GIẢNG VIÊN – NGHỆ SĨ CHÈO
Giảng viên – Nghệ sĩ Chèo
Bài và ảnh: TUỆ MINH
Đại tá, TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Chủ nhiệm Khoa Sân khấu Điện ảnh và Viết văn, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Quân đội có một giọng ca trời phú, khi cất giọng ca một đoạn chèo cổ hoặc ngâm một bài thơ, người nghe như được “rót mật ngọt” vào tai, mê mẩn từng lời, từng câu nhả chữ, từng nét luyến láy…

Chị sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ là những diễn viên đầu tiên của Đoàn Chèo tỉnh Hưng Yên. Những chuỗi ngày đứng trên sân khấu chèo, cùng đồng đội cất lời ca tiếng hát. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là nhận được tình yêu của người hâm mộ. Dễ hiểu vì sao, chị còn có biệt danh “Nga chèo”. 18 năm ở Nhà hát Chèo Quân đội, Thanh Nga luôn nhận được sự yêu mến của khán giả bởi giọng ca ngọt và kỹ thuật phát âm - nhả chữ “tròn vành - rõ tiếng”, đầy sắc thái tình cảm, vang và mượt. Nữ nghệ sĩ sở hữu hơi thở tốt, có cách vận hơi, nén hơi, điều tiết hơi... để có thể xử lý được các kỹ thuật khi hát, khi nói, khi ngâm thơ... cùng kết hợp múa và diễn chèo để thể hiện tốt cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của nhân vật trong chèo. Trong đời, chị có vinh dự được 3 lần ra Trường Sa biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Chị nhớ từng vai diễn, ấn tượng nhất là lần được gọi đóng vai Hề hoạn trong bộ ba “Bài ca giữ nước” của soạn giả Tào Mạt. Lần ấy, NSND Ngọc Viễn, người thủ vai này bị ốm đột ngột nên Thanh Nga được chỉ định thay thế. Lần đầu tiên được đóng vai Hề hoạn với tần suất xuất hiện dày đặc từ đầu đến cuối vở, nhiều lời ca, lời thoại, hành động diễn xuất, Thanh Nga cố gắng hoàn thành tốt vai diễn và nhận được nhiều lời khen ngợi. Kể từ đó, vai Hề hoạn được chị đảm nhiệm, phát huy tốt sở trường, khả năng và tài ứng biến của nữ nghệ sĩ. Đây cũng chính là cơ duyên để sau này chị đi sâu nghiên cứu về “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt. Có thể nói, với chèo, chị đã cống hiến hết mình.
Từ tình yêu nghệ thuật truyền thống, Thanh Nga tiếp tục trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong những năm hát chèo bằng cách nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình của chị được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.

Về công tác tại Trường Đại học VHNT Quân đội, chị có điều kiện truyền dạy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các lớp học viên; từ đó rút ra phương pháp nghiên cứu khoa học hiệu quả, phù hợp với chuyên ngành sở trường của mình. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Tổng Tham mưu “Đưa hát dân ca vào đào tạo thanh nhạc tại Trường Đại học VHNT Quân đội”; “Phát triển tư duy sáng tạo cho học viên ngành Nghệ thuật ở Trường Đại học VHNT Quân đội”; đề tài thực hành biểu diễn cấp cơ sở “Thanh âm thắp sáng niềm tin”… đã khẳng định sự lao động nghiêm túc của Đại tá, TS Nguyễn Thị Thanh Nga. Mỗi đề tài, chị đều có những kỷ niệm đáng nhớ. Như đề tài thực hành biểu diễn “Thanh âm thắp sáng niềm tin” thể hiện sự tri ân đến các thế hệ nghệ sĩ của Quân đội; trong đó có một nhân vật tiêu biểu trong ca khúc “Thanh xuân để lại” - liệt sĩ, nghệ sĩ Phạm Đặng Thị Toàn, cựu học viên Trường Nghệ thuật Quân đội, đã anh dũng hy sinh tại chiến trường khi đang biểu diễn phục vụ bộ đội. Noi gương liệt sĩ Toàn, chị quyết tâm hoàn thành thật tốt đề tài này, vừa chỉn chu trong từng con chữ, vừa cẩn thận trong từng tiết mục biểu diễn, để làm sao nêu bật được chủ đề chính. Những thanh âm từ trái tim, từ tiếng lòng hướng về các anh hùng, liệt sĩ, thắp lên niềm tin son sắt, cống hiến, phục vụ bộ đội và nhân dân.
Trong công tác đào tạo, chị Thanh Nga xác định quan điểm: Giảng dạy nghệ thuật đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ của học viên, sinh viên, để đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, chị luôn coi trọng sự chủ động, sáng tạo của người học, động viên, khuyến khích họ phát triển theo năng khiếu để làm sao phát huy được sở trường của mỗi người.

Đại tá, TS Nguyễn Thị Thanh Nga còn chủ động biên soạn giáo trình, tài liệu, như “Phương pháp dạy hát chèo” bậc trung cấp và bậc đại học; giáo trình “Dạy hát dân ca”; giáo trình “Kỹ thuật biểu diễn”; giáo trình “Lịch sử sân khấu” làm tài liệu cần thiết cho cán bộ, giảng viên, học viên học tập, nghiên cứu. Đó là 5 cuốn giáo trình được chắt lọc trong thời gian chị được cống hiến cho nghệ thuật chèo. Quá trình biên soạn, chị được gặp gỡ và trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Chị còn có 03 cuốn sách chuyên khảo về nghệ thuật chèo, được nhiều độc giả tìm đọc tham khảo, nghiên cứu.
Đam mê nghệ thuật, biến những kiến thức về nghệ thuật thành các con chữ, Thanh Nga còn viết khá nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài. Tiêu biểu có thể kể đến bài báo “Triết lý nhân sinh - chính trị - xã hội trong bộ ba “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt” được nhận giải thưởng của Hội đồng Lý luận Trung ương năm 2022. Chị cũng nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (2019) với đề tài “Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống của Tào Mạt trong “Bài ca giữ nước”. Thường xuyên hướng dẫn học viên, sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học viên cao học thực hiện luận văn tốt nghiệp; chị Thanh Nga còn là tổng đạo diễn, dàn dựng các chương trình nghệ thuật trong quân đội, giành nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các hội thi, liên hoan.
Đam mê nghiên cứu khoa học, đam mê hát Chèo – nguồn năng lượng tích cực ấy đã giúp Đại tá, TS Nguyễn Thị Thanh Nga tiếp tục hành trình cống hiến ý nghĩa của mình, “truyền lửa” tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ, những người kế cận của tương lai.