NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA ĐẤT
NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA ĐẤT
Khi tôi đến, những bông hoa xương rồng vươn lên từ đất, nở ra từ cát, ngọt ngào giọt mưa Chăm Pa. Người đàn bà Ninh Thuận uyển chuyển những bước chân xoay ngược chiều kim đồng hồ.
Đã lâu lắm rồi không mưa. Những bụi cây âm thầm nghe cát bay trong gió. Và chỉ những con còng gió lăn mình trên những đồi cát trằn trọc đoán mưa rơi ở đâu, hoa nở chốn nào, và hơi thở hổn hển...
Tôi rượt sóng ngoài những bãi biển hoang sơ Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên; nghe bước chân nện đất của những người đàn bà Chăm, dãi dầu đất vào cát, dãi dầu mưa vào nắng, dãi dầu quãng đời mệt nhọc, cho nụ gốm bung nở xòe hoa trên mảnh đất mà chế độ mẫu hệ còn đầy những bí ẩn linh thiêng.
Mưa rưới những nụ xương rồng và những đọt thanh long non xanh. Tôi mê cụm tháp Hòa Lai, Po Klong Garai và Po Rome. Mưa về với đất, mưa về với cát, mưa về với những ám ảnh sáng tạo của thần Siva như muôn ngàn bông hoa thôi thúc mặt trời, thôi thúc nụ cười, thôi thúc những người đàn bà Chăm nở hoa từ đất, nở hoa từ cát, nở hoa từ những đôi bàn tay ngan ngát… phù sa từ một dòng sông châu thổ trăm năm, ngàn năm.
Cách thành phố Phan Rang khoảng 10km về phía Nam, ngay trên đường quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc ở một nơi tưởng chừng chẳng có gì đắc địa thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng nghề cổ xưa đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ từ khi ông bà PôKlông Chang đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Đặc biệt, đây là nơi lưu giữ nhiều nét đặc sắc hiếm có trong nghệ thuật làm gốm của người Chăm Pa xưa. Một làng nghề vào loại cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công mang đầy những giá trị tinh hoa của một nền văn hóa.
Không giống với nghệ thuật gốm của người Việt từ Bát Tràng hay Phù Lãng về cách làm gốm cũng như trang trí. Gốm ở nhiều nơi khác thường dùng bàn xoay để tạo hình, có thêm lớp men để phủ bên ngoài. Gốm Bàu Trúc của người Chăm chỉ dùng bàn tay khéo léo của người phụ nữ để tạo nên những hình hài mượt mà ý vị. Nét độc đáo này thể hiện cho những điều tinh tế, kỹ lưỡng chịu thương chịu khó của người phụ nữ Chăm truyền thống.
Ngắm đôi chân trần dẻo dai mềm mại xoay ngược chiều kim đồng hồ của người đàn bà Chăm, tôi liên tưởng tới những vẻ đẹp đi ngược thời gian mà gìn giữ mà bảo tồn những tinh hoa của đấng sáng tạo Siva.
Buổi mai, khi những bông xương rồng xuyên gai vào ánh mặt trời rạng rỡ, những hạt mưa vừa long lanh rơi ở đâu đây, nụ cười người đàn bà Chăm bừng sáng, đôi bàn chân mềm mại xoay vòng, xoay theo những hình hài của đất, đôi bàn tay miên man uốn lượn theo những dáng chờ dáng đợi. Tôi gọi đó là những người đàn bà của đất!
Để chọn nguyên liệu làm gốm tốt, đất sét phải được lấy từ bờ sông Quao sau đó đem về đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được sử dụng để trộn với đất sét phải tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Vì vậy, gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác biệt so với những loại gốm khác mà ta vẫn thường thấy. Quá trình vừa nặn hình vừa chỉnh nắn để tạo dáng gốm ban đầu, sau đó dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm. Tiếp theo, là dùng “vải cuộn” thấm nước quấn vào tay rồi chà láng mặt ngoài của gốm để tạo nên một sản phẩm đặc sắc nhất, ra được cái hồn của gốm nhất.