TRÁCH NHIỆM NHƯ CHỊ DUNG
TRÁCH NHIỆM NHƯ CHỊ DUNG
Sinh ra trong một gia đình công nhân, tuổi thơ của Đại úy QNCN Đào Thị Dung gắn bó với đồng cỏ, với đàn bò sữa Nông trường Ba Vì. Mảnh đất Sơn Tây vốn gắn liền với hình ảnh người lính. Mỗi lần nhìn các anh bộ đội hành quân qua nông trường, chị lại mơ ước được khoác trên mình màu xanh thân thương ấy. Thế rồi, chị được nhận vào Học viện Hậu cần công tác. Ban đầu chị làm nuôi quân, sau đó chuyển sang tổ môi trường.
Từ công việc bình dị
Dạo mới về công tác tại Học viện, tôi đã có ấn tượng về người phụ nữ nhỏ bé này. Đông qua rồi hè tới, trên con đường từ khu chung cư vào Học viện, từ sáng sớm đã thấy chị cần mẫn từng nhát chổi quét tước. Gặp chị, dù vội đến mấy, chúng tôi đều vui vẻ chào chị, cảm nhận như chị đang tiếp thêm năng lượng cho mỗi ngày mới.
Thấy đây đó còn nhiều nơi, nhiều chỗ ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, chị Dung càng thêm quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Chị hướng dẫn các bếp ăn cách phân loại rác, cách ủ phân vi sinh; lên giảng đường, chị nhắc nhở học viên bỏ rác đúng nơi quy định. Hết giờ làm việc, trước khi ra về, bao giờ chị cũng kiểm tra một lần các khu vệ sinh, khoá vòi nước, tắt điện nơi làm việc… Bởi vậy, chị luôn là người cuối cùng rời khỏi cơ quan.
Nhiều năm gắn bó với công việc, chị Dung có những kỷ niệm khó quên. Từng cùng học viên và đồng nghiệp lui tới dọc bờ sông Hồng, chị trăn trở rất nhiều về thực trạng ô nhiễm. Đôi lần chứng kiến cảnh các xe chở đầy phế thải xây dựng đổ xuống sông Hồng, sông Đuống chị thấy mình cần phải hành động để chấm dứt tình trạng đó. Chị chủ động đề nghị với chỉ huy đơn vị, cho phép được giữ gìn vệ sinh đoạn đê sông Hồng trước cổng Học viện, đây là vị trí vắng vẻ, ít cư dân nên thường bị đổ rác trộm xuống dòng sông. Xét thấy việc làm của chị có ý nghĩa, Học viện đã tạo điều kiện cho chị thực hiện. Thế là mỗi buổi sáng chị cặm cụi đạp xe đi dọc bờ đê kiểm tra, quan sát, hễ phát hiện có xe chở phế thải sắp đổ xuống sông, lập tức chị kiên quyết ngăn chặn. Chị chăm chút từng khóm cây, luống hoa dọc triền đê, trong học viện. Chúng tôi cảm nhận được tình yêu tha thiết trong công việc mà chị đang làm, tâm huyết ấy thực sự có sức lan tỏa rộng. Dường như từ những việc làm giản dị của chị Dung, mọi người trở nên yêu mái trường này hơn và có ý thức giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.
Không chỉ chu toàn việc cơ quan, ở khu dân cư, nơi gia đình chị sinh sống, chị luôn là một tấm gương về bảo vệ môi trường. Người dân khu phố đã quen với hình ảnh của chị mỗi sáng cuối tuần khi tham gia dọn vệ sinh hay vận động các gia đình phân loại rác thải, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nói về công việc, chị khiêm nhường: công việc bình dị này, giúp tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Mỗi ngày làm được một việc tốt với tôi là một ngày vui.
Giữa dòng đời lặng lẽ
Mỗi lần đi qua mái ấm của chị Dung, người ta bắt gặp chị bế cháu ngoại ầu ơ rất đỗi bình yên. Tuổi thanh xuân qua đi, chị vẫn một mình lẻ bóng. Với tấm lòng cảm thông và chia sẻ, rồi chị cũng gặp được “nửa kia” của mình. Nhưng chưa kịp làm vợ, chị đã phải làm mẹ nuôi hai đứa con chồng. Các cháu thiếu bàn tay mẹ chăm sóc từ lâu nên chị gắng bù đắp bằng tất cả tình thương yêu. Anh cũng là bộ đội, công tác tại Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. Những ngày các cháu còn nhỏ, chồng công tác xa, thực sự vất vả, nhưng hạnh phúc. Các cháu lớn lên, yêu thương nhau và biết thương yêu mọi người... Tiếp xúc với chị Dung, càng thấm thía những bài học về đức hy sinh, về tình yêu thương, lòng nhân hậu.
Hết lòng vì gia đình và công việc, Đại úy QNCN Đào Thị Dung luôn được mọi người quý mến. Như một người chị cả trong tổ môi trường, chị quan tâm tới mọi người, sẵn sàng chia sẻ với đồng chí, đồng đội. Trong tổ, đa phần chị em có con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị nhận về mình những việc nặng, đi sớm về muộn...
Công việc của chị cứ thế bình lặng trôi trong dòng chảy hối hả của cuộc sống. Chị chăm chút từng gốc cây, vạt cỏ; chị yêu từng dãy hành lang, mỗi khu giảng đường… Mỗi khi xong việc, đứng trên giảng đường, mở cửa sổ đón làn gió từ sông Hồng, sông Đuống thổi về, chị thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái…
Bài và ảnh: LÊ THỊ THANH HỒNG