CHIM KƠTIA BAY TỚI…
CHIM KƠTIA BAY TỚI…
Trước khi trở thành một nhạc sĩ có tên tuổi trong làng âm nhạc nước nhà, Tố Hải đã từng là một người lính thực thụ. Điều này để lại dấu ấn khá sâu đậm trong hầu hết các sáng tác của ông.
Cùng sinh hoạt trong Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, sau chia tách là tỉnh Khánh Hòa, ông dành cho tôi nhiều cảm mến. Tố Hải kể mình tuổi Bính Tý (1936), ông được sinh ra ở làng Hòa Đa, xã Phan Rí Thành, thuộc Bắc Bình - một huyện anh hùng của tỉnh Bình Thuận. Vùng đất ấy là nơi bảo lưu dòng văn hóa Chămpa đặc sắc, có chợ Lầu nức tiếng gần xa…
Từ nhỏ, được giác ngộ, chàng thiếu niên đã tham gia hoạt động cho chính quyền cách mạng. Năm 17 tuổi, một lần thấy Trung đoàn 812 (Liên khu 5) hành quân ngang qua làng mình, Tố Hải liền trốn nhà theo đơn vị. Nhờ linh lợi, anh được cử làm liên lạc viên của trung đoàn. Chính trong thời gian này, một cơ duyên bất ngờ đã đưa Tố Hải đến với âm nhạc. Thấy chàng lính trẻ mê ca hát, bên cạnh nhiệm vụ thường nhật, chỉ huy đơn vị còn phân công thêm việc kẻ nhạc, chép nhạc, để phổ biến các bài hát. Phát hiện ra Tố Hải có chút năng khiếu, bấy giờ Đại đội trưởng Lê Minh Hoài đã để tâm kèm cặp và chỉ vẽ cho người lính thuộc quyền những nốt nhạc đầu tiên. Được sống trong môi trường quân ngũ, chàng trai quê Bắc Bình càng nhen lên trong tâm hồn ngọn lửa đam mê và hy vọng có ngày ước mơ sẽ thành hiện thực.
Cuối năm 1954, Tố Hải cùng đồng đội tập kết ra miền Bắc. Mới đầu đóng quân ở Thanh Hóa, sau lại chuyển vào Nghệ An, rồi trở ra Thái Bình… ở đâu, anh cũng mầy mò tự học nhạc. Dẫu học hành theo lối “du kích” không có bài bản, nhưng tình yêu âm nhạc vô bờ bến, cộng thêm sự tự tin của tuổi trẻ, giúp Tố Hải có những bước tiến khá nhanh. Tuy nhiên, lúc này đất nước vẫn tạm chia làm hai miền. Đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, dựng lên chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, đặc biệt là sau cao trào Đồng khởi 1960, cách mạng miền Nam có bước chuyển cực kỳ quan trọng.
Tố Hải sớm có mặt trong đội hình những người lính vượt Trường Sơn trở về Nam chiến đấu. Ngay những năm đầu thập niên 60 (thế kỷ XX), Đoàn văn công Quân giải phóng Khu 5 được thành lập. Tố Hải là thành viên chính thức của những người lính xung kích trên mặt trận văn nghệ. Bất chấp bom đạn ác liệt của kẻ thù, bất chấp đói khát và những cơn sốt rét dày vò, lời ca tiếng hát của đội quân nghệ thuật trên dải đất Khu 5 dằng dặc vẫn không ngừng vút lên bay bổng.
Trong thời kỳ đen tối, miền Trung Trung Bộ là một trong những chiến trường gian khổ và hết sức khốc liệt. Bấy giờ, phong trào cách mạng ở Quảng Nam bị Mỹ - Diệm đàn áp vô cùng tàn bạo. Nhưng không gì có thể cản ngăn được tấm lòng kiên trung của người dân hướng về Đảng, về cách mạng. Trong một lần đi chiến dịch về đồng bằng, Tố Hải được biết câu chuyện của Trần Thị Vân, quê ở Gò Nổi (Điện Bàn) bị địch bắt và đánh đập hết sức dã man, chết đi sống lại bao lần, nhưng chị vẫn kiên trung bảo vệ cơ sở cách mạng đến cùng. Tấm gương của người con gái Quảng Nam bất khuất trước kẻ thù, hình ảnh ấy đã ám ảnh tâm trí Tố Hải. Và khúc hát “Lời ca không tắt” đã bật lên trong một lần vượt dốc Ông Hương (1962). “Tôi nghe tiếng ca từ lòng đất nước. Tôi nghe tiếng ca từ giữa quê hương vượt trong đêm dài. Tiếng ca người con gái miền Nam. Tiếng ca người con gái Việt Nam anh hùng...”.
Tác giả đã nâng người con gái Gò Nổi, lên thành hình tượng người con gái miền Nam và cao hơn là người con gái Việt Nam, có sức lay động khôn cùng. Âm nhạc tha thiết, ca từ đẹp và sáng trong, bài hát nhanh chóng đi vào lòng người và đón nhận sự cảm tình và yêu mến của thính giả. Đặc biệt, “Lời ca không tắt” được chuyển ra miền Bắc và được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã gây xúc động mạnh. Nó giúp mọi người hiểu và cảm nhận sâu hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, đồng chí miền Nam, thôi thúc tuổi trẻ phấn đấu học tập công tác, hướng về một nửa đất nước thân yêu đang trong cảnh dầu sôi, lửa bỏng.
