KẾT QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Kết quả kiểm tra
Công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới
Bài và ảnh: Hải Vân - Nguyên Hải – Việt Hà
Sáng 4-10-2024, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) Bộ Quốc phòng do Trung tướng Lê Quang Minh - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) Bộ Quốc phòng, làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác VSTBCPN và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2024 tại Binh chủng Công binh. Chiều cùng ngày, đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ), Ủy viên Thường trực Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn kiểm tra tại Tổng Công ty 319. Kết quả kiểm tra đã phản ánh sự nỗ lực, thành tích công tác VSTBCPN và bình đẳng giới của các đơn vị. Đồng thời, Đoàn cũng chỉ ra những hạn chế đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục khắc phục và phấn đấu thực hiện trong thời gian tới. Nhân dịp này, Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng đã trao quà tặng một số gia đình quân nhân, lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các đơn vị.
Công tác VSTBCPN và bình đẳng giới trong thời gian qua đã được các đơn vị triển khai nghiêm túc, toàn diện các nội dung. Ban VSTBCPN đơn vị đã quán triệt văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tham mưu đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng đơn vị các nội dung, giải pháp thực hiện công tác VSTBCPN, bình đẳng giới cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ nữ; quan tâm bổ nhiệm cán bộ nữ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn vào chức danh, lĩnh vực phù hợp; tăng cường vai trò của cán bộ nữ trong lãnh đạo, cơ cấu nữ tham gia cấp ủy các cấp. Công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị nhằm phát huy năng lực và trách nhiệm trong công tác. Tại Binh chủng Công binh, cán bộ nữ đạt 1,9% tổng số cán bộ đang công tác; tham gia cấp ủy các cấp đạt 0,28% số cán bộ nữ; giữ chức vụ lãnh đạo quản lý chiếm 0,58% cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại Tổng Công ty (TCT) 319 hiện nay chiếm 5,3% tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý nữ chiếm 34% tổng số cán bộ trong diện quy hoạch.
100% lao động nữ ở các đơn vị được bố trí việc làm ổn định, cơ bản được sắp xếp công việc phù hợp với ngành nghề chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách liên quan đến nữ quân nhân, người lao động. Nhiều đồng chí được thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn; kéo dài thời gian phục vụ để bảo đảm chính sách và thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Chính sách đào tạo nghề, BHXH, phụ cấp lương, phụ cấp đặc thù độc hại; công tác bảo hộ, an toàn lao động được quan tâm đúng mức. Chế độ tiêu chuẩn an dưỡng, bồi dưỡng được bảo đảm đầy đủ, đúng tiêu chuẩn quy định. Phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm giúp đỡ kịp thời, nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình đã phát huy tác dụng, có hiệu quả, thiết thực như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”,“Ngày tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”,“Phụ nữ làm kinh tế giỏi”,“Tiết kiệm phường họ giúp đỡ lẫn nhau”, “Nuôi heo đất”, “Thực hành tiết kiệm”...
Các đơn vị đã đẩy mạnh công tác truyền thông cho các đối tượng về kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình, tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật và quy định có liên quan. Đại đa số gia đình quân nhân, người lao động luôn gương mẫu, bảo đảm bình đẳng, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc gia đình. Tổ chức tốt nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với công tác gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, ngăn chặn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ được quan tâm, trong đó tăng cường tuyên truyền cho các đối tượng kiến thức về sức khỏe, sức khỏe sinh sản, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”,“5 có, 3 sạch”; “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng”. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và chuyên khoa cho quân nhân, người lao động nữ; 100% phụ nữ mang thai được tiêm chủng và khám thai theo quy định, không có trường hợp tai biến sản khoa và phụ nữ sinh con thứ ba trở lên. Các câu lạc bộ: Bóng chuyền hơi, bóng bàn, cầu lông, nhảy dân vũ, bơi, kéo co... được duy trì thường xuyên.
Tỷ lệ cán bộ nữ có trình độ đại học, sau đại học tương đối cao (Binh chủng Công binh: 100%; TCT 319 đạt 83,5%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được quan tâm. Số hội viên là cán bộ lãnh đạo luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công tác, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. 100% quân nhân, lao động nữ được quán triệt, học tập các nội dung giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin thời sự, các chuyên đề theo quy định gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các nội dung, chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, yên tâm công tác, yêu mến gắn bó xây dựng cơ quan, đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG và VSTBCPN cho các đối tượng được lồng ghép trong các hoạt động chung của đơn vị, sinh hoạt của tổ chức quần chúng; viết tin bài tuyên truyền phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị, in phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu… Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho quân nhân, lao động nữ về công tác VSTBCPN và bình đẳng giới. Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục, phát huy tốt vai trò của công nghệ, thông tin, kịp thời tuyên truyền lan tỏa gương, người tốt việc tốt; đấu tranh với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, biểu hiện tiêu cực, thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế ở các đơn vị cần khắc phục. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số đơn vị có số lượng phụ nữ ít có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền có thời điểm còn hạn chế; còn chậm đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động; tính thường xuyên, liên tục chưa cao.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ công tác VSTBCPN và bình đẳng giới ở các đơn vị trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra của Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng yêu cầu Đảng ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác VSTBCPN và bình đẳng giới; chú trọng triển khai các hoạt động thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch hành động VSTBCPN và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban VSTBCPN các cấp, của cấp ủy, chỉ huy và các đối tượng trong đơn vị. Thực hiện tốt Quy chế hoạt động của Ban VSTBCPN trong QĐND Việt Nam; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, chú trọng làm tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ nữ; tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ nữ vào đội ngũ cán bộ. Quan tâm tạo điều kiện để cả hai giới được tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế. Ban VSTBCPN các cấp thực hiện tốt chức năng tham mưu xây dựng các chế độ, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng đời sống, ưu tiên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; xây dựng gia đình quân nhân, lao động nữ “no ấm, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc”.