SÂU LẮNG NHỮNG THANH ÂM
SÂU LẮNG NHỮNG THANH ÂM
Tròn tuổi 30, phụ nữ toàn quân nói chung và Ban Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) nói riêng, có sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Trong chuỗi sự kiện, hoạt động tưng bừng kỷ niệm cột mốc quan trọng ấy, nổi lên cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Phụ nữ Quân đội rạng rỡ trang sử vàng” ghi dấu ấn đặc biệt, một hoạt động lần đầu được tổ chức và thành công ngoài mong đợi.
1. Gieo mùa quả ngọt
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT); sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chính trị các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tổng Tham mưu, TCCT; thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, Ban PNQĐ đã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về thể lệ cuộc thi và những nội dung liên quan, đặc biệt là trên trang Thông tin điện tử Phụ nữ Quân đội, nhóm Facebook Hoa Xương Rồng, được đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, phụ nữ các cơ quan, đơn vị toàn quân và người dân trong cả nước tham gia. Đồng thời, Ban PNQĐ đã chỉ đạo kịp thời các Phòng (Ban) Công tác quần chúng và trợ lý chuyên trách công tác phụ nữ các đơn vị đầu mối trực thuộc hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện.
Sau 5 tháng phát động (từ 01-8 đến 30-12-2022), cuộc thi đã thu hút đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên ở nhiều độ tuổi khác nhau (cao nhất: 90 tuổi; trẻ nhất: 20 tuổi), từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Ban Tổ chức nhận được 106 tác phẩm dự thi của 96 tác giả. Hầu hết các tác phẩm dự thi đều được đầu tư về chất lượng, có 67/106 nhạc phẩm được hòa âm, phối khí và thu thanh.
Với ca từ ý nghĩa và giai điệu đẹp, các tác phẩm tôn vinh phẩm chất và truyền thống tốt đẹp “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” của Phụ nữ Quân đội; khắc họa những tấm gương sáng ngời trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời, phản ánh chân thực những đóng góp to lớn của các thế hệ phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” thời kỳ mới.
Ban giám khảo gồm: Nhạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ, Đại tá Hồ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội; Nhạc sĩ, NSƯT, Đại tá Trần Quốc Đạt - Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó trưởng Ban PNQĐ; Thượng tá, TS Đặng Mỹ Hạnh - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Cục Tuyên huấn (TCCT). Chấm điểm độc lập qua 02 vòng sơ khảo và chung khảo; 40 tác phẩm vào vòng trong, được Ban giám khảo tập trung thẩm định, nghiên cứu, đánh giá và thống nhất lựa chọn 28 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức đề nghị Tổng cục Chính trị quyết định tặng thưởng: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 05 giải Ba, 20 giải Khuyến khích.
Thượng tá, TS Đặng Mỹ Hạnh, chia sẻ: Những năm qua, đã có nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng. Nhưng, cuộc thi sáng tác ca khúc về người phụ nữ mặc áo lính thì lần đầu tiên Ban PNQĐ phát động rộng rãi, thu hút mọi tổ chức, đơn vị, đối tượng, lứa tuổi tham gia. Tác giả gồm các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, cán bộ chính trị và cả những binh nhì. Có đơn vị, người chỉ huy và các đoàn thể đều tham gia. Thành công của cuộc thi là điều được khẳng định.
Nhưng đã là cuộc thi, thì tất phải phân định để xếp hạng. Ban giám khảo thật khó khăn để chọn giải. Nếu thưởng thức các tác phẩm: “Nữ tướng huyền thoại”, “Nữ anh hùng đầu tiên”, “Tự hào nữ quân nhân”, “Cô Tấm mặc áo lính” sẽ cảm nhận những bà mẹ - chiến sĩ kiên trung, bất khuất, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ tặng. Qua cuộc thi, càng tự hào được là nữ quân nhân.
2. Âm vang cuộc thi
Tuy không nhiều, song những tác phẩm thuộc thể loại tráng ca, ngợi ca các nữ Anh hùng LLVTND trong 2 cuộc kháng chiến được các tác giả đầu tư với nhiều tâm huyết, là những tác phẩm được giải cao. Đó là “Nữ tướng huyền thoại”, viết về vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội ta, đoạt giải Nhì. Nhạc sĩ Đoàn Nguyên Hiếu đã có một nhạc phẩm đi vào lòng người.
