column_right getExtensions 1732180578-1732180578

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732180578-1732180578

TẾT CỦA MẸ TÔI

TẾT CỦA MẸ TÔI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:16-08-2023

Đến với bài thơ hay

TẾT CỦA MẸ TÔI
(Trích)

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều

Sân gạch tường hoa người quét lại

Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu.

 

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa

Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”

Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó

Dọn nhà, dọn cửa, rửa ban thờ.

 

Nay là hăm tám tết rồi đây

(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)

Sắm sửa đồ lề về việc tết

Mẹ tôi đi buổi chợ hôm nay…

 

Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà

Cỗ bàn xong cả từ hôm qua…

 

Mẹ tôi gọi cả các em tôi

Đến bên mà dặn: “Sáng ngày mai

Các con phải dậy sao cho sớm

Đầu năm năm mới phải lanh trai…”

 

Sáng ngày mồng một sớm tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương.

 

Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên

Bút lông dầm mực viết lên trên…

 

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi

Rón rén lên bàn thờ ông tôi

Đôi mắt người trông thành kính quá

Ngước xem hương cháy đến đâu rồi…

 

Tôi mặc một chiếc quần mới may

Áo lương, khăn lượt, chân đi giày

Cho tôi sang lễ bên quê ngoại

Người dặn con đừng uống rượu say.

 

Xong ba ngày tết mẹ tôi lại

Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con…

 

NGUYỄN BÍNH
(Rút trong “Thơ Nguyễn Bính”, Nxb Văn học, H.1986)
Lời bình của Nhà văn PHẠM THANH KHƯƠNG

Hồi nhỏ ông có tên là Nguyễn Trọng Bính, quê ở làng Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyễn Bính là một nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc, nhuần nhị. Bài thơ “Tết của mẹ tôi” là một trong những bài như thế.

Tết là dịp các gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Các phong tục, lễ nghi, nét văn hóa của người Việt được tập trung thể hiện; là cái gốc níu giữ và ràng buộc con người gần lại bên nhau. Văn hóa Tết thường có các “công đoạn” đặc trưng: Chợ tết, cây nêu, câu đối, hoa, sắc màu của tết; tiễn ông Công ông Táo, lễ cúng tổ tiên, tục xông đất đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, xin chữ đầu năm. Trong gia đình thường mỗi người lo một vài việc. Nhưng ở đây, người mẹ lo toan tất cả.

“Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều/ Sân gạch tường hoa người quét lại/ Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu”. Một đời người, có biết bao cái tết sẽ đến và sẽ qua, nó là việc thường niên. Tết đến nhà cửa phải phong quang sạch sẽ. Để có cái tết, bà “nội tướng” đã phải lo toan thế nào thì có lẽ không mấy người biết đến. Làm sao nuôi con lợn đến “tết thì vừa”, “trữ gạo nếp thơm” gói tấm bánh chưng, đĩa xôi bao nhiêu thì đủ; thậm chí đến cái mo cau để bó, để cuốn giò cho ngày “mổ lợn”.

Các việc: quét lại sân, tường hoa, vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu, nuôi con lợn, tích gạo nếp, để dành mo cau, dọn nhà, lau dọn bàn thờ là những việc phải làm trước tết. Nhiều nơi đã làm từ ngày “hai ba tháng chạp”. Bằng hai khổ thơ, thi sĩ đã đưa đến cho bạn đọc hình ảnh người mẹ quán xuyến, lo toan, tính toán, tằn tiện, tiết kiệm cho một cái tết vui gia đình. Nhưng chưa hết, công việc lo tết của mẹ tất bật lại càng thêm tất bật bởi: “Tháng thiếu cho nên hụt một ngày” làm công việc của mẹ cũng thêm bận mải, dồn dập cả về thời gian và không gian.

Khi công việc trong gia đình đã xong, những gì còn thiếu sẽ được sắm sửa vào phiên chợ tết. Phiên chợ cuối năm không giống với những phiên chợ ngày thường, nó đông hơn, vui hơn và cũng vội vàng hơn. Tùy thuộc vào “nguồn hàng” và nhu cầu mua mà giá cả có thể đắt hay rẻ hơn ngày thường. Những phiên chợ cuối năm thường được bố trí ở bãi đất rộng, có thể được lập ngay nơi chợ thường ngày, nhưng gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán, nhất là những sản vật, đồ dùng cho mấy ngày tết. Các phiên chợ trong năm, mẹ đi chợ, con ở nhà ngóng mẹ, chờ quà. Đôi khi chỉ là con tò he, bơ lạc luộc, mấy quả ổi, chiếc bánh đa vừng, dúm hạt bí ngô nhuộm phẩm màu cắn chắt đỏ môi. Nhưng phiên cuối năm lại khác, mẹ đi chợ để sắm sửa nốt phần chuẩn bị tết còn thiếu cho gia đình, phần quà cho con không còn như lúc trước mà là bức tranh dân gian, đôi câu đối tết, bánh pháo chuột, làm quà cho các con vui tết: “Dán lên khắp cột, đốt inh nhà”.

