column_right getExtensions 1726147284-1726147284

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1726147284-1726147284

THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI

THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-07-2024

THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI

Bài và ảnh: MINH VÂN - VIỆT TRUNG

Bình đẳng giới (BĐG) là mục tiêu của nhân loại. Tuy nhiên, muốn hành động đúng phải có nhận thức đúng. Một khâu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho thành công của mục tiêu BĐG là truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, điều chỉnh hành vi ứng xử. Năm 2024, Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) tham mưu với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc vận động sáng tác và triển lãm tranh về đề tài BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đây là hoạt động truyền thông về BĐG với hình thức mới, đầy thách thức và bất ngờ.

Trung tướng Lê Quang Minh - Phó Chủ nhiệm TCCT trao Chứng nhận giải Đặc biệt và giải A

 

Hành trình mở lối

Truyền thông về BĐG bằng tranh là một hoạt động mới mẻ trong Quân đội. Dẫu đã lường trước khó khăn nhưng khi bắt tay vào việc, Ban Tổ chức và Tổ thư ký vẫn gặp nhiều vấn đề nan giải, đắn đo. Chẳng hay, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và người thân của họ có ủng hộ không? Khả năng sáng tác của các đối tượng có bảo đảm chất lượng không? Làm thế nào để đánh giá chính xác chất lượng tác phẩm, bảo đảm tính công bằng, khách quan? Liệu rồi tranh có đạt được mục tiêu lan tỏa thông điệp cho cuộc vận động không...

Lãnh đạo Ban PNQĐ, thành viên Ban Tổ chức đã sớm hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo phát động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phổ biến, phân công cụ thể, mời gọi nhân tài tham gia sáng tác tranh.

Ban Tổ chức báo cáo kết quả tổng hợp cuộc vận động

Để đánh giá chính xác chất lượng tác phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp thì Ban Giám khảo là nhân tố hàng đầu. Ngoài các thành viên Ban PNQĐ được phân công tham gia, Ban Tổ chức đã tìm hiểu, thăm dò ở diện rộng, bàn bạc và thống nhất cao việc mời một số họa sĩ trong và ngoài Quân đội, có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng phê bình hội họa sắc sảo và tâm huyết với mảng hội họa truyền thông về BĐG. Rất may, những người được mời đều vui vẻ nhận lời và nhiệt tình tham gia.

Thời gian sáng tác và nhận tác phẩm trong 70 ngày. Cận thời điểm nộp tranh mới lác đác vài đơn vị gửi về. Sốt ruột và lo lắng, Ban Tổ chức phải liên tục đốc thúc. Nhiều đơn vị xin lùi, bởi chưa kịp lựa chọn. Trước mắt, chỉ mong số lượng tranh tham gia đủ, đúng chỉ tiêu, chứ chưa dám yêu cầu cao về chất lượng.

Rồi, hạn cuối nộp tác phẩm đã đến. Những ngày ấy, cơ quan túi bụi tiếp nhận tranh của các đơn vị. Tổ thư ký chạy chân không bén đất, điện thoại liên tục nóng ran, ngày sạc mấy lần mới trụ được. Khổ nỗi, bất ngờ cơ quan mất điện, không sử dụng được thang máy. Các cháu công vụ giúp mang tranh lên tầng bốn, mướt cả mồ hôi. Chị em các nơi đến phải leo thang bộ, đưa tranh vào phòng rồi, cứ ngồi thở không ra hơi. Ban Tổ chức mừng lắm nhưng vẫn còn đó nỗi lo về chất lượng. Tổ thư ký làm xuyên đêm để chụp ảnh 700 tranh, đăng ký hồ sơ và gắn mã số cho từng tác phẩm... Vậy mà cũng không tránh khỏi nhầm lẫn một vài trường hợp, nhưng may là kịp phát hiện và chỉnh sửa được, không ảnh hưởng đến kết quả chung. Để bảo đảm tính nghiêm túc và tôn trọng quyền tác giả, Hội đồng nghệ thuật phải dùng phần mềm kỹ thuật qua Internet, phát hiện dấu vết sao chép, vi phạm bản quyền đối với từng tranh trước khi quyết định tác phẩm vào chung khảo. Bao gian nan tạm lắng, sự hồi hộp nén lại để chờ đợi “phán quyết” cuối cùng.

 

Vỡ òa niềm vui

Sau gần 70 ngày âu lo và căng thẳng, gương mặt của các thành viên Ban Tổ chức giãn dần sau lượt nộp tác phẩm cuối cùng. Theo báo cáo, có hơn 3.000 tác giả với gần 4.000 bức tranh tham gia. Các đơn vị cấp cơ sở và trên trực tiếp cơ sở đã gửi 1.950 tác phẩm lên cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương (QUTW), Bộ Quốc phòng (BQP).