Tác phẩm “Nữ anh hùng đầu tiên”, nhạc Trần Kim Phụng, lời thơ Lê Ngọc Ngân; đoạt giải Ba, khắc họa hình ảnh nữ du kích Nguyễn Thị Chiên, người anh hùng quân đội đầu tiên “tay không bắt giặc”, mang giá trị truyền thống không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau. Giai điệu thiết tha, hào hùng, “Nữ anh hùng đầu tiên” và “Nữ tướng huyền thoại” đã truyền lửa của “đội quân tóc dài” năm xưa cho phụ nữ toàn quân hôm nay. Cảm xúc trân trọng, tôn kính của các tác giả hướng về các thế hệ đi trước, hướng về các mẹ, các chị, bằng cả tấm lòng biết ơn vô hạn khi được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Phong phú về đề tài, các tác phẩm dự thi tập trung ca ngợi nét đẹp nữ quân nhân trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, gìn giữ hòa bình... Nhạc phẩm “Màu áo trắng tinh khôi” của Tạ Duy Tuấn, hay “Cô Tấm mặc áo lính” của Phan Hồng Trường... giai điệu nhẹ nhàng, dí dỏm, khúc thức gọn ghẽ, phát triển từ dân ca, dung dị, gần gũi. Bám sát chủ đề cuộc thi, các tác phẩm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cổ vũ, động viên phụ nữ toàn quân rèn luyện, phấn đấu không ngừng.
Tác giả Phan Hồng Trường (Thanh Chương, Nghệ An), sinh năm 1947, là thương binh chống Mỹ tại chiến trường Quảng Đà. Ông đặc biệt quan tâm đề tài LLVT và có nhiều tác phẩm âm nhạc được giải thưởng. Khi biết thông tin cuộc thi này, ông rất hào hứng bởi hình tượng người phụ nữ là một đề tài tuy không mới nhưng không bao giờ vơi cạn cảm xúc đối với người nghệ sĩ. Và ông chọn cách thể hiện mộc mạc, giản dị, kết hợp dân ca với hiện đại, dễ đi vào lòng người. Chỉ cần nghe vài lần là có thể thuộc được ngay. Đoạt giải Nhì, tác giả chia sẻ khi gửi tác phẩm dự thi, ông không nghĩ đến giải thưởng, mà chỉ muốn gửi gắm tình cảm của mình với các đồng đội mà thôi.
Bên cạnh các nhạc sĩ chuyên nghiệp là sự trẻ trung, tươi mới của lớp trẻ. Có thể kể: “Tự hào em là nữ quân nhân” của Hoàng Hồng Ngọc; “Sắc hương người lính” của Hồ Thị Thu Trang; “Bông hồng kiêu hãnh” của Bùi Tuấn Ngọc; “Nữ quân nhân” của Nguyễn Thị Hoàng Yến... làm bật lên nét đẹp dịu dàng, đầy kiêu hãnh với lòng nhân ái, bao dung của PNQĐ trong thời đại mới, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khẳng định lòng yêu nước, ý chí quyết tâm và bầu nhiệt huyết hôm nay.
“Tự hào em là nữ quân nhân”, tác phẩm đoạt giải Nhất, được chính tác giả thể hiện. Dáng vóc nhỏ bé, tuổi rất trẻ, nhưng nữ nhạc sĩ mặc áo lính này đã xuất sắc vượt qua các vòng thi khắt khe. Tác phẩm của chị được Ban giám khảo đánh giá cao và nhận được sự đồng thuận của khán giả; thể hiện tài năng, trí tuệ và tầm vóc của một thế hệ phụ nữ mới trong quân ngũ.
Ban tổ chức đặc biệt xúc động và trân trọng khi nhận được tác phẩm tâm huyết: “Khúc ca tự hào người nữ quân nhân” của nhạc sĩ lão thành Trương Quang Lục ở tuổi 90…
Thượng tá QNCN Ngô Thị Bích Hạnh (nhân viên Ban Phụ nữ Quân khu 5, nghỉ hưu) tuy không được đào tạo về âm nhạc nhưng với niềm đam mê, chị vẫn mạnh dạn viết ca khúc theo lối riêng. Với giải Khuyến khích, từ nay chị được mở rộng tầm nhìn và học hỏi được nhiều điều.
3. Vĩ thanh
Tại lễ tổng kết, thay mặt Ban tổ chức, Đại tá, TS Phùng Thị Phú - Trưởng ban PNQĐ, trân trọng gửi lời cảm ơn đến 96 nhạc sĩ chuyên nghiệp và các tác giả không chuyên đã gửi tác phẩm dự thi.
Trong niềm xúc động, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ, nếu thơ ca là chất xúc tác kỳ diệu của cuộc sống thì âm nhạc sẽ là đôi cánh bay lên. Chúng ta được cùng nhau thêm một lần nữa được chứng kiến khát vọng cống hiến của những người lính Cụ Hồ… Dẫu đã khép lại, nhưng cuộc thi giống như lời hiệu triệu cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hãy cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu! Bởi, 56 năm trước, trong bài “Chào Xuân 67”, nhà thơ Tố Hữu từng hào sảng:
“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa”.
Bài và ảnh: HẢI VÂN - TUẤN HUY