SƯƠNG GIÓ BIÊN THÙY
SƯƠNG GIÓ BIÊN THÙY
Bỏ lại phía sau nhịp sống hối hả trong cuộc mưu sinh chốn phố thị, chúng tôi vượt con đường đèo dốc quanh co ngược lên miền Tây Bắc của Tổ quốc.
Ánh nắng sớm mai của những ngày cuối xuân mỏng mềm như tơ nõn. Cái nắng dịu nhẹ ấy không đủ xua tan sương mù dày đặc vẫn còn bao trùm lên khắp núi rừng. Sương giăng mắc mù mịt bốn bề, khiến chiếc xe ô tô chỉ dám lăn bánh chầm chậm như bò lên từng nấc một. Gần trưa, bàn tay vô hình của thiên nhiên mới vén màn sương lên cao dần, cao dần, để lộ ra trước tầm mắt lớp lớp lúa đương thì con gái mơn mởn như những dải lụa xanh nuột xếp nếp, xếp bậc trên từng thửa ruộng bậc thang vòng quanh từ thung lũng lên tận các triền đồi.
Đang chênh vênh giữa trùng điệp núi rừng, bất chợt tôi thấy trong vạt nắng non giữa lưng đèo, thấp thoáng sắc chàm thêu hoa văn thổ cẩm rực rỡ của các thiếu nữ H’Mông đi chợ Trịnh Tường trở về. Sắc màu đặc trưng ấy như điểm xuyết nổi lên giữa màu xanh thăm thẳm của đại ngàn. Ống kính của chiếc máy ảnh trên tay tôi như vướng phải bùa mê, nên cứ xoay theo hướng những thiếu nữ vai đeo lù cở trĩu nặng mà những bước chân vẫn thoăn thoắt vượt dốc. Vành váy ngang bụng chân các thiếu nữ H’Mông đung đưa nhún nhảy thế kia, hèn gì du khách miền xuôi lên đây ai cũng ngây ngất say đến lạc lối về.
Giờ này, các em đi về bản nào, mà xa ngút tầm mắt tôi chỉ thấy những chiếc cầu mây bắc ngang đèo, ngang suối. Đành phải đóng máy ảnh lại vì đoàn nhà văn đã đến điểm hẹn.
Bếp của đồn Biên phòng Trịnh Tường đỏ lửa từ lúc nào mà khi chúng tôi lên tới nơi đã thấy mâm bát các anh bày ra thịnh soạn. Đồn trưởng dáng người tầm thước đón chúng tôi bằng nụ cười thật hiền. Anh nói, những món ăn hôm nay là của “nhà trồng được”, anh em trong đồn tự biên, tự diễn. Lợn thì chăn nuôi, còn rau tự trồng để đãi khách quý đấy.
Ngồi giữa các chiến sĩ Biên phòng người Kinh có, các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Hà Nhì… có, tôi thấy ai cũng khỏe trẻ hồn nhiên và đặc biệt ít kể về mình. Tuy các anh không nói nhiều về thành tích đã đạt được, nhưng chúng tôi biết, để giữ yên vùng đất phên dậu của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đồn Biên phòng ở đây luôn là ngọn lửa không bao giờ tắt để sưởi ấm tinh thần cho dân bản sinh sống quanh địa bàn đồn quản lý. Hơn thế, mỗi khoảnh khắc trước các anh không phải không có muôn gian khổ hiểm nguy đêm ngày luôn rình rập.
Cuộc hội ngộ trôi nhanh quá, dẫu muốn được nán lại bên các anh lâu hơn nữa nhưng thời gian không cho phép. Cuộc giao lưu chia tay thật đơn giản nhưng đầm ấm vô cùng. Hệ thống âm li phát nhạc đệm thì rè rít vì sương ẩm, míc cầm tay cũng bị xịt. Chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ thay nhau hát vo. Chính trị viên đồn với đôi mắt nâu đen thăm thẳm, ánh nhìn da diết trìu mến. Anh say sưa hát, như chưa từng được hát vậy. Đáp lại, nhiều thành viên trong đoàn cũng hát như người nhập đồng.
Sau khi ra thăm hai cột mốc 94 và 95 trong cung đường đồn Trịnh Tường quản lý, các nhà văn hối hả lên xe. Khi ô tô chuẩn bị chuyển bánh, người Đồn trưởng có nụ cười thật hiền ấy đã trèo lên bậc lên xuống của cabin rút ngay chìa khóa xe đút vào túi ngực, còn anh Chính trị viên đặt tay lên bánh trước của xe. Sự níu kéo cảm động biết nhường nào, nhưng lịch trình của đoàn đã hoạch định nên không thể thay đổi được nữa. Bịn rịn, đành nói lời tạm biệt, trong ánh mắt quyến luyến giữa chủ với khách văn, cảm xúc lẫn hình ảnh ấy khiến tôi không thể nào quên.
