THỢ CẠO MỦ CAO SU
THỢ CẠO MỦ CAO SU
Quá nửa đêm, khi mọi người đang say giấc, thì chị Nguyễn Thị Nhớ, công nhân cạo mủ cao su của Đội sản xuất số 17, Công ty 74 (Binh đoàn 15) bắt đầu ngày làm việc mới. Hàng ngàn cây cao su chị nhận khai thác đang cho sản lượng cao gần nhất đội. Thấp thoáng sau những hàng cây thẳng tắp, bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé lặng lẽ, chăm chỉ cầm dao khứa những đường thật ngọt để đón dòng nhựa trắng. Với kỹ thuật cạo mủ cao su tốt, chị Nhớ được mọi người trong đội gọi với cái tên trìu mến là “Nữ công nhân có bàn tay vàng”. Chị cũng vinh dự được công nhận là “Công nhân ưu tú” (2017- 2022) của Binh đoàn.
Ngôi nhà nhỏ gần Công ty, là nơi chị Nguyễn Thị Nhớ và 2 con cư ngụ là tài sản đầu tiên mà vợ chồng chị có được khi từ Quảng Bình vào Gia Lai lập nghiệp. Nhưng người chồng bỗng lâm bệnh nặng và qua đời. Con còn nhỏ, tài sản không có gì đáng giá, không có họ hàng thân thích ở bên. Cách duy nhất để tiếp tục sống đó là phải cố gắng bươn chải làm việc. Chị đăng ký với Đội sản xuất, nhận khoán số lượng lớn cây cao su để cạo mủ. Đầu tiên gần 1.000 cây, rồi tăng dần theo thời gian. Với những công nhân bình thường để làm đủ số lượng đã khó, chưa nói đến năng suất cao. Vậy mà chị Nhớ đã hoàn thành xuất sắc. Nếu như năm 2020, lương bình quân hằng tháng của chị đạt 6,5 triệu đồng, thì năm 2021 là 9,3 triệu đồng và từ năm 2022, gần 12 triệu đồng.
Cạo mủ cao su là công việc vô cùng vất vả. Điều kiện làm việc ở ngoài trời, thời gian phụ thuộc vào thời tiết từng mùa, đòi hỏi người lao động phải có ý chí và tinh thần tự chủ, không ngại khó ngại khổ. Xác định muốn làm tốt thì phải có niềm đam mê và tình yêu với nghề, nên mỗi ngày chị Nhớ đều âm thầm cố gắng.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá các sản phẩm mủ cao su xuống thấp. Việc thu hút, giữ chân, đào tạo, xây dựng đội ngũ thợ lành nghề gặp rất nhiều khó khăn. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 74 đã đột phá thực hiện phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”. Những buổi hướng dẫn, trau dồi kỹ năng cạo mủ luôn được tổ chức, với phương châm “Mỗi ngày cạo mủ là một ngày luyện tay nghề, lấy khâu tự luyện là chủ yếu”. Tuy gần 10 năm trong nghề, nhưng chị Nhớ luôn theo sát từng buổi hướng dẫn của cán bộ công ty để tự soi và tự sửa. Mỗi ngày qua đi, chị ngày càng thuần thục hơn các kỹ thuật cạo khó, tỉ mỉ trong từng đường cạo, chắt chiu từng giọt mủ cao su với nguyên tắc “3 sạch” để mang lại thu nhập cao. Trong quá trình gắn máng phải chỉn chu từng đường cạo để tận thu lượng mủ.
Gắn bó với Công ty, chị hiểu rằng nếu mỗi người lao động đều làm tốt, thì không chỉ giúp cho kinh tế gia đình được ổn định, mà còn góp phần giúp cho công ty phát triển. Với kinh nghiệm và kỹ năng có được, chị chia sẻ, hướng dẫn những người mới vào nghề, nhất là với phụ nữ người dân tộc thiểu số. Chị Nhớ dành thời gian để chỉ cho họ cách cạo lấy được nhiều mủ nhất. Mới vào làm cho Công ty, chị Puih Rít nói tiếng phổ thông chưa thạo, sản lượng mủ cạo được không cao và ít chuyên tâm với công việc. Hiểu, theo sát và động viên, chị tận tình chỉ vẽ, đồng thời vận động Puih Rít đưa con đến nhà trẻ để được chăm sóc đầy đủ, bố mẹ có nhiều thời gian cạo mủ cao su, tăng thu nhập.
Là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ dân tộc thiểu số địa phương”, chị Nhớ giúp đỡ chị Rơ Mah Hoan ở làng Lân, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai. Đây là hộ nghèo do không biết cách làm kinh tế, đất canh tác bỏ hoang hóa, chỉ trồng một ít lúa, ngô, làm lụng quanh năm vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Từ khi được chỉ dẫn, cuộc sống của gia đình chị Rơ Mah Hoan thay đổi đáng kể. Đất hoang thành vườn điều trĩu quả. Không chỉ đủ ăn mà còn dôi dư tích lũy. Chị em thân thiết như người một nhà, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Có chân trong Ban chấp hành Hội phụ nữ Công ty, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Đội 17, chị Nhớ chú ý triển khai các phong trào, hoạt động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của hội viên. Vận động chị em tham gia các mô hình: “Đổi công”, “Gắn kết hộ”, “Nuôi heo đất”, “Vườn rau xanh”, “Vườn rau kết nghĩa”; tích cực chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy mà chị em người dân tộc thiểu số tham gia vào Chi hội ngày càng đông, mở mang được hiểu biết.
Ngày 20-2-2023, chị Nguyễn Thị Nhớ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những bằng khen, giấy khen, phần thưởng của chị khá nhiều. Đó là niềm tự hào, là động lực để chị tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỀN