column_right getExtensions 1714011279-1714011279

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714011279-1714011279

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH SỬA ĐỔI

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH SỬA ĐỔI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:26-01-2023

NHỮNG ĐIỂM MỚI
TRONG LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH SỬA ĐỔI

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (14-11-2022), đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 93,37% số đại biểu tán thành. Luật gồm 6 chương, 56 điều; có hiệu lực từ ngày 01-7-2023.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII thông qua lần đầu tiên ngày 21-11-2007. Luật ra đời trên cơ sở đường lối của Đảng; hiến pháp, pháp luật Nhà nước và nhu cầu phát triển của xã hội. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người…”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, mục tiêu vì con người nói chung; bảo vệ những người yếu thế trong xã hội trước áp bức, cường quyền nói riêng, luôn được Đảng ta quan tâm. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, quy định cụ thể tại điều 20, điểm 1: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Sau 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007) phát huy hiệu lực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ người yếu thế trong môi trường gia đình trước các hành vi bạo lực; góp phần làm lành mạnh, văn minh hóa mối quan hệ, xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ mới, “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, giữ vai trò tế bào, nền tảng để xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”; chăm lo ngày càng tốt hơn cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và trước sự phát triển của xã hội, luật bộc lộ một số điểm bất cập. Quốc hội khóa XIV và khóa XV đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới.

Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội; của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 5 nhóm vấn đề.

  • Hành vi bạo lực và đối tượng; bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
  • Phương pháp PCBLGĐ. Bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong PCBLGĐ đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng; sửa đổi quy định về hòa giải trong PCBLGĐ nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự; bổ sung “Đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình và quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình.
  • Biện pháp cụ thể PCBLGĐ. Bỏ điều kiện “đã được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải” trong xử lý các vụ BLGĐ; điều chỉnh độ tuổi của người có hành vi bạo lực gia đình và quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc BLGĐ; thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi BLGĐ đe dọa tính mạng của người bị BLGĐ, đơn giản hóa thủ tục; quy định về giám sát thực hiện cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" đối với người vi phạm; quy định bảo vệ người báo tin, tố giác về BLGĐ, quy định bồi thường trong trường hợp người tham gia PCBLGĐ bị thiệt hại.
  • Tổ chức lực lượng PCBLGĐ. Luật khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về PCBLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện PCBLGĐ như, quy định về nguồn tài chính PCBLGĐ, cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ; trách nhiệm phối hợp liên ngành, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người tham gia.
  • Trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về PCBLGĐ và cơ quan, tổ chức có liên quan. Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội việc thực hiện luật; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thống kê và quản lý thông tin về PCBLGĐ; Bộ Y tế bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị người bị BLGĐ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ sở giáo dục phát hiện, hỗ trợ người học bị BLGĐ; Chủ tịch UBND các cấp và Công an cấp xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp.

Luật sửa đổi lần này cần được phổ biến rộng rãi trong toàn quân và triển khai thực hiện nghiêm túc ngay khi có hiệu lực. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng các đơn vị cần triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cập nhật vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật. Các tổ chức quần chúng cần tìm hiểu, nắm chắc, đẩy mạnh công tác truyền thông về những bộ luật mới ban hành. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phổ biến, tuyên truyền và thực hiện luật. Nghiêm khắc xử lý đảng viên, cán bộ, nhân viên có hành vi BLGĐ khi bị phát hiện; kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết, hiệu quả, bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình. Động viên giữ vững phẩm chất đạo đức quân nhân cách mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm gương, tạo năng lượng tích cực và sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Pa-no truyền thông

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đáp ứng mục tiêu: bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:1464
Trong tuần:1464
Trong tháng:1464
Cả năm:1464
Tổng lượt xem:1464