Tạm biệt cột mốc 94, cột mốc 95! Giã biệt đồn Biên phòng Trịnh Tường, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Gió sương trộn với đất rừng bám chặt khiến chiếc ô tô mang biển số 29 của chúng tôi mờ cả màu sơn. Nhưng xe cùng người háo hức đặt chân lên Lũng Pô, lên A Mú Sung và cảm thấy vẫn sung sức để có thể đi hết dọc đường Tây Bắc, nên tất cả không chút gì tỏ ra mệt mỏi.
Càng lên cao, sương càng dày đặc, đứng cách nhau chỉ hơn một sải tay cũng khó nhận ra nhau. Sương tràn vào trong xe, sương luồn vào tận da thịt. Cảm nhận rõ nhất cái giá lạnh và ẩm ướt của những ngày cuối xuân trên vùng biên ải. Chiếc xe của chúng tôi lại như bò trên từng đoạn dốc.
Trong bảng lảng gió sương, các anh cán bộ, chiến sĩ đồn Lũng Pô dẫn chúng tôi ra ngã ba sông. Đây là nơi con sông Nguyên Giang của Trung Quốc gặp dòng suối Lũng Pô của Việt Nam. Hai dòng nước hòa với nhau chảy vào đất Việt với tên gọi sông Hồng. Đứng bên cột mốc 92 với tôi là người lính Biên phòng còn khá trẻ quê tận Thái Bình, anh lên đây làm nhiệm vụ đã ba năm. Trong tôi lại vọng lên khúc ca “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt... Ở trên anh đầu nguồn biên giới, cuối dòng sông nơi ấy quê nhà...”.
Trôi trong câu hát, đoàn tới cầu Thiên Sinh vắt ngang dòng suối Lũng Pô, xe đưa các nhà văn lên tận thôn Lao Chải, xã Y Tí. Người chiến sĩ Biên phòng đồn A Mú Sung dẫn đường, cho biết: “Theo bà con Hà Nhì kể lại, xa xưa cầu này có tên là Thiên Sân Shù, nghĩa là trời sinh ra. Trước kia, chiếc cầu chỉ là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút. Sự chuyển động địa chất từ ngàn năm trôi qua, vách đá khổng lồ nứt rộng ra tạo nên khe núi cứ sâu dần.” Nghe nói, từ lâu không còn cầu đá tự nhiên nữa, dân bản đã bắc cầu gỗ để qua lại. Hiện nay, chiếc cầu xưa cũ đã thay bằng cầu bê tông như bây giờ.
Đứng ở trên cầu nhìn xuống dưới vực sâu hun hút là dòng suối Lũng Pô chảy xiết giữa hai vách đá dựng đứng. Đêm ngày nước cuồn cuộn va vào hai bên vách đá bọt tung trắng xóa. Nước gầm gào như đàn thú hoang hung dữ. Trưởng thôn Lao Chải người Hà Nhì rủ rỉ nói rằng: Bởi dòng nước hùng vĩ không bao giờ ngừng chảy này, nên Giàng (Trời) đã đặt cho cái tên Lũng Pô, nghĩa là Rồng thiêng trên thượng nguồn nước Viêt.
Một lần nữa tôi áp ngực mình vào cột mốc 92. Không hiểu sao lúc ấy trong tôi có cảm giác rất lạ. Điều gì đó thật thiêng liêng như thể trong cột mốc địa giới có linh hồn cha ông từ cội nguồn ấm lên vậy.
Tôi nhận ra rằng, có thấm gió sương tận địa đầu đất nước, mới hiểu thế nào là ngôn ngữ của đại ngàn, lúc tĩnh tại lúc lại cồn cào. Tiếng gió lồng qua thung sâu, qua thác ghềnh sông suối, qua muôn ngàn cây đại thụ, cộng hưởng tất cả các âm thanh của núi rừng tạo thành một hợp âm hoang dại, có lúc dào dạt êm ái, có lúc gầm gào quặn thắt. Nghĩ đến những người lính Biên phòng, không ai bảo ai, lòng chúng tôi cảm thấy thanh thản lạ lùng. Tạm biệt nhé, các anh!
Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