NỬA THẾ KỶ, MỘT LÁ THƯ THỜI CHIẾN
Nửa thế kỷ, một lá thư thời chiến
NGUYỄN MINH NGỌC
Đầu năm 2024, hay tin chị Võ Thị Trong, người cựu Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi vừa nhận “Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng”, đồng thời được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tặng bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, tôi chạy lên phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thăm và chúc mừng chị. Thấy chị như trẻ ra, hồ hởi. Ngồi hàn huyên, biết tôi có mối quan hệ thâm tình với nhà thơ Hoài Vũ, chị bảo sẽ cho tôi xem một món quà bất ngờ, vô giá. Chị vào buồng cầm ra một lá thư bọc kỹ, giấy đã cũ sờn, nhiều chỗ bị rách, nhưng chữ vẫn còn đọc được. Đó là bức thư đậm đà tình cảm của tác giả những bài thơ nổi tiếng đã phổ nhạc, như: “Vàm Cỏ Đông”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, “Đi trong hương tràm”… Thư đề ngày 20-3-1974, nét chữ nghiêng đều đặn. Xin được trích đoạn:
“Cô Tiệp thân mến
Trong Đại hội Anh hùng toàn Miền năm 1967, tôi có gặp cô, lúc đó là chiến sĩ thi đua trong đoàn đại biểu của Quân khu Sài Gòn. Những ngày vừa dự Đại hội, vừa ngoan cường chống lại bệnh sốt rét ở xứ Bù Đốp, cô đã tranh thủ kể cho tôi nghe về cuộc chiến đấu của cô. Và tôi, vì quá cảm kích trước câu chuyện, đã tranh thủ viết ngay một truyện ngắn lấy tên “Gái thời chiến” để ca ngợi cô…
Vậy là 7 năm đã qua, tôi vẫn chưa có dịp gặp lại cô để viết tiếp những trang đẹp nhất về cuộc đời của cô. Mới đây, tôi được tin cô đã dâng cho Tổ quốc một cánh tay, nhưng với cánh tay còn lại, cô đã làm cho lũ giặc khiếp vía…”.
Hôm đến thăm nhà mới của bác Hoài Vũ ở phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức, tôi đưa ông xem ảnh chụp lá thư thời chiến tròn 50 năm. Quá đỗi bất ngờ, ở tuổi bát thập, nhà thơ rưng rưng, xúc động cứ nắm mãi tay tôi.
Tập truyện ngắn “Gái thời chiến”, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2020, gồm 17 truyện. Tôi được nhà thơ Hoài Vũ dành tặng từ mấy năm trước. Đã ngờ ngợ, còn chưa kịp hỏi tác giả ngọn nguồn, thì được nghe nhân vật chính của truyện kể lại.
Sinh ra trong một gia đình nông dân rất nghèo ở xã Phú Mỹ Hưng, chị Võ Thị Trong, tên gọi ở nhà là Tiệp, hay Sáu Trong. 13 tuổi, chị làm Đội trưởng Đội thiếu nhi ấp Phú Hòa. Năm 1965, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, chị vào du kích ấp.
Địch đánh phá ác liệt vùng Củ Chi, hòng biến nơi đây thành vùng trắng, chúng dồn dân vào ấp chiến lược. Nhiều lần, chị Sáu Trong cùng đồng đội tham gia chống càn. Chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, 17 tuổi, Võ Thị Trong trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Là đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai (9-1967), chị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; được chụp hình lưu niệm với cô Ba Định - Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Xúc cảm mạnh mẽ về người nữ du kích trẻ tuổi mà anh dũng, nhà thơ Hoài Vũ đã viết thiên truyện “Gái thời chiến” rất sinh động và dí dỏm, lấy cuộc đời chị Sáu Trong làm nguyên mẫu, nhân vật trong truyện có tên là Thiệp.
