CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ TRONG QUÂN ĐỘI SỐ 4-2022
Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong Quân đội
SỐ 4-2022
1. Hỏi: Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)?
Trả lời:
Căn cứ Điều 58 Luật Việc làm, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTH là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.
- Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN.
2. Hỏi: Người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHTN nhưng không phải tham gia BHTN trong những khoảng thời gian nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này.
3. Hỏi: Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có được tham gia BHYT không?
Trả lời:
Điều 51 Luật Việc làm 2013 quy định: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
Đồng thời, tại điểm d khoản 2 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHYT, thuộc nhóm do tổ chức BHXH đóng.
Theo quy định trên, người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHYT.
4. Hỏi: Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, có tham gia BHTN đủ 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp này có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Trả lời:
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Điều 49 Luật Việc làm quy định: Người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện về chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian đóng BHTN trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định và không thuộc các trường hợp được nêu tại khoản 4 Điều 46 (trong đó có trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự).
Như vậy, người lao động đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia BHTN trước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không thuộc trường hợp được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
5. Hỏi: Quy định đáng lưu ý về mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động từ 01-10-2022?
Trả lời:
Ngày 24-9-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN. Đối tượng được giảm 1% mức đóng BHTN (từ ngày 01-10-2021 đến ngày 30-9-2022) là người sử dụng lao động đang tham gia BHTN trước ngày 01-10-2021.
Như vậy, từ ngày 01-10-2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng BHTN. Mức đóng BHTN sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN.
6. Hỏi: Quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật KCB trong Quân đội như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Thông tư số 46/2016/TT-BQP ngày 01-4-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật KCB; đăng ký và chuyển tuyến KCB đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý (Thông tư số 46/2016/TT-BQP); hệ thống cơ sở KCB thuộc Bộ Quốc phòng quản lý được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật, đồng thời cũng là tuyến KCB BHYT, gồm:
- Tuyến 1 tương đương cơ sở KCB tuyến trung ương, là các Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng gồm: BVTƯQĐ 108, BVQY 175, VYHCTQĐ, BVQY 103, BV Bỏng Lê Hữu Trác.
- Tuyến 2 tương đương cơ sở KCB tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Bệnh viện hạng I trực thuộc TCHC: BVQY 354, BVQY 105, BVQY 87.
- Bệnh viện hạng I trực thuộc Cục Quân y: Viện YHPX&UBQĐ.
- Bệnh viện hạng I trực thuộc các quân khu, quân đoàn: BVQY 110/QK1, BVQY 109/QK2, BVQY 7/QK3, BVQY 4/QK4, BVQY 17/QK5, BVQY 7A/QK7, BVQY 121/QK9, BVQY 211/QĐ3.
- Bệnh viện QY hạng II; Bệnh viện quân - dân y hạng II.
- Tuyến 3 tương đương cơ sở KCB tuyến huyện:
- Bệnh xá quân y; bệnh xá quân - dân y.
- Đội Điều trị.
- BVQY và bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa xếp hạng.
- Cơ sở 2 của bệnh viện thuộc tuyến 2 không nằm trên cùng địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Phòng khám đa khoa thuộc các cơ sở y học dự phòng Quân đội hạng I, hạng II.
- Phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; khoa đa khoa trực thuộc các bệnh viện hoặc trực thuộc cấp quân khu và tương đương.
- Trung tâm y tế quân - dân y.
- Bệnh xá Ban Cơ yếu Chính phủ.
- Tuyến 4 tương đương cơ sở KCB tuyến xã, phường, thị trấn
- Quân y đơn vị cấp tiểu đoàn.
- Quân y các đơn vị tương tương cấp tiểu đoàn có bố trí bác sĩ, y sĩ, gồm: Đại đội độc lập, đồn biên phòng, đảo không có bệnh xá, kho, trạm, trận địa, nhà giàn DK...
- Quân y cơ quan cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng; quân y cơ quan trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; quân y hiệu bộ các học viện, nhà trường; quân y nhà máy, xí nghiệp quốc phòng...
- Tổ quân y có giường lưu.
- Trạm y tế quân - dân y; phòng khám quân - dân y.
7. Hỏi: Trường hợp quân nhân đăng ký KCB ban đầu ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng có nguyện vọng khám ngoại trú ở Bệnh viện Quân y 105, Tổng cục Hậu cần và không có giấy chuyển tuyến, như vậy có được BHYT thanh toán không và để được thanh toán cần những thủ tục gì?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư số 46/2016/TT-BQP, Bệnh viện Quân y 105, Tổng cục Hậu cần là bệnh viện hạng 1, tuyến tỉnh nên quỹ BHYT không chi trả chi phí khám ngoại trú trái tuyến. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 19 Thông tư số 46/2016/TT-BQP, trường hợp quân nhân đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở quân y KCB BHYT được đến KCB tại bất kỳ cơ sở KCB của Quân đội cùng tuyến hoặc tuyến dưới, nếu kèm theo giấy giới thiệu của đơn vị được xác định là đúng tuyến.
Để được quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, quân nhân cần xuất trình:
- Thẻ BHYT;
- Giấy tờ tùy thân có ảnh;
- Giấy giới thiệu của đơn vị.
8. Hỏi: Quân nhân đi KCB theo yêu cầu có được quỹ KCB chi trả chi phí KCB không và được chi trả như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01-9-2015 của Chính phủ quy định, quân nhân KCB theo yêu cầu hoặc sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế xã hội hóa tại các cơ sở KCB thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định; phần chi phí KCB theo yêu cầu còn lại do quân nhân tự thanh toán với cơ sở KCB.
9. Hỏi: Trường hợp quân nhân học tập hoặc công tác tại nước ngoài từ 01 đến 03 tháng hay thời gian dài hơn có phải đóng BHYT trong thời gian đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư Liên tịch số 85/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 20-6-2016, hướng dẫn thực hiện BHYT đối với quân nhân và người làm công tác cơ yếu của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính; đối tượng là quân nhân khi được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại của cơ quan, tổ chức cử đi./.