ĐỂ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT TRỞ THÀNH CHUẨN MỰC XÃ HỘI
Để tuân thủ pháp luật trở thành chuẩn mực xã hội
Thời gian qua, Quân đội và cả hệ thống chính trị đã tham gia rất tích cực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy vậy, để thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội như yêu cầu Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện sâu sắc hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...
Bộ đội nói là dân tin, dân theo
Đồn Biên phòng Trịnh Tường quản lý và bảo vệ hơn 15km biên giới, quản lý địa bàn hai xã Trịnh Tường và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), với hơn 2.500 hộ, hơn 11.000 nhân khẩu thuộc 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là khu vực biên giới, giao thông hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào còn nhiều tập tục lạc hậu, đời sống kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì thế, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, Đồn Biên phòng Trịnh Tường còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong vùng. Bộ đội Cụ Hồ mang quân hàm xanh ngoài thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, các chế độ trong ngày, còn đảm nhiệm thêm công tác biên tập các nội dung về pháp luật, in và gấp thành tờ rơi, mang tới các phiên chợ biên giới phát cho đồng bào; thu âm các nội dung liên quan tới pháp luật bằng các thứ tiếng dân tộc Dao, Mông, Giáy, Hà Nhì... để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trịnh Tường chia sẻ, anh luôn cố gắng lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong mọi hoạt động, công tác khi có thể. Chẳng hạn, khi phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con để triển khai công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, anh đã khéo léo lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cuộc giao lưu. Nhờ vậy, anh đưa được các kiến thức về pháp luật đến với bà con, để bà con tự nhận thức làm như thế nào là đúng pháp luật. Với những cách làm rất sáng tạo, độc đáo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung tá Nguyễn Văn Thắng đã vinh dự được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương mời về Hà Nội tham dự và trực tiếp giao lưu, chia sẻ tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.
Có một điều rất đặc biệt, rất thiêng liêng nhưng đã trở thành rất quen thuộc, đó là đồng bào ta rất yêu mến, quý trọng, luôn tin tưởng nghe theo Bộ đội Cụ Hồ. Điều đặc biệt ấy đã một lần nữa được chứng minh trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 (Quân khu 3). Cuối năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm. Bấy giờ, việc vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tiêm vaccine phòng dịch rất khó khăn bởi những thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc do các đối tượng chống phá thêu dệt. Dù chính quyền, các đoàn thể và cán bộ y tế ra sức thuyết phục, rất nhiều bà con vẫn không chịu đi tiêm vaccine. Trước tình hình đó, Đại tá Phạm Khắc Dũng, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trực tiếp xuống địa bàn vận động bà con. Không chỉ xuống từng nhà để “rà từng người”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 còn đi xe máy ra tận ruộng, nương để vận động bà con về đi tiêm phòng. Nhiều người đang làm ruộng, nương, nghe bộ đội tuyên truyền đã hiểu ra, tin tưởng theo bộ đội về tiêm phòng. Nhờ vậy, tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 trên địa bàn đã được bảo đảm, góp phần rất tích cực vào thành quả phòng, chống dịch Covid-19.
Tuân thủ pháp luật phải trở thành thói quen
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ cụ thể về những đóng góp của Quân đội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của nước ta, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, nhất là trong các cuộc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11). Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quân đội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã phát huy hiệu quả tích cực. Sự hiểu biết về pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội ngày càng được nâng lên, những hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng giảm rõ rệt. Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại phiên họp ngày 8-11, trong kỳ báo cáo năm 2022, các lực lượng chức năng trên toàn quốc đã phát hiện hơn 4.356.210 vụ vi phạm pháp luật hành chính, giảm 9,25% so với kỳ trước; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 3.895.658 vụ, giảm 11,5%; chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự truy cứu trách nhiệm hình sự 3.021 vụ, giảm 21,6%; đã xử phạt 3.895.321 trường hợp, giảm 18,25%.
Đánh giá chung về việc thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, trong 10 năm qua, tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thì nhấn mạnh rằng, trong 10 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Đặc biệt, qua hơn hai năm phòng, chống đại dịch Covid-19, việc tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, để thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội như yêu cầu được nêu ra tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện sâu sắc hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Sự chủ động, tích cực, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, dù chuyên trách hay kiêm nhiệm, là điều kiện tiên quyết trong việc thực hiện thành công mục tiêu đưa tuân thủ pháp luật trở thành thói quen với mọi chủ thể trong xã hội. Song, bên cạnh đó, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, tuân thủ nghiêm pháp luật, vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng, đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.
Cùng với đó, theo chúng tôi, tinh thần Ngày Pháp luật Việt Nam phải được lan tỏa rộng rãi hơn, sao cho ngày nào trong năm cũng phải như Ngày Pháp luật Việt Nam. Việc tuân thủ pháp luật phải trở thành thói quen hằng ngày, những đợt cao điểm chỉ là để tổng kết, đánh giá, tôn vinh những tấm gương trong việc đưa pháp luật đến với mọi người trong xã hội. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật, để tuân thủ pháp luật trở thành đạo đức của con người xã hội chủ nghĩa!
Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG