TỰ Ý ĐĂNG THÔNG TIN, HÌNH ẢNH NGƯỜI KHÁC LÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ ĐÒI NỢ SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Tự ý đăng thông tin, hình ảnh người khác lên mạng xã hội để đòi nợ sẽ bị xử lý như thế nào?
Thời gian gần đây, dư luận bức xúc trước tình trạng một số tổ chức tín dụng, các app cho vay ngang nhiên đăng thông tin hình ảnh người vay, hoặc người thân của họ lên mạng xã hội để đòi nợ. Thậm chí, có người không vay nợ cũng bị những đối tượng này cắt ghép hình ảnh rồi đưa lên mạng xã hội do là "người thân" của người vay. Các đối tượng đòi nợ cho rằng, việc đưa hình ảnh lên mạng xã hội nhằm gây áp lực để người vay nhanh chóng trả nợ. Vậy, việc đưa thông tin, hình ảnh người thân của người vay nợ lên mạng xã hội có được phép không và pháp luật sẽ xử lý như thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) , cho biết, việc đưa thông tin, hình ảnh người vay nợ và người thân của họ lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.
Theo đó, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Do vậy, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc đăng hình ảnh người vay nợ lên mạng xã hội mà không được sự cho phép của họ là bất hợp pháp.
Việc chủ nợ tự ý lấy ảnh của người vay đăng lên các trang mạng xã hội nhằm ép buộc, gây áp lực cho người vay phải trả nợ đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền hình ảnh của người vay.
Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân tùy theo hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 và Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị khởi tố về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, với hình phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Ngoài ra, người vi phạm cũng có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, việc đưa hình ảnh, thông tin người vay và người thân của họ lên mạng xã hội nhằm đòi nợ là vi phạm pháp luật. Thực tế, nếu hai bên có thực hiện giao dịch vay nợ và đã đến thời hạn trả thì bên cho vay cần nhắc nhở. Nếu người vay khó khăn thì hai bên cần thỏa thuận, thương lượng để tìm được tiếng nói chung trong việc trả nợ. Nếu người vay cố tình không trả thì bên cho vay có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân để bảo vệ quyền lợi của mình.
Luật sư Đinh Đức Duy
Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)