column_right getExtensions 1732188112-1732188112

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732188112-1732188113

TẠM BIỆT HUẾ

TẠM BIỆT HUẾ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:29-09-2023

Đến với bài thơ hay

TẠM BIỆT HUẾ

Mùa hè bên dòng Hương giang

bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ

chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu

những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng

mặt trời vàng và mắt em nâu.

 

xin chào Huế một lần anh đến

để ngàn lần anh nhớ trong mơ

em rất thực nắng thì mờ ảo

xin đừng lầm em với cố đô.

 

áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy

nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền

nón rất Huế mà đời không phải thế

mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.

 

nhịp cầu cong và con đường thẳng

một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu

con sông dùng dằng con sông không chảy

sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

 

tạm biệt Huế với em là tiễn biệt

Hải Vân ơi xin người dừng tắt ngọn sao khuya

tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

anh trở về hóa đá phía bên kia.

THU BỒN

(Rút trong tập: “100 bài thơ tình nhờ em đặt tên”, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1992)

Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Nói đến Thu Bồn là nói đến một văn nhân đa tài, một thi nhân độc đáo, một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Chào đời năm 1935 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), anh được cha mẹ đặt tên là Hà Đức Trọng. Lớn lên trong một gia đình hiếu học và yêu nước, chàng trai xứ Quảng sớm hấp thu được tinh hoa của vùng đất. Ghi tên mình vào Thiếu sinh quân khi chưa đầy 12 tuổi, anh làm liên lạc cho bộ đội và tham gia chiến đấu. Từ tiểu đội trưởng công binh bộ đội địa phương huyện, năm 17 tuổi, Hà Đức Trọng có mặt trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 803 Liên khu 5. Tập kết ra Bắc, chàng khẩu đội trưởng pháo binh đi học và làm giáo viên văn hóa của Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (nay là Trường SQLQ1).

Đến với văn chương, lấy tên con sông quê hương làm bút danh, năm 1962, Thu Bồn từ giã hậu phương lớn miền Bắc, trở lại khúc ruột miền Trung, một chiến trường nổi tiếng gian khổ, khốc liệt. Như mọi người lính, việc đầu tiên là cầm rựa đi phát nương làm rẫy, trồng mì (sắn) để lấy cái ăn trước đã. Giữa những ngày cơ cực ấy, Thu Bồn xuất thần có “Bài ca chim Chrao” hút hồn nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là khi tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa ở miền Bắc. Đến nay, chưa có trường ca nào sánh được về tầm vóc, cũng như giọng điệu trữ tình của Thu Bồn viết trong lửa đạn. Một khúc tráng ca bi hùng về những con người kiên cường, bất khuất, họ thắm thiết yêu nhau và yêu đất nước. Tiếng hát của đôi trai gái hòa cùng tiếng chim Chrao giữa rừng đại ngàn vang xa, lay động lòng người.

Là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ, năm 1969, Thu Bồn được chuyển ra Bắc. Ông địu đứa con trai đầu lòng bị nhiễm chất độc da cam trong chiếc ba lô đục 2 lỗ để cháu thò chân ra ngoài, cứ thế, ròng rã 3 tháng trời vượt Trường Sơn. Về đến số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, ít lâu sau thì cháu bé mất. Nỗi đau không thể nói bằng lời. Thế nhưng “mùa hè đỏ lửa” 1972, Thu Bồn cùng một số nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào tận chiến trường Quảng Trị…

Trước đó, năm 1965, “Bài ca chim Chrao” được nhận Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Đến năm 1973, tác phẩm này được Hội Nhà văn Á - Phi vinh danh bằng Giải thưởng Lotus (Bông Sen). Với 5 tập thơ, 10 trường ca và 10 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, năm 2001, Thu Bồn nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) đợt đầu tiên. Trong lần đi trại viết, tôi kịp đến thăm ông đang dưỡng bệnh tại nhà riêng ở suối Lồ Ồ, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Rời đi trong ánh hoàng hôn nhòa nhợt, tôi không dám nhìn lâu ánh mắt vời vợi, da diết của thi nhân. Vào trung tuần tháng 6-2003, cánh chim Chrao vạm vỡ đã bay về núi xa. Năm 2017, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Đóng góp chủ yếu của Thu Bồn ở mảng trường ca, nhưng âm hưởng hùng ca và cảm hứng lạc quan luôn in đậm trong nhiều tập thơ. Chịu khó tìm tòi, đổi mới thi pháp, bởi vậy, thơ ông giàu cảm xúc, đậm đà tình cảm, câu chữ trau chuốt, mạch thơ như bazan từ núi lửa cuộn trào.

