TRỌN NGHĨA TRI ÂN
TRỌN NGHĨA TRI ÂN
Bài và ảnh: PHẠM THƯƠNG
Ngày 24-3-2025, tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. HCM tổ chức gặp mặt tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), các nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nữ thương binh, nữ cựu tù, nữ biệt động Sài Gòn, chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tham dự chương trình có Thượng tướng Lê Quang Minh - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc - Chính ủy Quân khu 7; Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban PNQĐ; bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Thành phố. Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; Ban liên lạc Cựu tù Chính trị và tù binh thành phố, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Thành phố. Đặc biệt, sự có mặt của 250 đại biểu là các nữ Anh hùng LLVTND, nữ thương binh, nữ biệt động Sài Gòn và nữ cựu tù tiêu biểu của Thành phố.
Đây là dịp để cán bộ, hội viên phụ nữ thể hiện sự thành kính và biết ơn đối với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Với truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Việt Nam đã anh dũng đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm. Ở chiến trường miền Nam hay hậu phương lớn miền Bắc, chị em trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất. Ở bất kỳ nơi đâu, phụ nữ đều vượt khó, chấp nhận hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cựu tù chính trị, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, cho biết: “Chúng tôi ở trong tù nghĩa là chiến đấu trong lòng kẻ thù, không một tấc sắt, chỉ có ý chí và lòng quyết tâm, căm thù giặc. Để vượt qua được gian khó, chúng tôi xác định, dành trọn niềm tin vào Đảng và cách mạng; quyết tâm giữ vững tinh thần, xác định hy sinh để bảo vệ khí tiết”.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phi Điểu được nhiều người biết đến qua hình ảnh trong những vai diễn trên phim truyền hình. Bà cũng là một cựu tù chính trị bị giam cầm khi mới 14 tuổi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà được trao trả tự do và tập kết ra Bắc. Chuyến đi tưởng chừng 2 năm đã thành 21 năm, bà trở về Nam sau ngày thống nhất đất nước. Xuất thân trong một gia đình cách mạng ở tỉnh Đồng Tháp, lúc nhỏ bà giúp cha chuyển thư liên lạc, từ đó đi vào hoạt động, làm công tác liên lạc ở Hội phụ nữ, làm mật mã… Khi được tổ chức cử sang Campuchia làm quân báo, bị địch bắt, bà khai người Campuchia đi ở đợ, nhưng bị phát hiện là người Việt và bị đưa về nhà lao Thủ Đức. Năm 1954, bà được trả tự do. Khi nghe tin Hiệp định Genève được ký kết, bà cứ nghĩ mình sẽ bị thủ tiêu, đâu dè…
*
50 năm sau ngày non sông liền một dải, những người phụ nữ anh hùng năm xưa dù mang trên mình nhiều thương tật vẫn một lòng cống hiến, miệt mài làm việc quên mình, nỗ lực xây dựng quê hương thời hậu chiến. Với họ cuộc đời chỉ đẹp và ý nghĩa nhất khi phụng sự cho đất nước.

Sau năm 1975, bà Trương Mỹ Hoa được cử đi học và giữ nhiều vị trí lãnh đạo. Cuối năm 2007, bà nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục đề xuất và thực hiện Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”. Bà vận động được nhiều mạnh thường quân hướng về biển đảo, ươm mầm tương lai cho học sinh vùng dân tộc, miền núi cho các em học sinh nghèo, hiếu học, con em chiến sĩ, biên giới, hải đảo, xây dựng trường học, nhà tình thương vùng biên giới…
Tại Liên hoan phim ngắn truyền hình năm 2023 ở TP. HCM, NSƯT Phi Điểu đoạt giải Diễn viên chính xuất sắc nhất ở tuổi 91, vai bà Ngọc trong phim “Ai giết bánh bò”. Bà cũng là Đại sứ Áo dài nhiều năm tại Lễ hội Áo dài Thành phố.
Cựu tù chính trị Phan Thị Liên chia sẻ: “Chương trình hôm nay không chỉ là dịp để chúng tôi ôn lại quá khứ mà còn nhắc nhớ về trách nhiệm tiếp nối những giá trị cao đẹp của các mẹ, các chị đã xây đắp, từ đó tiếp tục ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chăm lo, tôn vinh người có công với cách mạng. Những năm qua, TCCT đã chỉ đạo Ban PNQĐ và các tổ chức phụ nữ toàn quân triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các Bà mẹ VNAH, người có công với cách mạng, gia đình chính sách, nữ thanh niên xung phong.

Tại chương trình, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện cho các thế hệ phụ nữ Quân đội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự cảm phục, ngưỡng mộ, tự hào, trân trọng trước những hy sinh, cống hiến lớn lao của các mẹ, các cô, các chị - những người đã dệt gấm, thêu hoa vào non sông Việt Nam, tô thắm phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ trang sử vàng của dân tộc. Cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quân nguyện tiếp bước thế hệ các mẹ, các cô, các chị đi trước, tiếp tục thắp sáng khát vọng cống hiến, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội; đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ Quân đội trí tuệ - bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; phấn đấu đạt các tiêu chí “Trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái”, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN TP. HCM, khẳng định: Sự hy sinh của các mẹ, các dì tô thắm thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam; là tấm gương sáng để bao thế hệ phụ nữ noi theo. Đây là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hôm nay và mai sau, giá trị đó vẫn luôn rạng ngời.

Ban Tổ chức đã trao những phần quà ý nghĩa thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của các Bà mẹ VNAH, các nữ Anh hùng LLVTND, nữ thương binh, nữ cựu tù, nữ biệt động Sài Gòn.