ĐỂ LUẬT ĐI VÀO CUỘC SỐNG
ĐỂ LUẬT ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Gia đình luôn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, trao truyền các giá trị văn hóa, ứng xử và cũng là nền tảng cho mỗi thành viên. Đây không chỉ là nơi đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước mà còn là môi trường kết nối các thế hệ, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực, vun đắp cho khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) khá nhức nhối, nan giải. Điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, công bố năm 2020 thì có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra); có 90,4% người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục, không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm báo công an. Kết quả cho thấy, năm 2019, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và giới thực hiện năm 2019 chỉ ra 69% trẻ em đã từng bị bố mẹ đánh, đấm, đạp, tát…; có 31,6% phụ huynh thừa nhận phạt con bằng bạo lực. Trẻ em cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục; chiếm tỷ lệ 21,3% bị chính người thân xâm hại. Các hành vi bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%; “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5% bên cạnh các hành vi bị ép buộc lao động, bị tranh giành tài sản thừa kế, bị đập phá tài sản, tịch thu tiền; bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt.
Từ 2008 - 2018, Tòa án các cấp đã thụ lý sơ thẩm 1.422.067 đơn ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, chiếm tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang giải quyết. Trong số những vụ ly hôn kể trên, có 1.060.767 vụ do bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình (76,6%).
BLGĐ có xu hướng trầm trọng và phức tạp hơn, để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, gây thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết triệt để, sẽ làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trở thành rào cản đối với tiến trình phát triển của đất nước.
Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngày 14-11-2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua Luật phòng chống BLGĐ, hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2023. Để nhanh chóng đưa Luật đi vào cuộc sống, xin đề xuất một số giải pháp:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, sự chủ động của toàn xã hội trong phòng, chống BLGĐ. Phát huy vai trò, hiệu quả của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trong tuyên truyền; đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
- Lồng ghép triển khai phòng, chống BLGĐ trong xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Ngày Gia đình Việt Nam; Ngày Quốc tế Hạnh phúc… phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của đơn vị.
- Quan tâm, hỗ trợ, thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định; nhất là các chính sách về tiền lương, nghỉ phép, trợ cấp; chính sách về nhà ở, đất ở, xây dựng nhà công vụ… Chia sẻ, động viên kịp thời quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo tại cơ quan, đơn vị, để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Phối hợp kiểm tra, nắm tình hình, phát hiện, đề xuất, xử lý kịp thời các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về BLGĐ, xâm hại trẻ em... Thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, điển hình tiên tiến, gia đình quân nhân tiêu biểu trong công tác gia đình, phòng chống BLGĐ; thực hiện xây dựng gia đình quân nhân “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Đưa luật vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong giai đoạn mới.
Thiếu tá QNCN PHẠM THỊ LỆ GIANG
Ban Phụ nữ Quân đội