column_right getExtensions 1732700681-1732700681

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732700681-1732700681

4 CHÍNH SÁCH CƠ BẢN ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

4 CHÍNH SÁCH CƠ BẢN ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:01-06-2024

4 chính sách cơ bản đối với lao động nữ

Lao động nữ với những đặc thù riêng của giới tính là đối tượng được pháp luật bảo vệ, hạn chế các tổn thương, bất bình đẳng. Trong hệ thống pháp luật hiện hành, pháp luật lao động cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển cơ hội việc làm cho lao động nữ nhưng vẫn đảm bảo tiếp tục duy trì, bảo vệ các đặc thù riêng của giới tính nữ.

Công nhân Nhà máy Z121, Tổng cục CNQP

Thứ nhất, lao động nữ được đảm bảo bình đẳng trong việc làm, lao động. Điều này được thể hiện xuyên suốt từ Hiến pháp đến các văn bản pháp luật về lao động.

Theo quy định của Hiến pháp, phụ nữ được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội, phụ nữ được quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn như các lao động nam. Bên cạnh đó, pháp luật lao động nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp. Người sử dụng lao động phải có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

Như vậy, cơ hội và điều kiện việc làm của lao động nữ là ngang bằng với lao động nam, lao động nữ cần đảm bảo các điều kiện về trình độ nghề nghiệp, sự phù hợp của bản thân với tiêu chí của nhà tuyển dụng để lựa chọn một công việc hiệu quả, phù hợp với năng lực bản thân và có cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp.

Thứ hai, quyền lợi khi lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT).&

Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội; Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế; Điều 43 Luật Việc làm, lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng (đối với BHXH bắt buộc); từ đủ 03 tháng (đối với BHYT) hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng là đối tượng tham gia các loại bảo hiểm này. Năm 2023, mức đóng bảo hiểm của người lao động là 9,5%; của người sử dụng lao động là 20,5%; tổng cộng 30% gồm các mục hưu trí; ốm đau - thai sản; tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN); BHTN; BHYT. Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), nếu đủ điều kiện, có văn bản đề nghị và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chấp thuận thì được đóng vào Quỹ TNLĐ-BNN với mức thấp hơn là 0,3%.

Việc tham gia BHXH khi lao động là nghĩa vụ bắt buộc nhưng điều cần quan tâm là khi tham gia, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi tương ứng. Ví dụ: Sau này đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ có tiền lương hưu; trong thời gian thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp; khi ốm đau được khám bệnh BHYT với mức chi trả 80%; khi nghỉ đẻ được hưởng chế độ thai sản; trường hợp lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau, sảy thai, khám thai, nạo, hút thai, phá thai bệnh lý, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc triệt sản thì người lao động sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về BHXH. Đây cũng là chính sách an sinh xã hội mà Nhà nước hướng đến và mong muốn luôn được đảm bảo qua các thời kỳ.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; Phụ cấp lương (khoản bù đắp yếu tố điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động…) và các khoản bổ sung khác.

Thứ ba, về các quyền lợi lao động nữ được hưởng khi làm việc.

Ngoài các quyền lợi ngang bằng với lao động nam trong công việc thì lao động nữ còn được hưởng các quyền lợi đặc thù, chỉ có ở lao động nữ.

- Lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản 1 lần/năm. Riêng đối với lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là người khuyết tật, chưa thành niên, người cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

- Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh; được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1.000 lao động nữ.

- Lao động nữ khi mang thai được tạm hoãn HĐLĐ khi có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được chuyển công việc nhẹ hơn; không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa; được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới khi hợp đồng hết hạn; không bị xử lý kỷ luật; không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng; được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian thai sản mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Thứ tư, một số lưu ý khi ký kết HĐLĐ. Trước khi ký kết hợp đồng, người lao động cần tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp ký hợp đồng với mình, đọc kỹ các nội dung HĐLĐ, các văn bản người sử dụng yêu cầu ký để hiểu đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của hai bên, ký và nhận lại 01 bản HĐLĐ/văn bản; không giao bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của mình; không giao tài sản, tiền để đảm bảo việc thực hiện HĐLĐ.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc nếu người lao động bị xâm phạm quyền, có thể khiếu nại, thông tin vụ việc đến ban lãnh đạo công ty, tổ chức công đoàn lao động cơ sở, Sở LĐ-TB&XH để được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Thành Chung
(Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

BÀI VIẾT NỔI BẬT