column_right getExtensions 1714722935-1714722935

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714722935-1714722935

MẸ CỦA ANH

MẸ CỦA ANH

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:15-06-2023

Đến với bài thơ hay

MẸ CỦA ANH

Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ, một gương mặt nổi trội trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ trung thực, nhân hậu, luôn gắn bó với đất nước và nhân dân; gần gũi với cuộc sống thường ngày, luôn khao khát tình yêu và chi chút cho hạnh phúc bình dị. Xuân Quỳnh là nữ thi sĩ duy nhất được truy tặng Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017) về văn học nghệ thuật.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh

MẸ CỦA ANH

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thưở nào

Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:

Nào là hoa bưởi hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa

Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau

Mẹ không ghét bỏ em đâu

Yêu anh, em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp bài ca

Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa mặt trời xanh không cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắt chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

XUÂN QUỲNH

Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh ngày 6-10-1942 tại làng La Khê, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Là diễn viên của Đoàn Ca múa nhân dân trung ương, nhưng chị lại có năng khiếu về thơ. 21 tuổi, Xuân Quỳnh đã có tập thơ đầu tay “Tơ tằm, Chồi biếc” (in chung) với giọng điệu trẻ trung, tươi mới, giàu khát vọng. Cùng thời gian đó, chị về làm biên tập viên cho báo Văn nghệ. 25 tuổi được kết nạp vào Hội Nhà văn; 31 tuổi chị là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III). Những năm chiến tranh, bất chấp bom đạn, Xuân Quỳnh vẫn lặn lội, xông xáo vào tận vùng tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh và đường Trường Sơn. Các tập thơ “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng” là kết quả của những chuyến đi ấy. Năm 1980, chị chuyển sang làm biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nxb Hội Nhà văn). Xuân Quỳnh để lại hàng chục tập thơ và truyện, trong đó có nhiều tác phẩm đặc sắc viết cho thiếu nhi, thể hiện tấm lòng tha thiết yêu con trẻ. Thơ chị được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Hai bài: “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, làm đắm say lòng người.

Thơ tình là một mảng rất phong phú, đặc sắc và tiêu biểu cho thi pháp của Xuân Quỳnh. Vì vậy, nói Xuân Quỳnh là bà chúa thơ tình cũng không ngoa. Tiếc thay, một tai nạn giao thông thảm khốc ngày 29-8-1988 tại chân cầu Phú Lương, Hải Dương, đã cướp đi cả một gia đình tài hoa: nhà thơ Xuân Quỳnh và người bạn đời, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia Lưu Quang Vũ cùng cháu Lưu Quỳnh Thơ 13 tuổi!

Gần trọn 30 năm chị đi xa, nhưng thơ Xuân Quỳnh vẫn sống mãi. Và đây, “Mẹ của anh” là một trong những bài thơ như thế.

*

Từng có không ít những vần thơ hay viết về mẹ, nhưng hầu hết đó là cảm xúc của những đứa con viết về người mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục mình nên người. Những vần thơ ấy bao giờ cũng thấm đậm tình yêu thương, bao hàm cả sự biết ơn và lòng kính trọng, bởi mẹ là tất cả. Mẹ là hình bóng của quê hương, đất nước. Mẹ là ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo, của cái Đẹp!

Xưa nay trong xã hội ta, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu thường chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại. “Thương nhau cũng thể mẹ chồng, nàng dâu!”. Vậy mà Xuân Quỳnh lại có được một bài thơ hay viết về mẹ chồng thì quả là độc đáo.

Mang hơi hướng của ca dao, nên bài thơ rất nhuần nhị, dễ đọc và dễ đi vào lòng người. Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong. Câu thơ mang chút nũng nịu đầy nữ tính, mới dễ thương làm sao. Phải yêu chồng đến độ nào thì người phụ nữ mới có thể thốt lên những lời chân thành như rút từ gan ruột vậy.

Anh có biết: Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau/ Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen. Không chỉ mang nặng, đẻ đau, mẹ là người hôm sớm lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ vất vả tảo tần là thế, cả đời người bù trì cho những đứa con. Em gợi lại là để nhắc anh nhớ, để chúng mình có trách nhiệm hiếu đễ với mẹ, làm vui lòng mẹ. Đâu con dốc nắng đường quen/ Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần/ Thương anh thương cả bước chân/ Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao. Phảng phất đâu đây phong vị của câu ca dao: “Yêu nhau, yêu cả đường đi”. Xuân Quỳnh là một trong số các nhà thơ Việt Nam luôn có ý thức tìm tòi trong vốn cổ của cha ông để lại, từ đó kế thừa và phát triển lên một bước mới.

Em yêu anh, em yêu cả cái nét tảo tần giống mẹ ở nơi anh. Nhưng ở đây có lẽ còn lớn hơn cả tình yêu, ấy là sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của đứa con dâu hiền thục đối với mẹ chồng. Nét đẹp truyền thống đạo lý được thi sĩ bổ sung thêm một khía cạnh rất mới mẻ, đó là quan hệ mẹ chồng nàng dâu được soi rọi dưới góc nhìn mới mẻ, đầy tính nhân văn. Nói về mẹ cũng chính là để nói về anh, khẳng định tình yêu của em đối với anh. Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau/ Mẹ không ghét bỏ em đâu/ Yêu anh em đã là dâu trong nhà. Lời thơ dung dị mà hàm súc, chan chứa tình cảm, mà tự nhiên.

Bởi có mẹ rồi mới có anh, nên ân tình ấy làm sao em quên cho được? Vậy nên: Em xin hát tiếp bài ca/ Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn/ Hát tình yêu của chúng mình/Nhỏ nhoi giữa mặt trời xanh không cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ. Nhưng nói gì thì nói, tất cả vẫn quy tụ về nơi mẹ. Tình yêu của chúng mình cũng khởi nguồn từ sự yêu thương của mẹ và tình yêu ấy lớn lên trong tình thương mênh mông của mẹ. Cái câu kết của bài thơ mới thật bất ngờ và không kém phần táo bạo. Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Quả thật, tình yêu đã nâng đỡ con người và khiến cho con người sống tốt hơn lên rất nhiều. “Mẹ của anh” giờ đây đã trở thành của chung với tất cả những người phụ nữ yêu chồng, luôn có ý thức vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Bởi đó cũng chính là “mẹ của chúng mình đấy thôi”!

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:854
Trong tuần:854
Trong tháng:854
Cả năm:854
Tổng lượt xem:854