Đứa con tinh thần đầu lòng thật đẹp và bi tráng của Tố Hải đoạt Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội văn nghệ Giải phóng miền Nam (10-1965). Trong số 54 tác phẩm văn học, nghệ thuật, xứng đáng được nhận giải thưởng danh giá ấy có “Lời ca không tắt”. Đây là cột mốc quan trọng trên chặng đường sáng tác của nhạc sĩ - chiến sĩ. Khi bài hát đã đi vào lòng người thì Tố Hải bất ngờ được gặp nhân vật chính - chị Trần Thị Vân, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của Khu 5. Người con gái của quê hương Gò Nổi, Quảng Nam, đã nghẹn ngào ôm lấy người nhạc sĩ trẻ mà khóc vì quá đỗi xúc động.
Suốt hàng chục năm lăn lộn trên chiến trường khói lửa, Tố Hải có thêm một số ca khúc đáng chú ý, như: “Phan Hành Sơn và trận đánh”, “Bài ca trung đoàn thép”… song ông vẫn không hề lấy làm thỏa mãn. Lúc nào Tố Hải cũng cảm như người mắc nợ cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Ông bộc bạch, rằng mình “Nợ bếp nhà sàn, nợ mái nhà rông. Nợ cả tiếng chim “bắt cô trói cột”. Nợ những dòng sông khi đục, khi trong…”.
Năm 1970, Tố Hải được cử ra Bắc học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), khoa sáng tác. Đây là cơ hội để ông thỏa mãn ước mơ tiến xa và có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng. Cùng lớp có các nhạc sĩ nổi tiếng như: Xuân Hồng, Thuận Yến, Phạm Minh Tuấn… Có thầy giỏi, bạn hiền, lại được đào tạo trong môi trường chính quy, con đường sáng tác âm nhạc của Tố Hải chuyển sang một bước ngoặt mới.
Đầu năm 1975, Đoàn văn công Quân giải phóng Khu 5 có chuyến ra Hà Nội luyện tập và nghỉ ngơi, đồng thời được cấp trên bổ sung thêm lực lượng, chuẩn bị trở lại chiến trường phục vụ đồng bào và chiến sĩ. Vừa lúc nhạc sĩ Tố Hải đã hoàn thành chương trình đào tạo ở Trường Âm nhạc Việt Nam, ông nhận bằng tốt nghiệp và sẵn sàng đợi lệnh. Hằng ngày, tin tức chiến sự từ các chiến trường miền Nam liên tục dội về tựa như những cánh chim báo tin vui, khiến cho lòng người náo nức. Bạn bè, đồng nghiệp hối thúc: “Chiến dịch lớn sắp mở màn, giải phóng miền Nam đến nơi rồi. Tố Hải mau viết cái gì đi chớ!”. Tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta như dãy Trường Sơn cao chất ngất, rộng dài mênh mông. Đã đành là phải khẩn trương, song không thể vội vàng. Vậy làm cách nào để vừa thể hiện được lòng mình nhưng lại ôm chứa được một phần cái hiện thực lớn lao sinh động ấy? Câu hỏi ấy cứ xoáy mãi vào lòng người nhạc sĩ, khiến ông trăn trở không yên.
Cho đến một ngày vào giữa tháng 3-1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, trong niềm vui khôn xiết ấy, bao người xúc động đến nghẹn ngào. Ký ức chiến tranh và những kỷ niệm về Trường Sơn bỗng chốc ùa về, sống dậy, khiến cho Tố Hải ngất ngây. Một buổi sáng ở Nhổn, Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) người nhạc sĩ mặc áo lính ngồi viết liền một mạch hoàn chỉnh ca khúc “Đak Krông mùa xuân về”. Buổi chiều cùng ngày, Tố Hải hối hả đạp xe mang bản nhạc tới thẳng Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Bài hát được tiếp nhận, dàn dựng và thu âm rất nhanh. Ca sĩ Kiều Hưng là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này. Qua làn sóng điện, bài hát được chắp cánh bay xa và nhanh chóng trở thành bạn đồng hành của những người lính trên đường ra trận, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ca từ khỏe khoắn mang âm hưởng hào hùng của những bản trường ca Tây Nguyên bất khuất. Nhạc điệu dồn dập, thôi thúc và da diết.
“Chim Kơtia bay tới. Nghiêng cánh chào Đak Krông/ Pơlang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ/ Ta gọi mùa xuân tới cho tiếng ca dồn vang/ Ta gọi mùa xuân tới cho tiếng chiêng rộn ràng…”. Và thật hào hùng, đắm say: “Ánh sao của mặt đất, ánh sao của lòng ta/ Soi về bao đỉnh núi bay thẳng về phương Nam”.
