SÂU ĐẬM, LÒNG YÊU NGHỀ
SÂU ĐẬM, LÒNG YÊU NGHỀ
Chu Thị Ngọc Huyền
Năm 2000, tốt nghiệp đại học với hai tấm bằng ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh) cô Nguyễn Thị Hoa được tuyển dụng về khoa Ngoại ngữ Tiếng Việt - Trường Sĩ quan Lục quân 1. Thời gian đầu, phần lớn cô dạy tiếng Anh, đối tượng học viên của Nhà trường học tiếng Nga ít, cách một năm mới có 1 khóa học. Trong khi giảng viên tiếng Nga ở khoa đã có hai người.
Trong 18 năm công tác (2 năm đi học Cao học) cô Hoa chủ yếu dạy tiếng Anh. Từ năm 2018 (khóa 85), số lượng giờ giảng tiếng Nga tăng lên. Đến năm 2019, Nhà trường tham gia Hội thi Olympic tiếng Nga toàn quân. Cô Hoa được giao giảng dạy toàn bộ tiếng Nga và là huấn luyện viên trưởng đội tuyển.
Khó khăn đặt ra cho thầy và trò, bởi Nhà trường đào tạo học viên chuyên ngành bộ binh cơ giới và trinh sát cơ giới nhưng mỗi khóa chỉ gần 30 người. Giáo viên biên chế 3 người (1 người đi học). Chương trình đào tạo, năm thứ nhất, học viên học Tiếng Anh, sang năm thứ 2, phân chuyên ngành thì mới học Tiếng Nga. Yêu cầu đặt ra đối với đội tuyển là phấn đấu có giải.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và khoa Ngoại ngữ Tiếng Việt, cô Hoa trao đổi với Ban huấn luyện đề xuất cách tháo gỡ khó khăn cho đội tuyển trong ôn luyện. Cô tâp trung rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Nga cho học viên; tận dụng thời gian cùng học, cùng rèn để học viên thấy sự quyết tâm của giảng viên mà thật sự cố gắng rèn giũa. May thay, công việc gia đình, cô Hoa được chồng chia sẻ gánh vác, để cô dành thời gian cho đội tuyển.
Ngày ấy, do hiểu chưa đúng quy chế, đội tuyển luyện tập nội dung hùng biện, mỗi chủ đề giao cho một học viên đảm nhiệm, trình bày trong thời gian 5 phút, trong khi theo quy định từ 3 đến 5 thí sinh. Khi đội tuyển đã tập trung tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để chờ khai mạc Hội thi, cô trò buộc phải tập luyện gấp trong đêm. Nhờ vững kiến thức cơ bản, nên từng thành viên được phân chia các đoạn phù hợp để luyện tập, rồi ghép đội hình, cách phối hợp trên sân khấu… Sáng hôm sau thi xong, được Ban giám khảo khen ngợi, điểm số phần hùng biện của Đội tuyển Trường Sĩ quan Lục quân 1 cao nhất bảng và cao nhất vòng loại. Và đội giành giải Nhì, có 9 trong tổng số 10 học viên nhận giải cá nhân, trong đó có 1 giải Nhất.
Tháng 10-2021, đội tuyển của Nhà trường được lựa chọn để tham gia Hội thi Olympic toàn quân lần thứ hai. Cái khó lần này là trong nội dung kịch bản màn chào hỏi, toàn đội phải hát một đoạn bài hát tiếng Nga “Песня о тревожной молодости” (Thời thanh niên sôi nổi) và một đoạn bài hát truyền thống của Nhà trường. Ban huấn luyện đội tuyển chọn bài “Đi lên trường Lục quân anh hùng”. Khó nhất là làm sao truyền tải được lời bài hát truyền thống sang tiếng Nga. Nhờ bạn bè trong nước và ở nước Nga, ai cũng bảo khó, vì dịch lời nhưng phải đảm bảo tinh thần của bài hát. Thế là buộc cô Hoa phải mầy mò, dịch ngược dịch xuôi, căng thẳng, mệt mỏi sau cả tháng vẫn chưa ưng ý. Một buổi sáng, ngồi xem đội tuyển luyện tập các đoạn đã dựng, tâm trí cô Hoa hiện lên những hình ảnh người học viên Lục quân rèn luyện trên thao trường, bất kể nắng mưa, ngày đêm, ý chí kiên cường vượt gian khổ, khắc ghi lời Bác Hồ “Trung với nước, hiếu với dân”... cảm xúc vụt đến, thế là chỉ hơn 20 phút, cô đã hoàn thành phần lời bài hát bằng tiếng Nga. Cô trò thảo luận và luyện tập ngay. Đó là một thành công bất ngờ.
Trong quá trình công tác, cô Hoa đã góp phần nâng cao chất lượng học tập Tiếng Nga của học viên tại trường. Năm học 2021-2022, kết quả đạt 71,74% khá, giỏi, xuất sắc; năm học 2022- 2023 đạt 91,74% khá, giỏi, xuất sắc. 3 năm liên tục, cô Nguyễn Thị Hoa là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Năm 2021, cô được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ Tiếng Việt. Tháng 4-2023, Đại tá Nguyễn Thị Hoa được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Trong năm này, cô được Nhà trường tặng bằng khen về công tác công đoàn (2018-2023).