column_right getExtensions 1714747618-1714747618

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714747618-1714747618

BIỂN

BIỂN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:29-05-2023

Đến với bài thơ hay:

BIỂN

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

 

Bờ đẹp đẽ cát vàng

- Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng…

 

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

 

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt

 

Cũng có khi ào ạt

Như nghiến nát bờ em

Là lúc triều yêu mến

Ngập bến của ngày đêm

 

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết

 

Để những khi bọt tung trắng xóa

Và gió về bay tỏa nơi nơi

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa,

Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

4-4-1962
XUÂN DIỆU
(Rút trong “Tuyển tập Xuân Diệu”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1986)

Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Trên bầu trời thi ca Việt Nam hiện đại, có một vì tinh tú rực sáng từ rất sớm trong phong trào “Thơ mới” (1936-1939). Ngôi sao ấy có sắc màu rực rỡ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trên thi đàn mà cả trong giới trẻ thành thị và bạn đọc đương thời. Ấy là thi sĩ Xuân Diệu, một ông hoàng thơ tình, người đã khiến cho hàng triệu con tim phải thổn thức, rung động vì yêu!

Nhà thơ Xuân Diệu họ Ngô. Thân phụ là cụ Ngô Xuân Thọ, quê ở làng Trảo Nha (xã Đại Lộc, nay là thị trấn Nghèn), huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Đậu tú tài Nho học, khi vào Bình Định dạy học, cụ Tú Thọ kết duyên với bà Nguyễn Thị Hiệp. Xuân Diệu chào đời ngày 2-2-1917 tại quê mẹ, làng Tùng Giản, huyện Tuy Phước, Bình Định. Có lẽ nhờ bởi sự tác hợp của trời đất và của cơ duyên “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Ông đồ Nho lấy cô làm nước mắm” mà đất nước có được một nhà thơ lớn. Thưở nhỏ, Xuân Diệu học ở Quy Nhơn, sau đó ra Hà Nội, rồi trở vào Huế, tiếp tục con đường học vấn.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã mở ra cho Xuân Diệu những chân trời mới, thi sĩ tham gia hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc, làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Tiền phong. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thơ công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ. Từ khi Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập (1957), ông liên tục có chân trong Ban chấp hành các khóa I, II, III. Xuân Diệu là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Năm 1983, ông được Viện hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn. Xuân Diệu mất ngày 18-12-1985 tại Hà Nội. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (1996).

Có thơ đăng báo từ 1935 và bước vào con đường sáng tác khi phong trào “Thơ mới” đã giành được ngôi vị quán quân trên thi đàn, Xuân Diệu trở thành một gương mặt tiêu biểu nhất. Những bài thơ tình đậm chất lãng mạn của chàng thi sĩ tài hoa đã nhanh chóng chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc.

Là thi nhân hàng đầu của Việt Nam, Xuân Diệu để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với trên 40 tác phẩm, bao gồm thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình và dịch thuật. Đó là những đóng góp to lớn, nhiều mặt của ông đối với nền văn học nước nhà.

Tiếp nối dòng chảy dào dạt đắm say từ thưở “Thơ thơ” (1938) rồi “Gửi hương cho gió” (1945), Xuân Diệu vẫn đều đặn trình làng nhiều tập thơ có giá trị. Bài thơ “Biển” xuất hiện từ năm 1962, in trong tập “Mũi Cà Mau - Cầm tay”, mang âm hưởng lãng mạn cách mạng, được công chúng, đặc biệt những người trẻ tuổi đón nhận nồng nhiệt.

Mượn hình tượng “biển” và “bờ”, thi sĩ muốn diễn tả cái rộng lớn khôn cùng như tình yêu và còn hơn thế. Trong cảm nhận của nhiều thi sĩ lãng mạn trước kia thì dường như biển cả đồng nghĩa với sự cô đơn và nỗi sầu vạn kiếp. Nhưng vẻ như Xuân Diệu có góc nhìn khác hẳn. “Biển” với ông không chỉ là sự phát hiện mới mẻ mà còn là sự thay đổi lớn lao về nhận thức tư tưởng. Yêu thiết tha con người và cuộc đời, thi sĩ mở lòng mình ra với thiên nhiên, tạo vật. “Làm sao sống được mà không yêu?”. Tình yêu nảy sinh bởi cái lẽ tương giao của tạo vật và con người có quyền tỏ bày cảm xúc trước cái đẹp.

Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê… Ở đây, sự khiêm nhường mà chân thật của chàng trai dường như đã chiếm được cảm tình ngay từ đầu không chỉ người con gái mà của đông đảo bạn đọc. Bởi lẽ, biển cả mênh mông, vô tận nhường ấy. Anh biết mình không là gì khi sánh với biển cả, nhưng tình yêu của anh dành cho em là điều có thật, rất thật và hiện hữu. Biển và bờ là sự kết hợp muôn đời, nhịp điệu tình yêu dào dạt như ngọn sóng dâng trào. Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng. Thì thử hỏi trên đời còn gì đẹp và thơ mộng hơn thế?

Gã tình nhân đương yêu đã không ngần ngại tỏ bày cái điều lâu nay vẫn ấp ủ trong lòng. Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi. Ấy là sự háo hức, xôn xao với tất cả niềm hoan lạc trong trái tim yêu. Thường khi yêu nhau, người ta hay thề non hẹn biển. Nhưng ở đây, chàng trai khẳng định: Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt… thì quả là chỉ có “biển” mới yêu “bờ” đến vậy! Nó thiêng liêng còn hơn cả một câu thề, có lẽ vì thế mà câu thơ trở nên huyền ảo và đẹp lạ.

Dẫu yêu “bờ” lắm lắm nhưng “biển” cũng khó tránh khỏi sự thường tình. Cùng với sự nhớ nhung, âu yếm và mộng mơ thì tình yêu cũng ẩn chứa bên trong cả những biến cố bất ngờ, giận hờn, trắc trở. Cũng có khi ào ạt/ Như nghiến nát bờ em/ Là lúc triều yêu mến/ Ngập bến của ngày đêm. Nhịp thơ đến đây chậm dần tựa như con sóng lùi xa bờ mà lấy thêm sinh lực để yêu sâu, yêu đậm hơn. Như là vị mặn trong lòng biển bắt đầu lắng lại để kết tinh thành hạt muối.

Xin hãy chú ý khổ thơ này: Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc. Ở đây “bể biếc” đồng nghĩa với “biển xanh”, nhưng việc chọn lựa từ “bể biếc” thay thế vừa cổ kính vừa rất gợi và quan trọng hơn là tránh được sự trùng lặp, đơn điệu; tạo nên sự đa âm, đa nghĩa. Để chi, Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không hết.

Ra đời trong thời kỳ đất nước còn tạm chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, đây là một bài thơ tình thật hay và dịu ngọt của nền thơ Việt đương đại. “Biển” đã trở thành tài sản chung của nhiều thế hệ đã, đang và sẽ yêu, mang đến cho bạn đọc một cảm quan rạo rực, mới mẻ. Tài năng và khát vọng sống giúp Xuân Diệu mãi là thi nhân của tuổi trẻ, là thi sĩ muôn thưở của tình yêu đôi lứa.

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

 Ấy mới đích thực là Xuân Diệu.

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:2051
Trong tuần:2051
Trong tháng:2051
Cả năm:2051
Tổng lượt xem:2051