column_right getExtensions 1714169178-1714169178

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714169178-1714169178

TIẾNG HÁT TỪ VỰC SÂU

TIẾNG HÁT TỪ VỰC SÂU

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:09-09-2022

TIẾNG HÁT TỪ VỰC SÂU

“Nhật ký Anne Frank” là cuốn sách không mấy xa lạ đối với hàng triệu độc giả trên thế giới. Bởi nó chưa bao giờ “cũ”, nhất là khi được viết ra từ một trái tim bé bỏng biết nói lời chân thật và ngập tràn niềm hy vọng lớn lao… Sách do Tạ Huyền chuyển ngữ và được Nhà xuất bản Thế giới liên kết với Nhã Nam phát hành năm 2018. Ngay bìa sách, có lời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Những ngày trong tù, Nhật ký của Anne Frank đã khích lệ tôi rất nhiều”.

Ở tuổi 13, cuộc sống của cô bé Anne Frank bị đảo lộn bởi cuộc chạy trốn cùng gia đình trước sự truy tìm ráo riết của Đức Quốc xã trong thế chiến đệ nhị (1939-1945). “Nhà phụ bí mật” - nơi gia đình Anne ẩn náu cùng những người Do Thái chung cảnh ngộ, luôn bị vây kín bởi bóng tối và hiểm họa. Cô bé mắc kẹt ở đây như những kẻ bị cùi hủi với nỗi ám ảnh về tiếng súng vang lên giữa đêm tối; về những bữa sáng chỉ được ăn hai thìa cháo và món khoai tây ủng hết ngày này qua ngày khác. Không thể kể hết mọi đau khổ mà những con người bị tước đoạt tự do phải gánh chịu.

Bằng những lá thư ngắn viết cho Kitty (một món quà Anne nhận được trong ngày sinh nhật của mình) kể về những sinh hoạt bình dị trong căn nhà bí mật, mọi người đã sống ra sao, ăn gì và nói những gì, cuốn sách lay động tâm trí người đọc bởi những dòng tâm sự trong trẻo và can trường. Niềm khao khát về một không gian tràn trề ánh sáng, được đến trường và gặp gỡ bạn bè luôn chiếm hữu trái tim cô bé. Nhưng có lúc, Anne lại cảm như có lỗi vì bản thân mình còn hơn nhiều người bạn thân thương đang kiệt sức. Trong mắt cô bé, chuyện người Do Thái bị săn lùng chẳng khác nào chuyện săn nô lệ thời xưa, không trừ một ai, “tất cả đều bị giải đến chỗ chết”. Vượt lên tất thảy - cả những cuộc tranh cãi, bất đồng quan điểm - là bao điều tốt đẹp mà các thành viên trong không gian nhỏ hẹp, tù túng ấy dành cho nhau. Xúc động nhất là hình ảnh Anne và bố đã cặm cụi làm thơ để tặng từng người trong ngày lễ Thánh Nicholas. Cũng từ trong bốn bức tường có thể nghiền nát lòng dũng cảm của con người bất kỳ lúc nào, Anne Frank lại học được từ bố mình tinh thần lạc quan và trái tim nhân từ, biết sẻ chia trong khốn khó. Khi đồng ý để ông Dussel vào sống trong căn nhà bí mật và ở cùng phòng với mình, Anne thấy vui vì biết rằng: “Nếu như ta có thể cứu được dù chỉ một người bạn thì những chuyện còn lại chẳng đáng để so đo”.

“Tớ biết mình muốn gì, tớ có mục tiêu, ý kiến riêng, có đức tin và tình yêu. Chỉ cần được sống đúng với chính mình là tớ mãn nguyện rồi”, Anne Frank với một tâm hồn đầy khắc khoải như thế. Cô bộc bạch trong lá thư viết ngày 20-6-1942, rằng không ai có thể tin một bé con 13 tuổi lại cảm thấy cô độc trên thế giới này. Đó là cảm giác bị bủa vây bởi một nỗi trống vắng quá lớn. Chính vì vậy, Anne viết để trút hết mọi dồn nén, nhất là những khi không thể tin ai ngoài bản thân. Với một đứa trẻ trông có vẻ ồn ào ở bên ngoài nhưng tâm tư lại rơi vào vòng xoáy của hàng tá những hiểu nhầm và buồn khổ trước sự xung đột trong mối quan hệ với gia đình thì cảm giác bị bỏ rơi cũng là lẽ đương nhiên. Anne Frank quan sát, nhìn nhận từng người một trong căn nhà bí mật và luôn thất vọng trước cách cư xử của họ dành cho mình. Dần dà, cô gái bé bỏng ấy đã lựa chọn: nói với chính mình nhiều hơn nói với người khác. Thực ra, trong sâu thẳm, Anne luôn muốn xoa dịu lương tâm bằng cái ý nghĩ: “Thà viết những lời lẽ hằn học ra giấy còn hơn là để mẹ phải mang chúng trong tim”. Và cô bé nhân hậu ấy đã thật khổ sở khi phải liên tục đấu tranh để kiềm chế chính bản thân mình. Chỉ có bạn Kitty và những bức thư ngắn ngủi mỗi ngày mới là nguồn an ủi lớn lao trong cuộc đời Anne.

Nhật ký của một trái tim giàu trực cảm. Có ai ngờ đứa trẻ sống trong hoàn cảnh ấy vẫn một mực tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Câu hỏi: “Ai đã bắt chúng tớ phải chịu cảnh này, ai đã tách chúng tớ ra khỏi nhân loại?”. Bằng vào sự can đảm và mạnh mẽ đến tột cùng, Anne nghiệm ra: “Sẽ luôn có lối thoát”. Rằng người Do Thái càng chịu nhiều đau khổ, càng trở nên mạnh mẽ. Điều tuyệt vời nhất là cô bé chưa bao giờ hối hận mình là người Do Thái. “Rồi sẽ có ngày chúng tớ lại được là con người chứ không chỉ là người Do Thái”, như một bản án kết tội quân phát xít mất nhân tính.

Có lúc Anne thốt lên: “Cuộc chiến này thì ích lợi gì chứ, tại sao con người không thể chung sống hòa bình, tại sao phải gây ra những sự hủy diệt này”. Mong ước sau chiến tranh được trở thành một công dân Hà Lan vì cô yêu đất nước này. Những trang viết đan xen giữa bóng tối của vực sâu và ánh sáng của niềm hy vọng, như một sự giày vò tâm trí và trái tim con người.

Nhật ký mở đầu ngày 12-6-1942 và kết thúc ngày 1-8-1944. Có kẻ chỉ điểm nơi gia đình Frank ẩn náu cho lính Đức. Bị tống vào trại tập trung Bergen-Belsen (miền Bắc nước Đức), Anne lìa đời ở tuổi 15 bởi sự hành hạ tàn ác của Đức Quốc xã. Trước đó, cô bé đã có một mối tình trong trẻo với Peter, bạn cùng trú ẩn trong “Nhà phụ bí mật”. Hai đứa trẻ từng ngồi sát bên nhau, ngắm lũ chim bên ngoài hót véo von, những cái cây đâm chồi, mặt trời chói sáng và bầu trời xanh ngát… Vâng, “Nhật ký Anne Frank”, tiếng hát nghẹn lòng cất lên từ vực sâu!

LỮ HỒNG

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:370
Trong tuần:6522
Trong tháng:6522
Cả năm:6522
Tổng lượt xem:6522