Sau cuộc tổng công kích xuân Mậu Thân 1968, địch tăng cường bố phòng và hành quân càn quét. Vào một đêm tối trời, tổ du kích xã Phú Mỹ Hưng được phân công bám dân để hoạt động, tìm lương thực cho bộ đội và du kích. Do địch o ép ráo riết, chỉ gặp được vài người dân nên không lấy được gạo. Cả tổ phải rút, còn chị Sáu Trong ém lại. Chị bỏ lựu đạn cùng tài liệu vào thùng đạn đại liên rồi đào hố chôn giấu. Sáng hôm sau, một tiểu đoàn lính Mỹ càn vào khu vực ấy. Tụi lính tản ra đào công sự chiến đấu, bất ngờ khui trúng thùng đạn, đất hãy còn mới. Chúng lôi lên và mở ra. Bên trong có một trái lựu đạn và tài liệu, lính Mỹ tìm thấy tấm hình cô gái đứng cạnh một người phụ nữ đứng tuổi, gương mặt tròn sáng láng, vai choàng khăn rằn, dáng chỉ huy. Tụi lính địa phương xác định người trong hình là bà Nguyễn Thị Định - Phó chỉ huy Quân giải phóng miền Nam và một nữ du kích.
Địch dồn hết tất cả phụ nữ trong ấp lại để nhận diện, chúng phát hiện ra Sáu Trong chính là người đứng cạnh bà Định. Nhanh trí, chị nhận người trong hình là chị ruột, còn mình có mặt ở Lộc Hưng chỉ là tình cờ ghé qua, chứ không liên quan gì. Sau đòn khảo tra, không khai thác được gì, chúng trói chị rồi vứt lên trực thăng chở về giam tại căn cứ Đồng Dù, rồi đưa lên Trảng Bàng, sang Hậu Nghĩa…
Mặc dù bị đánh đập tàn bạo và tuy không được coi hồ sơ của mình, nhưng khi liếc nhanh thấy ngoài bìa có ghi hai chữ “Tình nghi”, Sáu Trong càng thêm kiên định, chị hiểu và cắn răng giữ trọn khí tiết. Biết dùng đòn tra không xong, chúng giở ngón tâm lý, dụ dụ dỗ. Là đảng viên nắm nhiều thông tin, Sáu Trong biết ở nhà tổ chức lo lắng biết nhường nào. Lỡ như chị không kham nổi đòn thù, mất tinh thần mà khai báo thì thiệt hại khó lường. Không đủ chứng cứ để buộc tội, địch đành phải thả chị ra. Vừa về nhà, chị liền lao vào hoạt động.
Nhờ sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm, năm 1969, chị được điều về Huyện đội Củ Chi, làm trợ lý tham mưu, nắm lực lượng du kích mật của huyện. Quá trình bám dân, chị biết rõ một số quy luật hoạt động của địch. Tại một quán ăn ở ấp Trung Hòa, tụi lính Mỹ cùng một số tên tay sai thường hay tụ tập bù khú. Sau khi điều nghiên, cấp trên quyết định cho đánh. Quả mìn tự tạo của chị khiến hơn chục tên địch phải đền mạng. Trận đánh là đòn cảnh cáo đanh thép cho nhiều tên ác ôn quanh vùng, góp phần phá thế kềm kẹp, đem lại niềm tin cho người dân. Võ Thị Trong được Huyện đội tặng bằng khen.
