HẠNH PHÚC ẤM ÊM
HẠNH PHÚC ẤM ÊM
TRẦN THANH HUYỀN
Nhân dịp 15 năm ngày cưới, Thiếu tá Lý Văn Thưởng - Trợ lý Bảo vệ an ninh, dân vận, Phòng Chính trị, Lữ đoàn pháo binh 164 (Quân đoàn 12) tổ chức bữa tiệc nhỏ để cảm ơn người bạn đời của mình là Lê Thị Hạnh luôn đồng hành, gắn bó, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đời lính. Vốn là bạn học cũ ở quê hương Bắc Giang, năm 2003, anh Thưởng nhập ngũ, còn chị Hạnh vào học ngành dược, Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ.
5 năm sau, họ gặp lại nhau trong một buổi giao lưu, bao kỷ niệm thuở học trò ùa về. Và chị Hạnh đã bị hớp hồn trước vẻ chững chạc, từng trải của người bạn cũ trong bộ quân phục chỉnh tề. Hôm ấy, anh Thưởng có bài nhảy rất lôi cuốn. Sau hôm đó, hai người nhanh chóng kết nối với nhau. Từng là bạn học thời phổ thông, ít nhiều đã biết được tính cách của nhau, lại cùng quê nữa nên họ không mất nhiều thời gian tìm hiểu. Bạn bè ngỡ ngàng. Cũng có người cũng khuyên Hạnh lấy chồng bộ đội sẽ thiệt thòi, vất vả… Song những lần xuống đơn vị thăm anh, chị cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của tình đồng đội.

Và họ nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới, anh Thưởng học tại Trường Sĩ quan Pháo binh, còn chị Hạnh thuê căn phòng trọ nhỏ, làm việc ở Công ty cổ phần Y dược Hoa Hồng (Hà Nội). Kinh tế gia đình eo hẹp, ngoài thời gian làm việc ở công ty, chị còn nhận thêm nhiều công việc khác để tăng thu nhập. Tháng 10-2010, chị sinh con trai đầu lòng, càng thêm khó khăn.
Khi con được 4 tháng, chị Hạnh đưa mẹ chồng lên Hà Nội để nhờ trông con cho mình đi làm. Nếu trước đây, công việc của chị làm thêm đến buổi tối thì nay phải làm cả đêm, việc chăm con nhỏ vất vả. Mệt mỏi nhưng chị không than vãn với chồng, để anh yên tâm học tập. Mỗi khi nhận được cuộc gọi từ anh, chị Hạnh thường chia sẻ với chồng những chuyện vui, những thành tích đạt được trong công việc; những câu chuyện thú vị ở xung quanh, rằng ở nhà mẹ con bà cháu vẫn ổn.
Anh Thưởng ra trường, kinh tế được san sẻ, cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn. Anh chị quyết định vay mượn của ngân hàng, họ hàng, bạn bè mua được mảnh đất nhỏ ở quê, gần trung tâm hơn, để dành. Năm 2014, chị sinh cháu thứ hai, anh Thưởng cũng không về được. Con thơ hay đau ốm. Nhớ hồi con gái được 10 tháng tuổi, bị viêm phổi, phải cấp cứu ở bệnh viện, mình chị gọi xe, ôm con khóc ngặt, giữa trời lạnh mà người con nóng như hòn than khiến chị sợ hãi, lo lắng…
Lúc con được 3 tuổi, anh chị dựng được nếp nhà để đưa mẹ chồng và 2 con về quê học. Anh Thưởng tiếp tục học thêm chuyên ngành, chị vẫn làm và thuê nhà ở Hà Nội, tranh thủ thời gian rảnh lại về thăm mẹ và các con. Hàng tháng, anh mới được về nhà một lần. Bốn năm liên tục chồng phải trực Tết, mình chị chu toàn tết nội, tết ngoại…

Khó khăn ấy nhiều khi khiến chị Hạnh tưởng như không thể vượt qua nổi, nhưng nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành; thấy chồng ngày đêm miệt mài gắn bó với đơn vị, với nhiệm vụ, lòng chị dịu đi. Những trăn trở đời thường nhường chỗ cho tình yêu thương và sự sẻ chia. 15 năm qua, chị hiểu và tâm niệm: Làm vợ lính thì phải đảm đang gánh vác, nhất là phải chấp nhận xa nhau. Vất vả mấy chị cũng chịu được, chỉ mong chồng mình khỏe mạnh, công tác tốt, mãi là niềm tự hào của gia đình. Phải có sự cảm thông, thì mới có thể vượt khó mới để vun vén cho hạnh phúc gia đình…
Ảnh: NVCC