Sau lựa chọn, có 700 tác phẩm được gửi về Ban Tổ chức cấp toàn quân. Có những con số khiến thành viên Ban Tổ chức và Tổ thư ký rất xúc động. Trong số các tác phẩm nhận được, có 321 tác giả dưới 18 tuổi; 379 tác giả từ 18 tuổi trở lên; 683 tác giả trong Quân đội, 17 tác giả dân sự. Có tình huống Trưởng ban Tổ chức quyết định chấp nhận “cho được vi phạm quy chế”. Theo đó, mỗi đơn vị trực thuộc QUTW - BQP được gửi từ 5-15 tác phẩm, nhưng một số đầu mối thấy nhiều tranh có chất lượng, nên phải gửi quá số lượng, để “nhờ chọn giúp”. Có trường hợp tác giả vượt khung, Ban Tổ chức phải họp, thống nhất châm chước vì căn cứ vào chất lượng tác phẩm như Thượng tá QNCN Ngô Đức Chung (Quân đoàn 4) dự thi 7 tranh cổ động. Đặc biệt, có những tác giả nhí (6 tuổi) nhưng đã bộc lộ năng khiếu qua tác phẩm của mình; nhỏ tuổi nhất là cháu Mai Bảo Ngọc (Quân khu 7, sinh tháng 12-2018). Ban Tổ chức xúc động khi nhận tác phẩm của Nguyễn Đình Lực thuộc Quân khu 9, thương binh hạng 3/4 trong chiến tranh biên giới Tây Nam. 72 tuổi, mất tay phải, ông vẽ bằng tay trái, nhưng vẫn dành tình cảm, tâm huyết, tham gia với tác phẩm “Phòng chống bạo lực gia đình”.

Hội đồng nghệ thuật chấm chung khảo

Niềm vui được nhân lên gấp bội khi Ban Giám khảo đánh giá chất lượng tranh. Theo đó, đa số các tác phẩm đều bám sát đề tài, chủ đề cuộc vận động; thể hiện nhận thức sâu sắc và sự am hiểu về BĐG, những biểu hiện của BĐG và bất BĐG trong gia đình cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các tác phẩm khắc họa rõ nét việc thực hiện BĐG và những cống hiến của cả nam giới cũng như nữ giới trong các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; giáo dục đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe; thông tin, truyền thông; quân sự, quốc phòng... Không ít tác phẩm truyền tải thông điệp hàm súc, ngắn gọn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về BĐG như: “Hãy nắm tay, đừng vung tay”; “Bình đẳng - yêu thương, hậu phương vững chắc”, “Bình đẳng giới - Gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh, thế giới hòa bình, phát triển bền vững”, “Phá vỡ định kiến giới ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay”...

Hai tác phẩm giành giải Đặc biệt ở 2 lứa tuổi

Nhiều tác phẩm truyền cảm hứng tích cực về những việc làm tốt, cách làm hay, hình ảnh đẹp về BĐG, về sự yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội; khắc họa nổi bật hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với những đóng góp tích cực trong thực hiện BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

Bao nhọc nhằn, hồi hộp và lo lắng trong hơn hai tháng trời phút chốc tan biến. Tiếng reo, thành công, thành công rồi!

 

Những thông điệp nhân văn

Hội họa là một loại hình nghệ thuật đề cao tính sáng tạo, mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn riêng của tác giả. Đa dạng, phong phú về biểu đạt, thể loại và chất liệu sáng tác; bố cục chặt chẽ, hợp lý; màu sắc hài hòa, hấp dẫn, chứa đựng nhiều cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp, đó là những nhận xét của Hội đồng nghệ thuật với hầu hết các tác phẩm dự thi. Khá nhiều tác phẩm chất lượng tốt, có ý tưởng độc đáo qua việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật, cách bố cục, đường nét, hình khối, sắc màu riêng biệt, tính biểu tượng..., khiến người xem xúc động. Một số tác phẩm tạo ấn tượng từ sự tương phản, sự đối lập sáng - tối; vui - buồn; hạnh phúc - đau khổ; nên - không nên... để dẫn dắt, thúc đẩy người xem vươn tới ánh sáng, nhân ái, vun đắp cuộc sống tốt đẹp hơn. Có tác phẩm mượn hình ảnh ngụ ngôn đầy ẩn dụ về thiện - ác khiến người xem trăn trở về đối tượng gây bạo lực và nạn nhân của bạo lực gia đình. Đáng nói là chất liệu sử dụng phong phú: giấy màu, giấy báo cũ, hạt gạo, cúc áo, vỏ trứng vụn, hạt vòng, lá cây khô, hoa khô, than đá, tre, gỗ, vải vụn, giấy màu, đất nặn… để sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo.

Những bức tranh sử dụng chất liệu độc đáo tạo điểm nhấn tại triển lãm

Tham gia cuộc vận động, các tác giả đã mang đến cho người xem những thông điệp hết sức rõ ràng: Nâng cao nhận thức để “Phá vỡ định kiến giới ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay”. Chấm dứt hành động bạo lực “SOS - Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”; “Hãy dừng lại - Vì hạnh phúc gia đình”. Yêu thương để mang đến cuộc sống tràn đầy “Hy vọng”; “Hạnh phúc bền lâu”; “Hạnh phúc sau giờ tan ca”...

Mỗi tác phẩm như một lời cảnh tỉnh về nhận thức và hành động, đồng thời là sự phê phán nghiêm khắc đối với hành vi phân biệt giới, kỳ thị và bạo lực trong cuộc sống; là cánh cửa dẫn dắt con người hướng thiện, đến với tương lai xán lạn, tươi đẹp nhờ tình yêu thương.

