LẠC QUAN ĐỂ SỐNG
LẠC QUAN ĐỂ SỐNG
Nghị lực mạnh mẽ và tinh thần lạc quan là điều mà chúng tôi cảm nhận rất rõ khi trò chuyện cùng Thiếu tá QNCN Đinh Thị Thu Hiền, nhân viên Ban Hậu cần, Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần). Mặc dù căn bệnh nan y đã khiến chị phải trải qua 2 lần phẫu thuật, nhiều lần hóa trị... thế nhưng từ chị luôn tỏa ra một nguồn năng lượng sống tích cực khiến nhiều người nể phục.
7 năm trước, trong một lần khám sức khỏe, các bác sĩ phát hiện chị bị mắc bệnh cơ trơn, yêu cầu phải phẫu thuật. 3 năm sau, bệnh tiếp tục tái phát và đến tháng 8-2021, chuyển sang di căn tụy và ổ bụng. Theo phác đồ điều trị của bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chưa đầy nửa năm, chị trải qua 6 lần hóa trị. Hiện sức khỏe chị tương đối ổn định. Lãnh đạo, chỉ huy bệnh viện tạo điều kiện cho chị vừa đi làm, vừa điều trị.
Trong cuộc trò chuyện, chị Hiền bảo nếu cứ nghĩ mình là người bệnh thì sẽ không chiến thắng được nó đâu. Phải xác định, cơ thể con người giống như một cỗ máy, hỏng đâu sửa đấy, thì mới được.
Quả thực, nếu không được nói trước, có lẽ không ai nghĩ chị Hiền là người mang trong mình căn bệnh nan y, bởi phong cách tự tin cùng nụ cười lạc quan luôn thường trực. Chị kể về niềm vui, hạnh phúc khi Tết năm nay gia đình chính thức có tổ ấm riêng của mình. Dẫu đó chỉ là ngôi nhà cấp 4 được xây lên từ sự hỗ trợ kinh phí của người thân, bạn bè và đồng nghiệp trên mảnh đất mà chồng chị được phân đã lâu, nhưng với anh chị đó là mơ ước bao năm.
Chị nhẩm tính, vợ chồng xây dựng gia đình đã ngót 30 năm, thì cũng tới một phần ba thời gian họ xa nhau. Thiếu tá QNCN Đào Hữu Sơn (nguyên là Trợ giảng khoa Võ thuật đặc nhiệm, Học viện Biên phòng) thời điểm đó công tác tại Đồn Biên phòng Thanh Thủy (Hà Giang), trong lần về phép tình cờ gặp chị. Hai năm sau họ nên duyên vợ - chồng. Sau ngày cưới, anh lại lên biên giới, chị ở quê nhà chăm sóc bố mẹ chồng, là hậu phương vững chắc để anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Ngày ấy điện thoại di động chưa có, đường sá xa xôi cách trở, phương tiện đi lại khó khăn, chuyện vợ chồng gặp nhau thật hiếm hoi. Chẳng thế mà tới khi con trai đầu lòng Đào Hữu Tùng được 5 tháng tuổi, bố con mới biết mặt nhau. Rồi khi con gái Đào Ánh Dương chào đời cũng một tay chị lo liệu. Nhiều lúc con nhỏ, bố mẹ ốm đau, tủi thân, chị ước gì anh được về gần nhà hơn...
Đến năm 2005, anh Sơn được chuyển về Học viện Biên phòng, vợ chồng chị mới có nhiều thời gian gần nhau. Chị Hiền cũng nhiều lần thay đổi công việc, thời gian ấy, chị về Bệnh viện Quân y 105.
Cứ tưởng cuộc sống của gia đình sẽ bình lặng, êm đềm trôi. Vậy mà, sóng gió bất ngờ ập đến... Thương và lo cho sức khỏe của vợ, anh bàn với chị và xin phép bố mẹ, mượn nhà công vụ của đơn vị. Ở riêng như vậy, anh có điều kiện chăm sóc chị tốt hơn, đồng thời quãng đường chị đến cơ quan cũng ngắn hơn. Được sự yêu thương, chia sẻ của người bạn đời, cuộc sống dẫu có vất vả, khó khăn; nhưng chưa bao giờ thấy chị chán nản, buông xuôi.
Chia sẻ về bí quyết giữ được sự lạc quan và duy trì được sức khỏe hiện tại, chị Hiền mỉm cười, bảo: Người bệnh chứ tâm không bệnh. Từ khi phát hiện bệnh, chị đã tham gia nhóm dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bồi dưỡng tinh thần và tập luyện thể thao theo chế độ phù hợp. Với chị, gặp khó khăn thì phải nghĩ cách tháo gỡ, không trông chờ, ỷ lại. Phải chăng, đó cũng là một phẩm cách của người lính?
Bài và ảnh: VÂN ANH