CHO MÙA XUÂN Ở MÃI
CHO MÙA XUÂN Ở MÃI
Bài và ảnh: NGUYỄN MINH LAN CHI
Trong dịp đi tìm tư liệu nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tôi ghé thăm công viên văn hóa Lê Thị Riêng, tọa lạc cạnh đường Cách mạng Tháng Tám, quận 10. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài một đường phố tên Lê Thị Riêng ở phường Bến Thành (quận 1), còn có trường học THCS mang tên chị ở quận 10…
Chị Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Quê hương chị từng xảy ra vụ án đồng Nọc Nạn (1928), khắc sâu tội ác của giặc Pháp cấu kết với điền chủ. Đây là biểu tượng của cuộc đấu tranh và tinh thần phản kháng của nông dân Nam Bộ đối với chính sách hà khắc của chế độ thực dân. Lên 10 tuổi, mồ côi cha mẹ, cô bé Riêng được người chú họ đem về nuôi, cho ăn học hết bậc tiểu học và học nghề thợ may. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chị tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Là đảng viên, năm 1947, chị Lê Thị Riêng được điều về làm Chủ tịch Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Năm 1949, chị được bầu vào Ban chấp hành Hội phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, rồi chuyển về làm Hội phó Hội phụ nữ Cứu quốc miền Đông Nam Bộ.
Sau ngày Hiệp định Giơnevơ (7-1954) được ký kết, chị cùng chồng ở lại tiếp tục tham gia đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Vượt qua thời kỳ đen tối, được soi rọi bởi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa III), cách mạng miền Nam có bước chuyển mình kỳ diệu. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Và cũng trong năm này, chị Riêng nhận hung tin: anh Lê Trọng Tam, người bạn đời, người đồng chí thân yêu đã hy sinh ở Biên Hòa. Xa con, lại thêm nỗi đau mất mát xé ruột, ngỡ như chị sẽ không thể nào đứng vững, song với dũng khí của một chiến sĩ cách mạng, chị Riêng đã nén chặt nỗi đau để lao vào hoạt động.
Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 8-3-1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam được thành lập. Ban chấp hành lâm thời của Hội gồm 39 ủy viên, chị Lê Thị Riêng là Hội phó và được Hội cử tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMN Việt Nam. Chị còn được biết đến như một cây bút chính luận sắc sảo của báo Phụ nữ Giải phóng. Đến nay, nhiều chị em vẫn còn nhắc bài thơ “Ước mơ” của chị viết cho hai con trai nhỏ ở miền Bắc vào xuân Quý Mão (1963): “Tôi ước mơ một ngày nào đó/ Hà Nội ơi! Cho tôi đến Thủ đô/ Gặp hai con, tôi ôm cả vào lòng…/ Nhớ lắm rồi, bao năm trời chất chứa…/ Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng”. Và đó chính là điểm tựa, giúp chị sống can trường trên tiền tuyến lớn, ngay giữa hang ổ của Mỹ - Diệm.
Đại hội Phụ nữ miền Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh (8-3-1965) đã tổng kết phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận và ba mũi giáp công của phụ nữ toàn miền. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Giải phóng do bà Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam làm Hội trưởng. Cùng với bà Nguyễn Thị Bình, chị Lê Thị Riêng tiếp tục được bầu giữ chức Hội phó.
Cũng trong năm 1965, chị Lê Thị Riêng là Khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định. Chị được Khu ủy phân công làm Trưởng ban Phụ vận, trực tiếp nắm phong trào phụ nữ thành phố. Chị đặc biệt quan tâm đến vai trò của phụ nữ trí thức và chị em buôn bán nhỏ ở các chợ. Các nghiệp đoàn phụ nữ được thành lập có công đóng góp của chị Riêng. Giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố đang sôi sục, thì ngày 9-5-1967, trong một chuyến đi công tác, chị Riêng bị một kẻ phản bội nhận mặt và chỉ điểm cho mật vụ bắt. Biết rõ chị là một cán bộ quan trọng, kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn đánh đập dã man, như tra điện, đốt cả đầu 10 ngón tay cháy đến trơ xương… hòng moi bí mật của cách mạng. Chưa hết, chúng còn giở ngón đòn tâm lý, dụ dỗ, mua chuộc. Song, tất cả sự tàn ác và thâm hiểm của địch đều không thể nào lay chuyển được chị.