 

Chung sức, đồng lòng, thành công

Cuộc vận động sáng tác và triển lãm tranh được tổ chức triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực và tạo sự lan tỏa sâu rộng trong và ngoài Quân đội, vượt lên sự kỳ vọng của Ban Tổ chức. Có được thành công đó trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); sự phối hợp đầy trách nhiệm của Bảo tàng Lịch sự Quân sự (LSQS) Việt Nam; sự chặt chẽ của Ban VSTBCPN, cơ quan chính trị các đơn vị trực thuộc QUTW, BQP; các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), TCCT; sự tham gia nhiệt tình của các tác giả ở mọi lứa tuổi.

Nhiều đơn vị đã triển khai rộng khắp và quan tâm khuyến khích các đối tượng tham gia. Tiêu biểu như: BTTM, TCCT, Tổng cục Hậu cần; các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Quân đoàn 4, Binh chủng Thông tin liên lạc, Trường Sĩ quan Chính trị, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Đông Bắc...

Hội đồng nghệ thuật (Ban Giám khảo) với 7 thành viên, trong đó có 4 họa sĩ chuyên nghiệp trong và ngoài Quân đội, lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) đã làm việc hết sức nghiêm túc, công tâm, khách quan, trung thực, chính xác. Qua ba vòng thẩm định, đánh giá (sơ loại, sơ khảo, chung khảo), Hội đồng thực hiện tốt nhiệm vụ “cầm cân, nảy mực”. Dù mỗi một thành viên có những chủ kiến riêng, nhưng cuối cùng đều thống nhất khi bỏ phiếu đánh giá tác phẩm.

Thủ trưởng TCCT và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Từ kết quả chấm chọn của Hội đồng nghệ thuật, Ban Tổ chức cho đăng tải 115 tác phẩm tranh tiêu biểu trên nhóm Facebook HOA XƯƠNG RỒNG và Trang Thông tin điện tử Phụ nữ Quân đội để lựa chọn 2 tác phẩm được yêu thích nhất theo 2 độ tuổi (từ 18 tuổi trở lên và dưới 18 tuổi). Sau 6 ngày tổ chức bình chọn, các số liệu của trang có sự tăng vọt. Số lượng thành viên: 16.487 (tăng gần 2.000 thành viên); số lượt bình luận: 7.998 (tăng 38 lần); số lượt bày tỏ cảm xúc: 26.825 (tăng gấp 6 lần); số lượt tương tác: 5.373 (tăng 12 lần).

Sau tổng kết, trao giải, Ban Tổ chức chọn 115 tác phẩm xuất sắc trưng bày tại Phòng trưng bày triển lãm, Bảo tàng LSQSVN từ ngày 04-6 đến hết ngày 20-6-2024 và triển lãm online trên Trang Thông tin điện tử PNQĐ và nhóm Hoa Xương Rồng. Thủ trưởng Ban VSTBCPN Bộ Quốc phòng khen thưởng: 02 giải Đặc biệt; 04 giải A; 06 giải B; 08 giải C; 10 giải Khuyến khích; 15 tác phẩm được giải theo chuyên đề và Chứng nhận 71 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Đồng thời, khen thưởng 05 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia cuộc vận động; 03 tập thể, 07 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện.

Đặng Bảo Anh và Đặng Bảo Nam (con Trung tá Đặng Bảo Trung - Phó Trưởng phòng Thời sự, Trung tâm PTTH Quân đội) giải Đặc biệt và giải C dành cho lứa tuổi dưới 18
Trung tá QNCN Nguyễn Thị Thúy Hằng (Nhân viên Xí nghiệp 5, Nhà máy Z113, Tổng cục CNQP), giải C với “Phá vỡ rào cản giới, xây dựng tương lai”
Cháu Hà Trâm Anh (con Trung tá Hà Xuân Nam - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bố Trạch, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) lưu bút, nhận giải A với “Vì hạnh phúc của mỗi gia đình”

Đây là phương thức truyền thông mới, đầy sáng tạo của Ban VSTBCPN BQP lần đầu tiên được vận dụng và thành công ngoài mong đợi. Bằng ngôn ngữ hội họa hàm súc, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm đồ họa trong sáng tác, in ấn, các tác giả dự thi đã mang tới nguồn tư liệu tranh cổ động dồi dào, chất lượng tốt, phục vụ lâu dài cho các hoạt động truyền thông về BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong Quân đội. Cuộc vận động để lại nhiều bài học về công tác tổ chức; nhiều ấn tượng, thiết thực, tăng cường công tác giáo dục, truyền thông... góp phần xây đắp gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, xây dựng cơ quan, đơn vị dân chủ, đoàn kết, thống nhất và cộng đồng không bạo lực, bình đẳng, văn minh, an toàn, nhân ái.

Phụ nữ các đơn vị tham quan các tác phẩm trưng bày

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:4327
Trong tuần:13629
Trong tháng:41163
Cả năm:1751594
Tổng lượt xem:6062032