Đến đầu năm 1970, chị âm thầm gây dựng được một tổ du kích mật, thành viên gồm một số thanh niên tin cậy ở trong vùng. Trong năm này, chị Sáu Trong tổ chức được một số trận đánh có hiệu quả. Tiêu biểu như trận trừ khử tên Hen, kẻ chiêu hồi, chỉ điểm cho địch bắt nhiều cán bộ ta; trận diệt tên Hiếu đồn trưởng ác ôn ở đồn Hòa Phú; hay như trận trừng trị tên On, lính Phượng hoàng…
Sau ba lần bị địch bắt và tra tấn dã man, cánh tay trái của Sáu Trong bị nứt xương, chị phải buộc dây treo nơi cổ để hoạt động. Khi có cơ hội diệt ác, chị quên cả cánh tay nhức nhối đang hành hạ, vẫn nén đau để lên phương án báo cáo Huyện đội phê duyệt. Do không được chữa trị kịp thời, vết thương bị nhiễm trùng nặng, nguy hiểm. Tháng 4-1972, Huyện đội trưởng Nguyễn Văn Ga lệnh cho Sáu Trong phải xuống Bệnh viện Bình Dân (Sài Gòn) để chữa trị gấp. Nhằm che mắt địch, trong hồ sơ chị khai tên họ khác; bệnh án ghi: đi làm rẫy, bị té… Nhập viện, chị cạo đầu như sư cụ. Người trực tiếp phẫu thuật cho chị Sáu Trong là bác sĩ Lê Kính, ông hiểu hết, song giữ im lặng. Bị cắt cụt cánh tay trái, lúc tỉnh lại, chị bị choáng và sốc nặng, bước đi cà niễng vì quá đau đớn. Chưa bao giờ chị lại có những giây phút đau đớn thể xác và vật vã về tâm tư như vậy. Chị khóc và có phần bi quan khi nghĩ về tương lai của mình. Chỉ còn một cánh tay, rồi hoạt động, công tác thế nào và đời tư sẽ ra sao? Tuy nhiên, ý chí và nghị lực của người đảng viên đã giúp chị vượt lên. Và chỉ ít ngày sau, chị đã xin xuất viện, về lại Củ Chi tiếp tục hoạt động.
Năm 1973, dự lớp tập huấn quân sự của Quân khu Sài Gòn - Gia Định trở về, chị Võ Thị Trong được Huyện đội cử làm Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi. Việc đầu tiên của chị là củng cố tổ chức và thống nhất trong Ban chỉ huy, xây dựng các phương án tác chiến độc lập. Toàn đội đánh hàng chục trận, tổ chức diệt ác phá kềm, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị trên địa bàn huyện.
Đầu tháng 2-1974, Chiến đoàn 46 của địch với sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh và máy bay càn vào mấy xã vùng bắc Củ Chi để cướp lúa gạo. Tổ nữ du kích gồm bốn người, hóa trang thành nhóm đi cắt cỏ, do Đội trưởng Sáu Trong chỉ huy. Trận này, cả tổ diệt 2 tên địch, thu 1 súng và 2 Honda 67. Toàn đội được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Giữa tháng 4-1975, Trung đoàn Gia Định 2, danh hiệu là Trung đoàn Đất Thép được thành lập. Đội trưởng Võ Thị Trong cùng 11 thành viên Đội nữ du kích Củ Chi được lựa chọn biên chế vào trung đoàn này. Đơn vị có nhiệm vụ đánh chiếm Tòa hành chánh tỉnh Gia Định, đồng thời hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Thành phố được giải phóng, chị Sáu Trong thuộc biên chế Tiểu đoàn 195, Bộ Tư lệnh Thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là BTL Thành phố HCM). Về chuyện riêng, hồi chiến tranh có nhiều người ngỏ lời thương nhưng chị chưa dám gật đầu với bất kỳ ai. Ở tiểu đoàn đặc công 4 Gia Định, có anh Bùi Vân, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là người để ý chị từ lâu. Kỷ niệm nhớ nhất là khi hai người ngồi thuyền, người ngược dòng, kẻ về xuôi trên sông Sài Gòn, chỉ nhìn thoáng thấy nhau rồi bổi hổi, bồi hồi. Từ cảm mến rồi tình yêu nẩy nở không biết tự bao giờ. Có điều, chị vẫn băn khoăn, rằng mình chỉ còn một cánh tay, anh ấy trai tân lành lặn, quê mãi ngoài Bắc… Thế nên, chị sợ làm khổ người trai quê lúa, để anh ấy chịu tiếng người khỏe mạnh đi lấy vợ thương binh. Khi về quê nghỉ phép, gia đình hối thúc lấy vợ, anh Vân bảo, đã có người yêu trong Nam rồi. Rất thẳng thắn, anh thưa với song thân, con khôn lớn trưởng thành rồi, từng sống chết với mảnh đất miền Đông Nam bộ, vậy nên xin bố mẹ hãy để con tự quyết. Và anh trở lại, họ tổ chức đám cưới trong năm hòa bình đầu tiên. Ngày ấy, cả hai vợ chồng nghèo lắm, tiện tằn mà chẳng đủ ăn. Được cái, anh em đồng đội rồi bà con Củ Chi ai cũng thương, cũng quý hai người. Thương vợ, anh Vân rủ rỉ, hết chiến tranh rồi, phải ráng học thêm, em ạ.