Đêm 30-1-1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân), tiếng súng nổ rung chuyển cả Sài Gòn. Cho là quân ta tiến công địch và có thể giải phóng tù chính trị, trong phòng giam, chị Lê Thị Riêng nhắc các bạn tù thu xếp gọn gàng và chờ. Chiều mùng 2 Tết, địch cho hai tên tay sai dẫn chị lên văn phòng Tổng nha cảnh sát. Tại đây, chị thấy anh Trần Văn Kiểu, Khu ủy viên dự khuyết Sài Gòn Gia Định, Trưởng ban Công vận; cùng với Phùng Ngọc Anh, nữ biệt động cánh Hoa vận có biệt danh là “Tiểu Long nữ”.
Cả ba người tù bị dồn lên một chiếc xe bít bùng, phía sau buồng lái có chăng lưới B40, sàn đầy cát bẩn. Tụi cảnh sát lần lượt tháo còng cho các tù nhân và đóng sập cửa lại. Đêm xuống, chiếc xe chở chị Lê Thị Riêng và các bạn tù, lăn bánh. Ở ngay phía sau chừng chục thước, có chiếc xe Dodge chở đầy nhóc lính, tên nào tên nấy mặt đằng đằng sát khí. Xe tù nhân chạy đến quãng vắng gần bốt Bà Hòa, trước chùa Minh Hương, thì đột ngột dừng lại. Mấy tên cảnh sát ngồi phía trước nhảy xuống và biến mất. Phía sau, chiếc xe “hộ tống” ập tới, những họng súng đen ngòm chĩa ra. Từng tràng tiểu liên vang lên chát chúa. Ngó thấy anh Kiểu nằm bất động, chị Riêng nghiêng người che đỡ cho Ngọc Anh. Và chị bị trọng thương. Trước lúc hy sinh, chị ráng sức hô to “Đả đảo bè lũ Mỹ - Thiệu - Kỳ!”, “Mặt trận Dân tộc Giải phóng muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”. Ngọc Anh bị thương nặng, được người dân đưa vào bệnh viện và chị được cứu sống.
Bị đòn tấn công choáng váng, kẻ địch đã sát hại nhiều cán bộ lãnh đạo của ta cùng hàng loạt người yêu nước đang bị chúng giam giữ rồi vu cho “cộng sản” thủ tiêu. Hành động trả thù hèn hạ ấy đã dấy lên làn sóng căm phẫn, nhiều người thề quyết xông lên chiến đấu trả thù. Trung ương Hội LHPN Giải phóng phát động phong trào “Phụ nữ miền Nam làm gấp 5, gấp 10 lần thay chị Riêng để tiêu diệt kẻ thù”. Các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức lễ truy điệu chị Lê Thị Riêng. Toàn thể cán bộ phụ nữ được học tập tiểu sử và gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của chị, quyết tâm biến căm thù thành hành động, phục vụ tổng tiến công xuân Mậu Thân thắng lợi. Tháng thi đua hành động trả thù cho chị Riêng được phát động rộng rãi. Tiểu đoàn mũi nhọn Lê Thị Riêng được thành lập với quân số chủ yếu là nữ, đã có trận đánh ngay ở nội đô Sài Gòn trong đợt 2 Tổng tiến công và nổi dậy, để lại tiếng vang lớn.
Sau khi hồi phục sức khỏe, chiến sĩ biệt động Phùng Ngọc Anh đã trở lại hàng ngũ chiến đấu. Và chị dùng súng ngắn diệt tên trung tá Chung Tao, tình báo của Đài Loan, chuyên hoạt động đánh phá cách mạng.
