column_right getExtensions 1732204541-1732204541

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732204541-1732204541

NỮ PHÓ GIÁO SƯ TRẺ

NỮ PHÓ GIÁO SƯ TRẺ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:30-11-2022

NỮ PHÓ GIÁO SƯ TRẺ

Người phụ nữ quê xứ Đông, vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt tươi sáng, đôi mắt đen láy, nói chuyện thông minh, dí dỏm. Ấy là Thiếu tá PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hường, giảng viên cao cấp Bộ môn Hóa, Khoa Khoa học Cơ bản của Học viện Hậu cần. Quê chị ở Thanh Hà, Hải Dương, nơi có đặc sản vải thiều nổi tiếng khắp nước. Sinh trưởng trong một gia đình, bố từng là sĩ quan quân đội, mẹ là giáo viên văn, chị được thừa hưởng vốn tri thức cũng như tính cách từ song thân.

Thiếu tá, PGS -TS Nguyễn Thị Bích Hường

Năm 2005, tốt nghiệp đại học, chị Bích Hường không tìm việc ngay mà tiếp tục con đường học vấn. Và hai năm sau, chị bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ. Năm 2008, chị học nghiên cứu sinh tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi cơ hội nghề nghiệp đang rộng mở, năm 2011, chị Bích Hường chuyển hướng vào quân ngũ, khiến bạn bè ngạc nhiên. Ban đầu chị hưởng lương viên chức quốc phòng với chức danh giảng viên Bộ môn Hóa. Năm 2013, chị được phiên quân hàm Thượng úy. Chị nói vui, bản thân mình là sự kết hợp tính kỷ luật của người cha và nét dịu dàng của người mẹ nhà giáo. Chị vào quân đội và về Học viện Hậu cần cũng như “số mệnh” vậy. Khi biết điều này, song thân đồng tình và ủng hộ, nhưng vui nhất vẫn là người cha. Ông bảo chị, quân đội kỷ luật gò bó nhưng nhờ đó mà con người ta trưởng thành, cứng cáp hơn. Đó là trường học lớn.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) tặng bằng khen cho PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hường (2018)

Kỷ niệm đầu đời trên bục giảng ở Học viện làm chị khó quên, ấy là khi giảng viên vào lớp, trực ban hô cả lớp đứng nghiêm rồi giơ tay chào, báo cáo theo điều lệnh quân đội. Mặc dù đã đứng lớp khá nhiều ở bên ngoài nhưng chị vẫn thấy rất hồi hộp và xúc động, rồi nhanh chóng trấn tĩnh và bắt đầu bài giảng. Có lẽ do nền nếp, kỷ luật quân đội mà học viên luôn tập trung cao độ nghe giảng đã động viên chị. Phần khác nhờ giọng nói đầy truyền cảm của cô giáo trẻ nên học viên ngày càng quý mến và gắn bó với chị hơn.

Những năm 2011, 2012 là thời điểm chị Bích Hường gặp nhiều khó khăn. Vừa mới nhận công tác, khối lượng công việc nhiều, luận án còn dang dở. Con của chị đã quen với việc đến trường sớm và đón muộn nhất, nhiều khi đã hết giờ mà công việc chưa xong, chị lại phải nhờ các cô đưa cháu về nhà giúp. Ấy là chưa kể đến lúc con ốm, chồng đi công tác vắng. Mọi việc trong gia đình phần lớn chị phải cáng đáng, lo liệu. Có những lúc mệt mỏi, tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Nhưng nghĩ đến tình cảm của gia đình, người thân, của đồng đội, chị can đảm vượt lên.

Ngày 12-12-2012, chị Bích Hường bảo vệ thành công luận án “Tổng hợp, nghiên cứu cấu tạo và thăm dò hoạt tính sinh học của các phức chất Pd (II), Ni (II) với một số dẫn xuất thiosemicacbazon” ở tuổi 30 và trở thành một trong những nữ tiến sĩ trẻ nhất toàn quân. Đề tài này, chị ấp ủ từ năm thứ 3 ở trường đại học và được các thầy cô định hướng, chỉ bảo. Với những kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài, chị mong muốn có thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa về khả năng ức chế sự phát triển tế bào ung thư của một số phức chất.

Số đề tài nghiên cứu của chị ngày một dày thêm; hầu hết đều gắn với thực tiễn đời sống, sinh hoạt của bộ đội. Tiêu biểu, như: “Tổng hợp và nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và kháng nấm của phức chất neodim trên một số loại rau xanh trồng ở Học viện Hậu cần”, diệt vi khuẩn xấu hại trên rau xanh; hay “Xác định hàm lượng nitơ trong rau bằng phương pháp trắc quang”. Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu tạo mẫu vải quân trang phủ bạc kích thước nanomet có khả năng sát khuẩn”, nhằm khử các kháng khuẩn, kháng nấm ngấm vào quần áo bộ đội. Nếu không được giặt giũ thường xuyên thì các vi khuẩn, nấm xấu hại này sẽ gây bệnh ngoài da. Đề tài có ý nghĩa thiết thực đối với các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có khó khăn về nguồn nước và điều kiện sinh hoạt.

Thiếu tá TS Nguyễn Thị Bích Hường nhận quyết định Phó Giáo sư (4-2018)

Quá trình làm khoa học, chị gặp nhiều khó khăn, trước tiên là kinh phí và trang thiết bị thí nghiệm. Đã không ít lần chị phải sử dụng số tiền tiết kiệm ít ỏi của hai vợ chồng. Người bạn đời của chị cũng là giáo viên dạy hóa ở một trường THPT ở quận Ba Đình (Hà Nội), nên anh rất hiểu và cảm thông, hết lòng giúp đỡ chị. Nhiều đêm, chị trằn trọc suy tư. Sau này, Ban Giám đốc Học viện Hậu cần quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện cho chị về thời gian nghiên cứu và sử dụng phòng thí nghiệm cũng như nghiên cứu thực địa. Đó là sự giúp đỡ kịp thời, quý báu, giúp chị hoàn thành các đề tài.

Một giờ lên lớp của chị Bích Hường

Hơn 30 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và nhiều đề tài khoa học, cùng việc hướng dẫn thành công một số luận văn thạc sĩ, là một đóng góp đáng kể của một nhà khoa học nữ. Trong giảng dạy, chị Bích Hường được học viên tin yêu và dành nhiều tình cảm tốt đẹp. Mỗi đối tượng học viên, chị có phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo nên những tiết học sinh động, giàu tính ứng dụng, giúp người học vừa dễ dàng nắm bắt kiến thức, vừa nâng cao kỹ năng tự học và vận dụng vào thực tế.

Ngày 13-4-2018, chị được công nhận chức danh Phó giáo sư và trở thành người có học hàm này trẻ nhất toàn quân lúc ấy. Với sức bật và lòng đam mê nghề nghiệp, chắc chắn Thiếu tá, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hường sẽ giành được nhiều thành tựu trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

LÊ QUÝ HOÀNG

BÀI VIẾT NỔI BẬT