column_right getExtensions 1714734200-1714734200

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714734200-1714734200

“THUYỀN VÀ BIỂN”, HAY CỔ TÍCH TÌNH YÊU

“THUYỀN VÀ BIỂN”, HAY CỔ TÍCH TÌNH YÊU

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:18-08-2023

Đến với bài thơ hay

“THUYỀN VÀ BIỂN”, HAY CỔ TÍCH TÌNH YÊU

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển

 

“Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi

 

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa… còn xa

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thưở

Có bao giờ đứng yên?)

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mang nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

 

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

 

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”.

 

Nếu phải xa cách anh

Em chỉ còn bão tố.

 

XUÂN QUỲNH
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Xuất hiện trên thi đàn vào những năm 60 của thế kỷ XX, Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca Việt Nam hiện đại. Nói đến Xuân Quỳnh là nói đến một thi sĩ đích thực của tình yêu nồng cháy.

Vốn là một diễn viên múa Đoàn Văn công Trung ương, nhưng Xuân Quỳnh làm thơ từ khá sớm. Tài năng của chị phát lộ qua các tập thơ “Tơ tằm - Chồi biếc” (in chung), “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng”, “Lời ru trên mặt đất”, “Sân ga chiều em đi”, “Tự hát”,… Suốt một phần tư thế kỷ làm biên tập báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn), chị là “bà đỡ” mát tay, giúp cho nhiều cây bút trẻ thành danh trên văn đàn. Bất ngờ, một tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 5 ngày 29-8-1988 đã cướp đi 3 người trong gia đình chị (nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ và cháu Lưu Quỳnh Thơ), để lại xiết bao niềm xa xót tiếc thương!

Thuyền và biển” là một trong nhiều bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Quỳnh, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, làm đắm say lòng người. Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương. Câu ca dao “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” mộc mạc mà da diết đến khôn cùng. Được khơi gợi từ cái lõi của văn học dân gian, Xuân Quỳnh đã phát triển và nâng lên một bình diện mới để diễn tả tình yêu vô biên của con người. Bài thơ tạo được cái tứ đằm sâu và nhuốm màu cổ tích, huyền thoại. Cái lối dẫn dắt “Từ ngày nào chẳng biết” tựa như cách mở đầu những pho truyện cổ “Ngày xửa, ngày xưa”, dung dị và sâu lắng. Thuyền và biển ở đây là sự nhân hóa của tình yêu lứa đôi, giữa “anh” và “em”. Biểu tượng này đã khiến cho câu chuyện tình trở nên lãng mạn, da diết và đắm đuối hơn bao giờ hết. Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la/ Thuyền đi hoài không mỏi/ Biển vẫn xa… còn xa. Trong hành trình của tình yêu thì dường như cái đích luôn cứ lấp ló, ẩn hiện phía trước với bao nỗi âu lo, hạnh phúc. Đó chính là khát vọng giúp con người vươn tới, bởi tình yêu luôn đòi hỏi sự hy sinh và dâng hiến.

Hóa thân vào cổ tích, mạch thơ của Xuân Quỳnh dào dạt tuôn trào. Giọng điệu thủ thỉ. Những đêm trăng hiền từ/ Biển như cô gái nhỏ/ Thầm thì gửi tâm tư/ Quanh mạn thuyền sóng vỗ. “Thuyền” và “biển” là một cặp chẳng thể tách rời. Thiếu thuyền, biển trở nên hoang vắng. Thật dễ thương khi biển hóa thân như thế, những phút giây âu yếm ngọt ngào quấn quýt với thuyền dưới ánh trăng. Vâng, hai trái tim cùng chung nhịp đập thầm thì. Nhưng rồi cuộc đời cũng tựa như đại dương, hỏi có mấy khi bình lặng? Cũng có khi vô cớ/ Biển ào ạt xô thuyền. Âu đó cũng là cái lẽ thường tình. Vì tình yêu muôn thưở/Có bao giờ đứng yên? Tình cảm quyện hòa với nhiều cung bậc, có yêu thương nhung nhớ, có cả giận hờn. Qua thử thách, mới ngộ ra: Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào. Và cũng bởi luôn lo lắng và biết nghĩ cho nhau nên “biển” mới biết: Thuyền đi đâu về đâu. Cái dịu dàng đầy nữ tính, thể hiện sự bao dung, độ lượng, nhưng cũng thật đằm sâu và mạnh mẽ.

Muôn thưở tình yêu là không thể sẻ chia. Thuyền và biển bên nhau, như một cặp “phạm trù” của tình ái. Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau - rạn vỡ. Yêu nhau thắm thiết đến nhường ấy là cùng. Và câu chuyện tình khép lại với cái kết tất yếu: Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió. Nhưng chưa dừng lại ở đó, thi sĩ dấn thêm một chút để nói cho được cái điều cốt lõi. Từ cái chung mang tính biểu tượng, Xuân Quỳnh quy về cái riêng, với mối tình của anh và em. Cái mệnh đề giả định ở phần trên liền được chuyển sang: Nếu phải xa cách anh/ Em chỉ còn bão tố. Tình yêu đòi hỏi sự hòa hợp và thủy chung, thế nên không có gì lạ khi hạnh phúc và khổ đau luôn song hành trong mỗi cuộc đời.

Tác giả đã khai thác triệt để thế mạnh của thơ ngũ ngôn để sáng tạo nên một cổ tích mới về tình yêu nồng cháy. Âm điệu bài thơ lúc nhẹ nhàng gợi mở, khi sâu lắng thiết tha, lúc cuộn dập cao trào, tạo nên sức hấp dẫn mãnh liệt. “Như tháng năm dài nhen ủ mật thơm”, chắc chắn thơ Xuân Quỳnh sẽ còn được neo giữ lâu bền trong lòng bạn đọc. “Thuyền và biển” cũng vậy, bản cổ tích về tình yêu này sẽ mãi không có tuổi bởi những lứa đôi thương nhau.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:1397
Trong tuần:1397
Trong tháng:1397
Cả năm:1397
Tổng lượt xem:1397