column_right getExtensions 1714719035-1714719035

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714719035-1714719035

“KHÔNG ĐỀ” HAY LÀ SỰ NGHỊCH LÝ CỦA MÙA XUÂN?

“KHÔNG ĐỀ” HAY LÀ SỰ NGHỊCH LÝ CỦA MÙA XUÂN?

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:06-07-2023

Đến với bài thơ hay:

“KHÔNG ĐỀ”
HAY LÀ SỰ NGHỊCH LÝ CỦA MÙA XUÂN?

Anh yêu em, anh phạm lỗi thường tình

Khó thức ngủ theo giấc giờ điều độ

Có một nửa đang đi tìm một nửa

Như vầng trăng ngoài cửa, phía trời xa

Đêm ba mươi trăng vẫn sáng trên trời

Chỉ ánh sáng mắt người chưa gặp được

Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất

Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau

Trời đã tết, khói xanh mờ bụi nước

Góc vườn em hoa mận đã đơm khuy

Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc

Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về

Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau

Một khẽ chạm tay rung toàn thân thể

Và bởi vậy, tình yêu trần thế

Đủ để thánh thần mơ ước ở trên cao.

THẠCH QUỲ

Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Trên thi đàn Việt đương đại, có rất nhiều các thi nhân mà thơ của họ luôn được đông đảo bạn đọc đón nhận và trân trọng lưu giữ. Điều đặc biệt là trong số các nhà thơ danh tiếng ấy, có những người vốn là dân Toán gộc, nghĩa là họ rất giỏi Toán. Mặc dù xem ra toán với thơ có vẻ như trái ngược, nhưng văn chương lại chọn họ. Hóa ra, tư duy toán học rất gần với… thơ! Trong số ấy, phải kể đến các nhà thơ tài hoa như: Vương Trọng, Thạch Quỳ, Đặng Hấn, Lê Quốc Hán…

Nhà thơ Thạch Quỳ, tên khai sinh là Vương Đình Huấn, tuổi Tân Tỵ (1941). Sinh trưởng ở làng Đông Bích, xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An, Thạch Quỳ là vai cháu, gọi nhà thơ Vương Trọng bằng chú. Một làng quê, một dòng họ có hai thi nhân tài hoa xuất thân từ Toán học quả là điều hiếm có và độc đáo!

Tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm Vinh, thầy giáo Vương Đình Huấn từng dạy toán tại các trường cấp III (nay là PTTH), rồi trường sư phạm Nghệ An. Làm thơ từ thời sinh viên, nhưng bút danh Thạch Quỳ được bạn đọc biết đến và chú ý khi ông đoạt giải Ba cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ (1973). Cùng năm đó, Thạch Quỳ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi chuyển về công tác tại Hội Văn nghệ Nghệ An. Thạch Quỳ chắt chiu, kỹ lưỡng, nên thơ ông không bị lẫn với bất kỳ ai. Ngay cả những đề tài tưởng như khô khan, vào thơ Thạch Quỳ vẫn có dư vị riêng, đậm chất suy tư.

Không đề” nằm trong số không nhiều những bài thơ tình của Thạch Quỳ. Nhìn dáng vẻ gày gò khắc khổ của “ông đồ Nghệ” tân thời, có lẽ chẳng ai nghĩ Thạch Quỳ lại là tác giả của những vần thơ đắm say đến vậy! Tình yêu vốn là đề tài muôn thuở của văn chương, như mùa xuân vốn có của đất trời và tạo vật. Nhưng trong tình yêu có nhiều điều tưởng chừng như phi lý. Và nhà thơ đã phát hiện ra điều thú vị này. Bài thơ mở đầu như một lời tự thú: “Anh yêu em, anh phạm lỗi thường tình/ Khó thức ngủ theo giấc giờ điều độ”. Một khi yêu bằng cả trái tim, thì người ta hầu như quên mất khái niệm về thời gian. Bởi lẽ, “Có một nửa đang đi tìm một nửa/ Như vầng trăng ngoài cửa, phía trời xa”.

Và nghịch lý ở chỗ, ai cũng biết là “tối như đêm ba mươi”. Đằng này, với những người yêu nhau thì ngược lại: “Đêm ba mươi trăng vẫn sáng trên trời/ Chỉ ánh sáng mắt người chưa được gặp/ Đất tìm trăng, trăng đi tìm trái đất /Nửa tháng tròn thao thức đợi chờ nhau”. Vâng, đó là hạnh phúc của lứa đôi yêu nhau, và khi yêu thì chỉ còn nghe trái tim thổn thức rung động, hướng về nhau mà thôi.

Sự diễn giải đã đành là hay, song nếu tác giả không chú ý đến “liều lượng” mà cứ sa đà khai mở, thậm chí lạm thêm vài câu “phi lý” nữa thì sao nhỉ? Khéo lắm thì cũng chỉ tạo ra được sự lạ hóa, chứ bài thơ sẽ không có gì đọng lại được trong tâm trí bạn đọc. Dung dị mà nhẹ nhàng, Thạch Quỳ đã tạo nên một bất ngờ… hợp lý. Xin hãy đọc kỹ khổ thơ này: “Trời đã tết, khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn em hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về”. Chỉ vài nét bút, thi sĩ đã phác nên cảnh xuân rất đỗi gần gụi, đáng yêu, tựa như bức tranh thủy mạc. Chữ nghĩa chắt lọc và tài hoa đến vậy, “hoa mận đã đơm khuy”, khiến ta liên tưởng góc vườn nhỏ cũng tựa chiếc áo mà cô gái đương mặc, mà mỗi nụ hoa tựa như một chiếc khuy áo! Chính khổ thơ này đã níu giữ hồn người và làm nên giá trị đích thực của bài thơ. Vì sao “lòng như đất lặng thầm”? Dẫu đã thú nhận ở đầu,  nhưng anh yêu em không thể nói bằng lời, cứ lặng lẽ vậy mà đằm sâu, thăm thẳm. Nào anh có đòi hỏi gì cao siêu, mà chỉ dám “lặng thầm mơ” thôi. Mơ gì, “mơ dấu guốc”. Ở đây, “dấu guốc” ẩn dụ bóng hình người con gái. Vâng, anh luôn nghĩ về em và anh mong ngóng. Ôi, tấm tình của người đang yêu mới thanh tao, tinh khiết làm sao, khi xướng lên: “Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về”.

Sau thú nhận, là giãi bày tinh tế, kín đáo. Đến khổ thơ cuối, thi nhân khép lại bằng một sự khẳng định. “Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau”. Và “tình yêu trần thế/ Đủ để thánh thần mơ ước ở trên cao”.

Và em đến, như mùa xuân đang đến!

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:664
Trong tuần:664
Trong tháng:664
Cả năm:664
Tổng lượt xem:664