Thoạt đầu mới nghe bài hát này, không ít người nghĩ ngay đến dòng sông Đak Krông nằm trên dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nhưng sinh thời, nhạc sĩ Tố Hải nhiều lần khẳng định với tôi rằng, ông không hề có ý định nhắm vào một địa danh cụ thể nào cả. “Đak Krông” trong bài hát là hình tượng một con sông lớn, “sông cách mạng” đang cuồn cuộn tuôn chảy mà không một thế lực nào có thể cản ngăn. Đó là dòng chảy của những đoàn quân đang hối hả trẩy xuôi về phương Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có lẽ vì thế mà “Đak Krông mùa xuân về” có sức hấp dẫn và cuốn hút kỳ lạ. Mỗi khi lời ca ngân lên, thính giả cứ ngỡ như đang được sống lại những tháng ngày náo nức, cả nước lên đường ra trận. Cho đến nay, đã có nhiều ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này, nhưng quả thật nếu ai chưa được một lần nghe chính tác giả trình bày thì quả là đáng tiếc. Dường như bên cạnh tài năng âm nhạc, ông còn có thêm một chất giọng bốc lửa. Nhiều lần trong các chuyến đi thực tế đến một số đơn vị quân đội, tôi chứng kiến Tố Hải ôm đàn cây guitar hát phục vụ bộ đội hải quân, hát bên trận địa pháo, hát dưới cánh bay… Bất cứ cuộc vui nào có mặt nhạc sĩ Tố Hải, mọi người đều đề nghị ông trình bày nhạc phẩm ruột “Đak Krông mùa xuân về”. Người nghe không biết chán và người hát dường như cũng không biết mệt. Vậy nhưng, hiện nay mỗi khi nhắc đến ca khúc nổi tiếng này, hay khi sử dụng, người ta thường tùy tiện gắn thêm chữ “Sông” đằng trước.
Sau ngày non sông liền một dải, Tố Hải đưa vợ con về định cư ở Nha Trang. Xứ thùy dương cát trắng đã cuốn hút tâm hồn rộng mở và trái tim đa cảm của người nhạc sĩ. Làm trợ lý văn hóa văn nghệ Ban tuyên huấn Tỉnh đội Phú Khánh (cũ), không tính toán thiệt hơn, Tố Hải mau chóng nhập cuộc. Từ phố biển thơ mộng cho đến những huyện miền núi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, hay xa xôi như Sơn Hòa, Đồng Xuân, ông đều đặt chân tới và có ngay những sáng tác mới bắt kịp hơi thở hừng hực của cuộc sống mới. Hệt như con ong cần mẫn, Tố Hải lặng lẽ góp sức mình vào sự phát triển của phong trào văn hóa văn nghệ của lực lượng vũ trang địa phương, cũng như hoạt động âm nhạc của tỉnh nhà. Đây là thời kỳ sung sức, nhạc sĩ đi nhiều, viết khỏe, cho ra đời nhiều ca khúc được đông đảo công chúng mến mộ.
Có thể nói Tố Hải là người hát tình ca không biết mỏi. Âm hưởng chủ đạo trong các sáng tác của ông là ngợi ca con người, ngợi ca cuộc sống lao động và xây dựng hòa bình của đồng bào, đồng chí. Nét nổi bật trong âm nhạc của Tố Hải là mối giao hòa khăng khít giữa thơ và nhạc. Do phổ thơ nhiều nên phần ca từ của ông thường đẹp và bay bổng. Điều này, chứng tỏ Tố Hải là một nhạc sĩ rất chịu khó đọc, chịu khó chắt chiu nuôi dưỡng từng mạch nguồn cảm xúc nho nhỏ. Đến nay, gia tài của ông đã có hàng trăm ca khúc với nhiều mảng đề tài khác nhau, trong đó có những nhạc phẩm trữ tình như “Ta còn mắc nợ Hồ Tây”, “Gửi Hà Nội nhớ”, “Gửi em Hà Nội tình yêu”…
Ngoài ra, phải nói Tố Hải là người có duyên trong việc sáng tác ca khúc truyền thống cho các đơn vị quân đội. Nhiều năm trong thập niên 80 và 90, hầu như không có đợt hội diễn nghệ thuật quần chúng nào của lực lượng vũ trang Quân khu 5, cũng như các đơn vị quân binh chủng khác đứng chân trên địa bàn tỉnh Phú Khánh, lại thiếu vắng các tiết mục sáng tác và dàn dựng của ông. Chỉ riêng ở Đoàn phòng không Khánh Hòa, nhạc sĩ Tố Hải đã có đủ một album bài hát truyền thống từ sư đoàn cho đến các trung đoàn và đơn vị trực thuộc. Cán bộ, chiến sĩ ở đây coi ông như người nhà.
Gần 30 năm quân ngũ, ông trở về cuộc sống đời thường. Năm 2012, Tố Hải được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với hai ca khúc nổi tiếng “Lời ca không tắt” và “Đak Krông mùa xuân về”. Sáng sớm ngày 5-7-2022, người nhạc sĩ chiến sĩ đã giã từ “Huyền thoại Pônaga”, ở tuổi 86, để lại niềm tiếc thương và yêu mến…!
NGUYỄN LAN CHI