Dẫu một nách hai đứa con thơ, chồng đang làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, nhưng chị vẫn quyết tâm học tập. Không quản ngại mưa nắng, ngày ngày chị kẽo kẹt đạp xe sang tận Thủ Đức để học Trường bổ túc văn hóa công nông II của Thành ủy. Trong vòng 4 năm, chị đã hoàn thành chương trình phổ thông trung học. Đến năm 1984, chị nghỉ mất sức…
Không chỉ đánh giặc giỏi mà nữ du kích Củ Chi còn làm lụng, vun vén khéo. Trong hoàn cảnh hết sức gieo neo, nhưng chị Sáu Trong quyết không cam chịu đói nghèo. Vay mượn đồng đội, bạn bè được ít tiền, chị mướn một khoảnh đất làm mô hình VAC. Vừa nuôi heo, chị vừa trồng rau, rồi đào ao thả cá. Ban ngày, bươn bả kiếm thức ăn cho đàn heo. Tối đến, đốt đèn một mình kiên trì đào đất, lật cỏ. Với nghị lực phi thường, chị Sáu Trong đã biến khu đất cỏ cây rậm rạp thành một trang trại nhỏ. Nhờ tháo vát, biết dành dụm và căn cơ, làm ăn có kế hoạch, kinh tế gia đình chị ngày một trở nên khấm khá. Đến khi anh Vân được nghỉ hưu, vợ chồng tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng rau, trồng cây cảnh… phát triển kinh tế gia đình. Bằng vào sức lao động của chính mình, chỉ với một cánh tay còn lại, chị Võ Thị Trong đã tạo dựng được một cơ ngơi bề thế, khang trang, khiến bao người lành lặn phải trầm trồ, thán phục; con cái trưởng thành.
Năm 1996, chị Võ Thị Trong cùng đoàn cựu nữ du kích Củ Chi được ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ. Cả đoàn vinh dự được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Người Anh cả của Quân đội ta vô cùng xúc động, đánh giá cao thành tích và chiến công của Đội nữ du kích Củ Chi anh hùng.
Hiện tại, chị Võ Thị Trong là thương binh loại A, thương tật 2/4, tỷ lệ 75%. Tuy sức khỏe giảm sút nhiều nhưng không gì cản được nhiệt huyết của chị. Tận mắt chứng kiến chị Sáu Trong ngồi gói bánh chưng, bánh tét chuẩn bị Tết mà chẳng cần ai phụ giúp, chị thao tác lẹ làng, gọn đẹp, thật kính nể. Nhiều khóa liền, chị là chi ủy viên và là tổ trưởng dân phố gương mẫu. Với tấm lòng hảo tâm, thương người như thế thương thân, từ nhiều năm nay, chị Sáu Trong hăng hái tham gia công tác xã hội và làm từ thiện. Không chỉ ủng hộ quỹ cho phường Trung Mỹ Tây và xã Phú Mỹ Hưng, năm nào chị cũng trực tiếp đi trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo học giỏi, nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho một số ch+áu nhỏ mồ côi. Chị luôn đi đầu tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, quyên góp ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Vì Trường Sa”… Được biết, mỗi năm chị dành khoảng 100 triệu đồng cho các hoạt động thiện nguyện.
Vào tuổi 75, người cựu Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi vẫn xông xáo, miệng nói tay làm, với nụ cười đôn hậu trên môi.
Ảnh: NVCC