SÓI VÀ THỎ
Tác phẩm
SÓI VÀ THỎ
Thông tin tác phẩm:
- MS bình chọn: 0297
- Hạng mục thi: Trẻ em
- Tác giả: Nguyễn Hiền Diệu (SN 2008), Trường THPT Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, Ban CHQS huyện Bắc Trà My, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam
- Link bình chọn: Ấn vào đây hoặc quét QR Code bên dưới
Thông điệp tác phẩm:
Thỏ và Sói là 2 con vật gắn liền với chúng ta hàng ngày với hai tính chất, tính cách khác nhau. Sở dĩ em chọn tiêu đề này nhằm khái quát lại các ý và hai hình ảnh này nhằm tượng trưng cho vai vế của người phụ nữ và người đàn ông trong xã hội nói chung và trong môi trường gia đình nói riêng một cách dễ hiểu nhất. Thông qua bức tranh này em mong mọi người sẽ có góc nhìn khác hơn về vai trò của hai giới.
Vấn nạn bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình trong các gia đình dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề đáng báo động và cần được giải quyết một cách cẩn trọng và quyết liệt. Trong xã hội đang phát triển, mọi người đều mong muốn một môi trường sống công bằng, tôn trọng nhân quyền và đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả mọi thành viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của nhiều gia đình đặc biệt là gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bất bình đẳng giới được biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Bắc Trà My - nơi em sinh sống không phải là vấn đề nóng, phức tạp.
Nhận thức của nhân dân vùng dân tộc thiểu số đã được thay đổi, cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua. Dẫu vậy, trong vùng vẫn còn một số hộ gia đình do trình độ nhận thức, cố hữu, do định kiến giới vẫn còn nặng nề.
Có thể thấy, trong bức tranh, người chồng đang chỉ vào đứa con nhỏ của mình, cô bé oà khóc chạy về phía mẹ mình, trong khi người chồng đang quát tháo người vợ vì đã không sinh cho mình một người con trai. Ngụ ý cho vấn nạn bất bình đẳng giới trong việc sinh đẻ con cái, bởi lẽ nhiều gia đình vẫn quan niệm: "Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường"; "Phải có con trai mới thành đạt"; "Con gái là con người ta"... Tại các vùng nông thôn, các gia đình có con trai đi ăn cỗ làng mới được ngồi mâm trên; trong làng, xã góp quỹ, có con trai mới được đóng góp, tính công xây dựng, phát triển dòng họ, làng, xã... Từ đó, tại các gia đình thôi thúc việc cố đẻ bằng được con trai. Vậy nên khi một người phụ nữ sinh ra con gái, không những đứa trẻ mà cả người mẹ còn bị coi thường bởi các thành viên khác trong nhà. Vô hình chung, dẫn đến sự thiếu hụt tình yêu, chăm sóc và cơ hội phát triển cho các bé gái, không những ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân, giáo dục mà còn là cơ hội nghề nghiệp của các bé trong tương lai. Đây còn là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh, khiến cho tỉ lệ bé trai và bé gái chênh lệch cao, ảnh hưởng đến sự phát triển trong xã hội.
Nhìn qua phía bên trái bức tranh, ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh người vợ với con mắt bầm tím, cơ thể và khuôn mặt chứa đầy vết thương vẫn gắng gượng làm việc nhà, trên vai chị vẫn đang cõng đứa con mới sinh. Vậy những vết thương ấy từ đâu ra? Còn đâu ngoài những vết tích do sự bất mãng của người chồng gán hết lên đôi vai người vợ tội nghiệp. Khuôn mặt chị tỏ rõ sự uất ức, căm chịu và phẫn nộ, đôi bàn tay dẫu đã run rảy sau những trận đòn vậy mà vẫn gắng gượng để thu dọn đồ đạc bị người chồng đập phá, vừa phải chăm con nhỏ, nhưng chị nào chống trả được. Chị sợ một khi chống trả, người chồng không chỉ đánh chị mà còn trút giận lên cả đứa con thơ vô tội. Hình ảnh đó cũng giống như những người phụ nữ trong các gia đình dân tộc thiểu số hiện nay.
Phụ nữ thường bị coi là người yếu đuối và phụ thuộc vào nam giới trong gia đình. Chính những định kiến giới và những truyền thống văn hóa cổ hủ khiến cho người phụ nữ dân tộc thiểu số luôn phải gồng mình chịu đựng gánh nặng công việc kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Họ không có thời gian để nâng cao kiến thức, kỹ năng, giao tiếp hòa nhập xã hội; thậm chí còn không có thời giờ nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân. Trong khi đó, rất nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số lại còn phải gánh chịu thêm rất các hình thức bạo lực do chồng gây ra, đặc biệt là các hành vi bạo lực thể chất. Bạo lực gia đình trong các gia đình dân tộc thiểu số không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của người phụ nữ, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ trong nhà. Trẻ em trong môi trường gia đình bị bạo lực, chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ từ nhỏ có thể tạo ra tính cách méo mó, không ổn định, dễ trở thành những nạn nhân trong tương lai.
Khi nhìn tổng quát bức tranh ta có thể thấy ánh sáng chiếu từ phía bên phải làm lộ rõ cái bóng của cả hai. Nhưng lạ thay, cái bóng của người chồng và vợ không phải là cái bóng như thường, mà bóng của người chồng là hình ảnh con sói gớm giếc đang há to mồm, để lộ những chiểc răng sắc nhọc về phía cái bóng của người vợ. Bóng của người vợ lại là hình chú thỏ nhỏ bé với đôi mắt mở to như đang kinh sợ con sói lộ ra nanh vuốt ác độc. Sở dĩ, em chọn hình ảnh thỏ và sói vì đây là hai loài động vật tương khắc với nhau trong tự nhiên, tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé và tội nghiệp như thế nào, họ tựa như chú thỏ tuyệt vọng, bị kẹt trong một môi trường đầy sự đe dọa và áp lực, không có khả năng tự do và phát triển cá nhân.
Từ những nội dung chính mà em đã nêu ở trên, em với thân phận cũng là nữ giới, hiểu rõ việc làm con gái thôi cũng đã chịu nhiều sự thiệt thòi và khó khăn đến thế nào vậy nên em muốn gửi gắm thông điệp rằng nam hay nữ đều như nhau, ta nên đấu tranh chống lại bất bình đẳng giới trong xã hội, không nên đánh giá năng lực của một con người dựa trên giới tính của họ. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, người phụ nữ là thành viên cấu thành hạnh phúc của một gia đình, người phụ nữ có tri thức, có sức khỏe sẽ cùng chồng nuôi dạy những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, thúc đẩy bình đẳng giới khu vực này sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng, một xã hội giàu mạnh và hạnh phúc. Điều này không chỉ bản thân người trong cuộc, mà đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia.
Qua nội dung bức tranh này, một lần nữa em xin truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự bình đẳng giới và khát vọng xây dựng một xã hội công bằng và tự do cho tất cả mọi người. Sở dĩ, em chọn màu sắc tươi vui trong tác phẩm còn để truyền tải thông điệp rằng việc đấu tranh chống bất bình đẳng giới không chỉ là một nhiệm vụ nặng nề, mà còn là khát vọng để tiến tới một cuộc sống đáng sống và đầy hy vọng.