TẤM LÒNG CAO CẢ
TẤM LÒNG CAO CẢ
Đại úy QNCN Bùi Thị Khánh hiện đang phụ trách Chuyên mục Quốc phòng toàn dân, thuộc Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, chị vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân và những người hảo tâm được hàng trăm triệu đồng để tặng quà, xây nhà hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không may gặp hoạn nạn trên địa bàn, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống. Với tình thương yêu con trẻ, mỗi tháng, chị đều dành dụm trong số tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ các cháu mồ côi được đến trường.
6 năm trước, trong chuyến lên thao trường huấn luyện tổng hợp Đức Xuyên (huyện Krông Nô, Đắk Nông) buổi tối, chị Khánh nghe anh em kể về gia cảnh của một phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số, chồng mất, để lại đàn con 7 đứa, nhỏ nhất mới 5 tháng tuổi. Chị khoác áo mưa, soi đèn, lội bùn đến thăm. Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, mục nát, dột ướt khắp nơi, nhìn 8 mẹ con co ro, cúm rúm bên mâm cơm đơn sơ, đạm bạc, toàn lá sắn, ngọn lang, với đồng cảm của một người mẹ cũng đang nuôi con nhỏ, chị Khánh không cầm được nước mắt. Dốc túi, còn hơn 800 nghìn, chị ra cửa hàng tạp hóa gần đó, mua một bao gạo, nửa ký cá khô, ít dầu ăn, mắm muối về tặng. Từ đó về sau, đều đặn mỗi tháng một lần, chị lại mua lương thực thực phẩm, gửi xe khách từ Gia Nghĩa lên Krông Nô giúp mấy mẹ con. Căn nhà tình nghĩa của mấy mẹ con người phụ nữ dân tộc thiểu số có được cũng nhờ chị Khánh kêu gọi, vận động mọi người chung tay xây dựng.
Trường hợp em Lê Trường An, học sinh lớp 10 (phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa), rất éo le: Bố mẹ mất sớm, chị lấy chồng xa, anh mắc bệnh tâm thần. An được người bác ruột đón về nuôi. Nhà bác đông con, cái ăn, cái mặc còn chẳng đủ, nên có lúc, An tính nghỉ học, ở nhà đi làm mướn phụ giúp gia đình. Biết hoàn cảnh của An, chị Khánh tìm đến nhận đỡ đầu, giúp em tiếp tục được đi học. Thương “mẹ Khánh” vất vả, An chăm chỉ học hành, cố gắng. Những ngày cuối tuần, An đạp xe hàng chục cây số lên thăm mẹ Khánh và các em, dạy các em vẽ tranh, học bài.
Chồng làm nghề xây dựng, quanh năm vắng nhà, ngoài công việc chuyên môn ở cơ quan, chị Khánh phải gánh vác việc gia đình, chăm con, lo cả hai bên nội ngoại. Bản năng của một người mẹ, giúp chị hiểu rõ hơn về tình mẫu tử thiêng liêng, về những khó khăn, thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi, những “vầng trăng khuyết”, những chiếc lá chưa lành khi thiếu vắng tình thương của mẹ cha. Trong mỗi chuyến đi, hoặc người thân và bạn bè giới thiệu, gặp những mảnh đời bất hạnh, chị đều cố gắng sẻ chia, giúp đỡ với tất cả tấm lòng. Đầu năm 2022, chị đứng ra nhận đỡ đầu, hỗ trợ 4 cháu nhỏ mồ côi của 3 gia đình trên địa bàn Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi cháu trong một tháng.
Chị dạy cả con đẻ lẫn con nuôi phải yêu thương, đoàn kết, biết vươn lên trong cuộc sống, để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội. Những kỹ năng, kinh nghiệm sống cần thiết của con trai, con gái, theo từng độ tuổi cũng được chị nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy. Biết các con “nuôi” vẫn còn mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp với bạn bè, mỗi lần đi họp phụ huynh, chị đều gặp gỡ, nhờ các thầy cô giáo quan tâm, kèm cặp, giúp đỡ thêm. Kết quả học tập ngày một tiến bộ, nụ cười vô tư, hồn nhiên của các con là thành quả xứng đáng cho tình yêu thương, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của “mẹ Khánh” thời gian qua.
Đại tá Y Thảo Bkrông - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông, nhận xét: Ngoài việc nhận đỡ đầu các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, tật nguyền; hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các gia đình bị thiên tai, hoạn nạn… Đại úy QNCN Bùi Thị Khánh đã tích cực vận động, quyên góp xây tặng hàng chục ngôi nhà đồng đội, nhà tình nghĩa trên địa bàn. Những việc làm thiện nguyện, nhân văn ấy để lại tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG