sơn mạnh hơn cả đạn bom, giúp chúng tôi vượt lên những khốc liệt, dữ dằn của cuộc chiến để hoàn thành nhiệm vụ của người lính trên tuyến đường mang tên Bác Hồ. Khi chiến tranh qua rồi, đối mặt với những khó khăn thách thức của cuộc sống ngày thường, vợ tôi đã âm thầm lặng lẽ nhận thiệt thòi, vất vả về mình, thu vén cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, để tôi dồn tâm sức lo việc quân” - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã dành cho người vợ yêu thương của mình những lời như vậy.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cùng con cháu

Giờ đây, ông bà đều đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, song dường như tình yêu của họ vẫn luôn tươi mới như thuở nào. Hai người vẫn tích cực tham gia hoạt động ở Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, giữ cương vị chủ chốt tại hội. Bước chân của ông bà dường như vẫn chưa chịu dừng nghỉ. Họ vẫn sánh bước bên nhau, bận rộn và hối hả đi tới các vùng miền, về chiến trường xưa, về với đồng đội...

SONG THANH

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:388
Trong tuần:1298
Trong tháng:1298
Cả năm:1298
Tổng lượt xem:1298