Tin chị Lê Thị Riêng bị địch sát hại ở Sài Gòn khiến cho chị em phụ nữ miền Bắc vô cùng phẫn nộ. Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động căm thù trong toàn thể hội viên. Lễ truy điệu chị Lê Thị Riêng được tổ chức ở nhiều nơi, trong các cấp Hội từ Trung ương đến các nhà máy, xí nghiệp, trường học. Hàng trăm, hàng ngàn bản kiến nghị, thư từ của cán bộ, hội viên phụ nữ từ hậu phương được gửi vào Hội LHPNGP miền Nam, hứa quyết tâm lập thành tích, trả thù cho chị Riêng.
Không chỉ để lại niềm tiếc thương cho phụ nữ cả hai miền Nam - Bắc, sự hy sinh anh dũng của chị Lê Thị Riêng còn nhận được sự chia sẻ của nhiều tổ chức quốc tế. Những người cộng sản Venezuela gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMN Việt Nam, bức điện: “Các đồng chí thân mến! Cuộc ám sát hèn nhát đồng chí Lê Thị Riêng đã gây nên luồng căm phẫn sâu sắc chẳng những trong hàng ngũ Đảng chúng tôi, mà còn trong lòng quần chúng rộng rãi Venezuela đang mỗi ngày lên án hết sức mạnh mẽ cuộc xâm lược tàn bạo của đế quốc đối với nhân dân của các đồng chí và đang càng có quyết tâm cao độ đoàn kết với cuộc chiến đấu của các đồng chí chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu ấy.
Xin gửi đến các đồng chí lời chia buồn chiến đấu của chúng tôi, lại thêm một nữ anh hùng nữa vào bảng kê vô số các nạn nhân của sự can thiệp Mỹ.
Muôn đời vinh quang cho những người cống hiến đời mình để bảo vệ đất nước và nhân loại bị chủ nghĩa phát xít đe dọa”.
Bức điện báo của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế ký tên Lydon B.Johnson được gửi đi từ Berlin (CHDC Đức), viết: “Chúng tôi tin chắc những hành động lên án còn tăng thêm nữa, rõ ràng phụ nữ miền Nam Việt Nam đã đấu tranh vì lòng yêu nước. Trước tiên, chúng tôi chuyển lời đến các con và gia đình bà Hội phó Hội LHPN Giải phóng lời chia buồn cảm động và chúng tôi tin chắc rằng tất cả phụ nữ trên thế giới sẽ chia sẻ nỗi đau đớn và phẫn nộ này…”.
Bức điện của Hội hữu nghị Nhật-Việt gửi từ Tokyo, có đoạn: “Được tin bà Lê Thị Riêng, Ủy viên Trung ương Mặt trận DTGPMN Việt Nam, Hội phó Hội LHPN Giải phóng và những người yêu nước đã bị tàn sát, chúng tôi vô cùng căm phẫn và nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ và bọn tay sai đầy tội ác, đồng thời thành thật chia buồn với tang quyến và nhân dân Việt Nam”.
Trọn đời mình, chị Lê Thị Riêng đã nêu một tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chị đã đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng cơ sở cách mạng, gây dựng phong trào phụ nữ ở miền Nam và dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Những đức tính cần cù, giản dị, khiêm nhường và phẩm chất cao quý của chị Lê Thị Riêng, người nữ cán bộ lãnh đạo rất mực trung kiên và xuất sắc, đã được chị em phụ nữ cả nước học tập. Ủy ban Trung ương MTDTGP miền Nam đã truy tặng chị Huy chương Thành đồng hạng Nhì và Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.
Hơn 30 năm sau, sáng 20-7-2001, Thành ủy - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Lê Thị Riêng và anh Trần Văn Kiểu. Để tưởng nhớ những người anh hùng, Thành phố cho dựng một tấm bia tưởng niệm trên dải phân cách đường Hồng Bàng, nằm giữa hai phường 11 và 12, quận 5, nơi hai đồng chí bị kẻ thù sát hại. Dâng nén nhang thơm, ngước nhìn vòm xanh cây lá, chợt hiểu mùa xuân ở mãi đất này!