Một người lính thực thụ, một nghệ sĩ tài hoa, hai phẩm chất ấy kết đọng nơi Thu Bồn. Tôi đoc “Tạm biệt Huế” ngay trong nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Một bài thơ giàu nhạc tính, hay đến lạ, cứ ám ảnh và giăng mắc trong trí nhớ của bao bạn đọc. Khó kể hết những thi phẩm viết về Huế “mộng mơ”, dẫu mỗi sáng tác ít nhiều đều có những đóng góp nhất định, nhưng mức độ thành công và để lại dấu ấn thì rất khác nhau. Thu Bồn độc đáo ở chỗ ông chọn cho mình một góc nhìn riêng và lối diễn đạt không lẫn với bất kỳ ai cả về giọng điệu và ngôn ngữ. Khắc họa một dáng Huế thâm trầm, cổ kính mà lắng sâu, mà dào dạt thật không phải dễ. Bởi thế, chẳng lạ khi bài thơ này có nhiều dị bản.

Lăng Minh Mạng với khung cảnh thơ mộng và hữu tình

Không trần tình, cũng chẳng vòng vo, duy cảm, tác giả khai mở bài thơ đậm chất hội họa với những mảng màu đắm say của một cặp đôi yêu nhau. “bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ”. Một chút gì đó cơ hồ như tiếc nuối. “chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu/ những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng”. Nhưng quan trọng hơn là “mặt trời vàng và mắt em nâu”.

Từ rất lâu, có lẽ là xa xưa lắm rồi, xứ Huế và đất Quảng cách nhau không chỉ một ải Hải Vân thôi đâu, mà còn có nhiều sự khác biệt cả văn hóa lẫn tính cách con người nữa. Chỉ một câu ca dao: “Học trò xứ Quảng ra thi…” mà mỗi nơi “chế” vế sau thành ra một kiểu của riêng mình thì đủ biết là đâu dễ ai đã chịu nhường ai.

Nhưng trên hết, Thu Bồn là một công dân nước Việt, một thi sĩ “không biên giới”. Vượt lên tất cả, tác giả bày tỏ tấm tình xiết bao đắm đuối và không kém phần nồng nhiệt. “xin chào Huế một lần anh đến/ để ngàn lần anh nhớ trong mơ”. Và thật tài hoa: “em rất thực nắng thì mờ ảo/ xin đừng lầm em với cố đô”. Vâng, đâu cứ phải tha thướt áo dài tím, anh vẫn nhận ra thần thái và hồn cốt nơi em, một người con gái sống động bằng xương, bằng thịt.

Đa tài nên đa tình. Thi sĩ trải lòng chân thực về một tình yêu Huế, có thể là trong quá vãng. Là anh đã từ lâu để ý rồi, chỉ là chưa có duyên kỳ ngộ thôi. “áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy”. Xin hãy chú ý câu này: “nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền”. Nếu quen tay, người viết có thể dùng các từ “mênh mang”, hay “mênh mông” đều được, nhưng Thu Bồn sử dụng phương ngữ điêu luyện, ông lựa chữ “minh mang” thì quá ư đắc địa, khiến câu thơ vừa cổ kính lại vừa rất hiện đại, hàm chứa được nhiều điều. Đắm say, nhưng thi nhân vẫn kịp ngộ ra: “nón rất Huế mà đời không phải thế”. Và câu “mặt trời lên từ phía nón em nghiêng” vừa thực lại vừa ảo, như là một phát hiện.

Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất ở Huế

Con mắt của thi sĩ vẽ nên: “nhịp cầu cong và con đường thẳng”, chỉ để nói điều giản dị “một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu”. Vâng, em ở đây mà anh mãi cứ đi tìm sự cao siêu diệu vợi, buồn vậy. Có lẽ chưa một thi sĩ nào viết được những câu lột tả chất Huế đậm, sâu và có hồn như Thu Bồn. “con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Vâng, ấy là dòng Hương, con sông thơm chảy mà như không chảy, lặng lờ giữa cố đô, càng điểm tô thêm dáng vẻ trầm mặc, nhưng thanh tao mà sâu thẳm của xứ sở “thần kinh”. Hai chữ “dùng dằng” về mặt nào đó còn diễn tả thật hay một tâm trạng, mà không chỉ của riêng ai.

Và, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng sẽ đến lúc phải chia xa. Anh về xứ Quảng, em ở lại với “dòng sông phẳng lặng”, với áo trắng và nón bài thơ rất thơ. “tạm biệt Huế với em là tiễn biệt” bởi yêu anh, em vững tin rằng anh sẽ trở lại. “Hải Vân ơi xin người dừng tắt ngọn sao khuya”. Cái hình tượng “ngọn sao khuya” ấy cứ vằng vặc, sáng soi, cứ lung linh như “đèn trời”, như vật chứng cho mối tình của hai ta. Một lời cầu nguyện rất thành thực, như rút ruột ra mà nói vậy. Nhưng bài thơ khép lại với “tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ anh trở về hóa đá phía bên kia” thì có lẽ còn hơn… cả một lời thề.

Bài thơ được nhạc sĩ Xuân An chắp cánh trong ca khúc cùng tên, nhờ vậy nó đến với hàng triệu khán, thính giả trong cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà “Tạm biệt Huế” có mặt trong tập “100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX”, do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn. Xin mượn câu của Chế Lan Viên để khép lại bài viết này: “Thơ dở không dịch được. Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng”.

Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT