“BÀ ĐỠ” NHỮNG CÁNH BAY
“BÀ ĐỠ” NHỮNG CÁNH BAY
Nhà máy A42 (Quân chủng PK-KQ) có tỷ lệ nữ không nhiều nhưng chị em có mặt ở hầu hết các phòng ban và 10 phân xưởng, bao gồm cả các phân xưởng chuyên về sửa chữa kỹ thuật - vốn chỉ dành cho nam giới. Để có những chuyến bay an toàn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở các trung đoàn không quân, luôn có phần đóng góp thầm lặng của đội ngũ thợ máy, nhân viên kỹ thuật, trong đó có cả phụ nữ. Họ lặng thầm, từng ngày nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị.
Được ví như “Khoa nội trú” ở bệnh viện, Nhà máy A42 là nơi máy bay đến hạn “khám tổng quát” định kỳ và sửa chữa các hỏng hóc bất thường xảy ra trong huấn luyện. Là nữ duy nhất ở Phân xưởng 1, công nhân quốc phòng (CNQP) Trần Thị Sen luôn luôn nỗ lực phấn đấu hòa nhập cũng như bắt kịp tiến độ của toàn phân xưởng. Vừa là thợ sửa chữa, vừa là nhân viên may tấm nệm của phân xưởng nên chị Sen tham gia vào hầu hết các công đoạn cũng như quy trình sửa chữa, cả nội trường và ngoại trường, từ khi tiếp nhận đến lúc bàn giao máy bay cho đơn vị.
Ngày mới về Phân xưởng, công việc không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần cả sự dẻo dai và lòng yêu nghề, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ không phải là điều dễ dàng, nên chị Sen có phần bỡ ngỡ. Thời tiết nóng bức hay leo trèo trên thang giá với phụ nữ đều khá nguy hiểm. Song, chị luôn cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc, bàn giao máy bay đã sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời cho đơn vị.
Thấm thoắt, chị Sen đã làm việc tại A42 được 07 năm. Với chị, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2, đồng đội như người nhà thân thiết. Thường được các anh em hỗ trợ những việc nặng, nên chị cũng quan tâm giúp họ theo cách riêng. Có lần đang làm việc, tay áo của một đồng đội bị rách do móc phải vật nhọn, chị Sen nhanh chóng khâu lại để anh tiếp tục công việc. Người bạn đời của chị Sen cũng công tác tại Nhà máy nên anh thấu hiểu và đồng cảm với nhiệm vụ của vợ. Hỗ trợ, chia sẻ với nhau công việc gia đình, bởi thế, khi một trong hai người phải tăng ca cũng thuận lợi hơn.
Quy tắc làm việc ở Nhà máy A42 là không được phép để xảy ra sai sót, vì thế sự tỉ mỉ, chính xác luôn được đặt lên hàng đầu. Ấy là lợi thế của phụ nữ, nhưng với chị Sen đó còn là tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của người lính thợ. Chị kể, lắm lúc lắp ráp lên rồi vẫn phát hiện trục trặc, trong khi thời gian xuất xưởng cận kề, thế là phải làm việc đến đêm, bằng xong mới nghỉ.
Công đoạn dán panel cho các bộ phận của máy bay có lẽ là nhẹ nhàng nhất trong những việc mà chị Sen đảm nhiệm. Nhưng không vì thế mà chị lơ là, chủ quan. Bởi nếu không cẩn thận miếng dán sẽ nhanh bong tróc, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình vận hành của máy bay. Tiếp xúc hàng ngày với keo dán chuyên dụng, đôi bàn tay của chị Sen đã trở nên khô ráp. Nhưng điếu đó không làm chị băn khoăn, vì với chị, được làm việc, được cống hiến cho nhà máy, đó là điều may mắn, nhất là được cùng đồng nghiệp góp phần nâng những cánh bay.
Có chút tay nghề may, chị Sen được phân công thêm việc may tấm nệm cho máy bay. Công việc vừa phát huy được sở trường may khéo léo, vừa được thử nghiệm với một loại chất liệu khác với những gì chị đã làm trước đây. Tận tâm và lặng thầm cống hiến, đó là những phẩm chất đáng quý ở người nữ kỹ thuật viên này. Với chị, công việc không đơn thuần là nhiệm vụ được giao, mà đã trở thành tình yêu. Chị tâm sự, mỗi khi ngắm máy bay trên bầu trời, trong lòng càng dâng lên cảm xúc tự hào, càng thêm quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề nghiệp đã lựa chọn.
Nghề nào cũng có những đặc thù riêng, nhưng mỗi kỹ thuật viên, mỗi người lính thợ của “bệnh viện đa khoa” A42 được coi như các “bác sĩ”, hay “điều dưỡng viên” cẩn trọng, hết mình trong công việc. Đóng góp tuy nhỏ bé, song không thể thiếu trong phân xưởng, chị Trần Thị Sen vẫn nỗ lực từng ngày cho mỗi chuyến bay an toàn, góp phần xây dựng ngành kỹ thuật Quân chủng hiện đại.
Bài và ảnh: KHÁNH CHI