TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC NHỮNG NỘI DUNG SỬA ĐỔI TRONG LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI
Triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung sửa đổi trong Luật Sĩ quan Quân đội
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV ngày 12-9-2024, Chính phủ ban hành Tờ trình 422/TTr-CP tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Sáng 28-11, với 458/459 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2024.
Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; Một số nội dung giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết như tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, phong quân hàm sĩ quan dự bị và quy định cụ thể một số chế độ, chính sách của sĩ quan về bảo hiểm xã hội, nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... để bảo đảm chặt chẽ, có tính khả thi.
Trước đó, tại Nghị quyết 106/NQ-CP năm 2024 về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất mục đích nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng QĐND Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ về sự cần thiết bổ sung chức vụ của sĩ quan là cấp phó vào hệ thống chức vụ cơ bản của sĩ quan quân đội; quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy. Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan QĐND Việt Nam, cần tính đến các trường hợp nhân tài đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút, “giữ chân” nhân tài phù hợp với đặc thù của Quân đội, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan (như phong quân hàm của học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ): Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai,...).
Những nội dung sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, đặc biệt là tăng tuổi công tác, sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện để sĩ quan phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, một số chính sách mới tạo động lực để thu hút nhân tài, giữ chân cán bộ, giảm tình trạng chảy máu chất xám, góp phần xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh. Trong đó, đối với cán bộ sẽ có thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm nhận những vị trí lãnh đạo quan trọng hơn. Với thời gian công tác dài hơn, sĩ quan sẽ có mức lương hưu cao hơn, nhất là với những sĩ quan mang quân hàm thiếu tá, trung tá, bảo đảm cuộc sống ổn định hơn sau khi nghỉ hưu, điều này cũng phù hợp với Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Việc tận dụng kinh nghiệm của những sĩ quan có nhiều năm công tác phần nào giúp giảm thiểu chi phí đào tạo cán bộ, tuy nhiên, việc tăng tuổi công tác cũng đặt ra một số quy định để có cơ chế đánh giá, phân loại cán bộ bảo đảm những sĩ quan được kéo dài thời gian công tác thực sự có đủ phẩm chất, năng lực, có chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút và giữ chân những sĩ quan có trình độ cao.
Quá trình hoàn thiện chế độ chính sách đối với sĩ quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định rõ hơn một số chế độ, chính sách với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe… tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện để đạt được những thành tích cao hơn. Trong đó, quy định về bảo đảm chế độ nhà ở giúp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ yên tâm công tác, giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tập trung vào nhiệm vụ chính trị. Khi các chế độ chính sách tốt sẽ thu hút những người có tài, năng lực, có trình độ vào làm việc trong Quân đội. Mặt khác, khi cán bộ được bảo đảm về đời sống, họ sẽ có tâm lý ổn định, gắn bó hơn với đơn vị, được xã hội tôn trọng và tin tưởng, từ đó nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được hiệu quả cao, việc thực hiện chính sách cần phải đi đôi với các giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, quản lý, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, đánh giá, phân loại cán bộ công bằng, thực chất, nghiêm minh, có cơ chế luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trẻ vào những vị trí quan trọng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân mà đặc biệt là đội ngũ sĩ quan sẽ quán triệt sâu sắc, nắm chắc nội dung, vận dụng nghiêm túc nhanh chóng đưa Luật vào đời sống huấn luyện, chiến đấu và công tác ở từng cơ quan, đơn vị.
PNQĐ