column_right getExtensions 1734781105-1734781105

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1734781105-1734781105

MANG TÌNH YÊU ĐẾN VỚI TRƯỜNG SA

MANG TÌNH YÊU ĐẾN VỚI TRƯỜNG SA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:12-08-2024

Mang tình yêu đến với Trường Sa

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ

Những cái ôm thắm thiết, những câu chuyện thân mật của các nữ quân nhân với chiến sĩ trẻ đã tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng và cảm động trong suốt cả cả hải trình đi kiểm tra và thăm quân, dân quần đảo Trường Sa. Nhiều người trong Đoàn công tác đã rơi nước mắt khi nghe tiếng gọi thân thương: “Thủ trưởng – mẹ ơi!”…

Đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn vừa đến kiểm tra, thăm quân, dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tham gia đoàn công tác có một số nữ quân nhân đại diện các phòng, ban công tác quần chúng, hội phụ nữ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và Đoàn Văn công Quân khu 4. Sự có mặt của chị em đã mang đến rất nhiều tiếng cười, không khí vui tươi và cả những giọt nước mắt cảm động.

Đoàn công tác số 3 trên đảo Trường Sa Đông

Trên tàu Kiểm ngư KN-290 trong suốt cả hải trình đưa Đoàn công tác ra Trường Sa, các chị đều tranh thủ phụ giúp nhân viên bếp ăn của tàu những phần việc đơn giản, như nhặt rau, sắp bát đũa, dọn bàn.

“Nhìn các nhân viên khu bếp toàn là nam, làm việc thì không ngơi tay từ 3 giờ sáng đến 23 giờ khuya, mình tự thấy bản thân phải tranh thủ lên giúp các anh em để vơi bớt vất vả. Huống gì chuyện bếp núc các chị em đã vốn làm rất quen ở nhà!” - Thượng tá Hoàng Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ Lữ đoàn Pháo binh 382 (Quân khu 1) chia sẻ.

Việc phụ giúp nhà bếp cứ thế trở thành một phong trào nhỏ của các thành viên nữ trong đoàn công tác. Mỗi ngày, chẳng cần ai cắt cử, gần đến giờ cơm trưa, cơm chiều, ăn bữa tối, các chị lại cùng nhau góp mặt trên khu bếp, giúp các “anh nuôi” rồi ân cần hỏi thăm, nói chuyện, thậm chí còn hát cho các nhân viên trên tàu nghe.

Tổ công tác PNQĐ tặng quà đảo Đá Lớn B

Đến các đảo trên quần đảo Trường Sa, các chị cũng không nề hà, sẵn sàng giúp các chiến sĩ trẻ dọn vệ sinh, pha trà, mời nước các đại biểu. Ban đầu, các chiến sĩ trẻ gọi các chị là “Thủ trưởng” vì đều mang quân hàm thượng tá như: Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ Bạn đọc Thư viện Quân đội; Thượng tá Cao Thị Ngọc, cán bộ Ban Công đoàn Quốc phòng; Thượng tá Hoàng Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ Lữ đoàn Pháo binh 382… Thế nhưng khi nghe các chị nói chuyện, một số chiến sĩ thay đổi cách xưng hô, gọi bằng “mẹ” một cách rất tự nhiên.

Tại đảo Đá Lát, chúng tôi được chứng kiến Hạ sĩ Lê Hoàng Anh, sinh năm 2004, quê ở xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) sà vào lòng “mẹ Ngọc” rồi rưng rưng: “Mẹ con giống thủ trưởng lắm”. Khi nghe “thủ trưởng - mẹ” hỏi: “Con có người yêu chưa?”, Tuấn bẽn lẽn trả lời:

  • Con chưa có ạ.
    “Thủ trưởng - mẹ” Cao Thị Ngọc đáp lời ngay:
  • Thế thì làm con rể mẹ.
    Tuấn và các chiến sĩ trẻ đảo Đá Lát cùng cười sảng khoái.
Với cán bộ, chiến sĩ Đảo Tốc Tan B

Đến đảo Trường Sơn Đông, “thủ trưởng - mẹ” Nguyễn Thúy Cúc với kho tư liệu về nghiệp vụ thư viện đã tranh thủ chia sẻ giá trị của văn hóa đọc cũng như hướng dẫn cách đọc sách sao cho hiệu quả với các chiến sĩ trẻ. Những câu chuyện thú vị của chị Thúy Cúc đã làm cho nhiều chiến sĩ xúc động, xin được chụp ảnh cùng “thủ trưởng - mẹ” để gửi về gia đình. Khi chia tay, nhận bông hoa được làm từ những con ốc biển của các chiến sĩ, tôi thấy đôi mắt của “mẹ” Cúc rơm rớm lệ.

Đến đảo nào, các chị em cũng đều trao quà của phụ nữ Quân đội đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Hội Phụ nữ Chi nhánh Trường Sơn 97 (Binh đoàn 12) còn nhờ Thượng tá Phạm Anh Duy, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chi nhánh mang thư và hạt giống rau gửi tặng từng đảo. Thế nhưng theo ý kiến của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thì món quà lớn nhất, có ý nghĩa nhất chính là những tình cảm chân thành, sâu lắng của cán bộ, hội viên phụ nữ quân đội.

Các “thủ trưởng - mẹ” với “các con - chiến sĩ” đảo Đá Lớn B

Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, chính trị viên đảo Tốc Tan B xúc động nói: Những người mẹ, người vợ, người phụ nữ luôn là hậu phương, điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa yên tâm làm nhiệm vụ. Sự có mặt của các chị là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ để chúng tôi yên tâm công tác. Đặc biệt là tình cảm của các “thủ trưởng - mẹ” dành cho các chiến sĩ trẻ trên đảo không gì có thể so sánh được”.

Con ở lại mạnh giỏi nhé!

Trung tá Nguyễn Thị Hải Đường, Trợ lý phụ nữ Viện Y học cổ truyền Quân đội, cũng như tất cả các thành viên nữ trong đoàn công tác, vẫn vẹn nguyên cảm xúc sau hành trình đầy ý nghĩa trong cuộc đời quân nhân của mình. “Dù đã quay trở về cuộc sống thường nhật trên đất liền nhưng hình ảnh của những người lính can trường nơi đầu sóng ngọn gió, cùng với những cây bàng vuông khỏe khoắn, những nụ hoa phong ba tươi nở mãi thân thương, bình dị mà anh hùng ấy đã khắc ghi trong tim chúng tôi. Những câu chuyện ấy chúng tôi sẽ kể cho những ai chưa được đến Trường Sa, để tiếp tục lan tỏa công cuộc giữ gìn, khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước; để mọi người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước đều trở thành hậu phương vững chắc của biển đảo tiền tiêu, san sẻ yêu thương, hỗ trợ nguồn lực để cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung, cán bộ chiến sĩ đang công tác trên các vùng biển đảo nói riêng luôn yên tâm cố gắng, kiên cường, bản lĩnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…”.

BÀI VIẾT NỔI BẬT