Trong những năm khó khăn, có bức tranh treo trong nhà là đã có hương vị tết. Người mẹ của Nguyễn Bính cũng thế. Mẹ mang cái tết về nhà trong niềm vui của con trẻ sau khi các công việc “Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà/ Cỗ bàn xong cả từ hôm qua”, để được “Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Bà”.

Theo quan niệm và phong tục của người Việt, sáng mồng một tết là ngày đợi may mắn cho cả năm. Nếu ai đến “xông” nhà sớm mai, cả năm sẽ ứng nghiệm như thế nên nhiều nhà phải nhờ người hợp tuổi, làm ăn khấm khá, được mọi người trọng vọng đến lấy vía sớm mồng một. Không ai hiểu con bằng mẹ, tuổi ăn tuổi lớn, vui đâu chầu đấy, sợ không biết những điều kiêng kỵ ngày đầu năm mới. Mẹ dặn “dậy cho thật sớm”, “cho lanh trai”, “thắp nến lễ ông bà”, “chớ có cãi nhau, chớ có quấy”, không được “đánh đổ, đánh vỡ” mà dông cả năm. Mẹ mừng tuổi “mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi”, để lấy may, có chẵn, có lẻ lấy “hên” cả năm. Trong khi “Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực viết lên trên”, khai bút đầu xuân.

Trong ba ngày tết, theo lẽ thường, mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày, đây là sự tri ân công sinh thành dưỡng dục, công dạy dỗ làm người. Hình ảnh người mẹ “thắt lại chiếc khăn sồi”, “rón rén” lên bàn thờ gia đình kiểm tra cây hương cháy để cần thắp tiếp. Đây chính là nét phẩm hạnh tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh của đạo làm vợ. Riêng câu thơ này, duy nhất trong cả bài, Nguyễn Bính sử dụng cụm từ “rón rén”, có vị trí như một phụ từ chỉ hành động nhẹ nhàng, cố không gây ra tiếng động, biểu thị sự tôn kính, lo bước chân vào phòng thờ đánh động giấc ngủ người đã khuất.

Niềm vui của người mẹ khi thấy cái tết đã đủ đầy, niềm hạnh phúc thấy chồng, con vui vẻ, đầm ấm. Và cho con “sang lễ bên quê ngoại”, nhưng vẫn dặn “con đừng uống rượu say”.

Mọi tất tả lo toan rồi cũng qua. Trong khi thiên hạ vẫn coi “tháng giêng là tháng ăn chơi” thì người đàn bà của gia đình đã trở về với những lo toan, vất vả thường nhật. “Xong ba ngày tết mẹ tôi lại/ Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con…”.

Nhân đây, cũng xin được nói thêm đôi điều về cuộc đời của Nguyễn Bính. Thực ra, bà Bùi Thị Miện, bị rắn độc cắn rồi mất (1918) khi Nguyễn Bính mới được ba tháng tuổi. Sau này, thi sĩ viết: “Còn tôi sống sót là may/ Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ” là thế.

Nguyễn Bính đã vẽ lại một bức tranh quê ngày tết, một nét văn hóa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, hình ảnh người mẹ lam lũ, gánh vác mọi thứ trên vai. Một người mẹ như bao người mẹ trên dải đất hình chữ S. Tác giả sử dụng thể thơ thất ngôn, dễ nhớ, dễ thuộc, một trong hai loại hình thức ông ưa thích, vẫn với ngôn ngữ chân quê, gần gũi cuộc sống theo cách kể tuần tự, có tính liệt kê công việc của một cái tết cổ truyền. Ông không hình tượng hóa, vẫn thủ pháp tả thực, tả chân đến từng câu chữ mà cứ lặng vào trong tâm người đọc về một người mẹ tảo tần, lo toan. Những công việc ấy, đôi khi, chúng ta đã không thấy giữa đời mà chỉ cho rằng đó là những gì như đương nhiên của cuộc sống.

Tiếp nối giọng điệu rất riêng từ phong trào “Thơ mới”, bài thơ “Tết của mẹ tôi” vẫn để lại dư vị đậm đà trong lòng bạn đọc. Đó chính là hồn cốt đã làm nên vị thế một Nguyễn Bính trong nền văn học Việt Nam hiện đại, và cũng là gia tài ông gửi lại cho muôn sau.

BÀI VIẾT NỔI BẬT