QUA HÀNG TRẦU NHỚ MẸ
Đến với bài thơ hay
QUA HÀNG TRẦU NHỚ MẸ
Gian hàng trầu vỏ quen một thuở
Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay
Đi chợ con bớt dăm đồng vặt
Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày
Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ
Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa
Mẹ ngồi thong thả bên hè mát
Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà
Nhưng rồi hình bóng về xa khuất
Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu
Chiếc cơi trống vắng, hơi đồng lạnh
Con đặt tay vào ngón buốt đau
Mẹ ơi!
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã hết gieo neo
Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!
Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn.
NGUYỄN THỊ MAI
Lời bình của HOÀN NGUYỄN
Đã có rất nhiều người làm thơ về mẹ. Viết về mẹ dễ mà khó. Dễ ở độ gần gũi và ai cũng đều có được mẹ sinh ra trên đời. Khó ở độ cảm, độ khác biệt mà chỉ có ở người viết với góc độ tiếp cận tình mẫu tử. Mẹ là hình ảnh chung của mọi người làm con nhưng lại rất khác ở mỗi con người cụ thể bởi mỗi người chỉ có một mẹ mà thôi. Ấy là viết về cái chung mà lại rất riêng, luôn mang theo chính tình cảm của người con về mẹ. Có một nhà thơ luôn viết về mẹ và mỗi bài viết đều là một dấu ấn khó quên về hình ảnh người mẹ, đó chính là Nguyễn Thị Mai.
“Gian hàng trầu vỏ quen một thuở/ Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay/ ;Đi chợ con bớt dăm đồng vặt/ Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày”.
Một khung cảnh rất quen, rất đỗi gần gũi với nhiều người. Trong phiên chợ dẫu đất quê hay chốn thị thành thì bao giờ góc chợ cũng có “gian hàng trầu vỏ”. Và người mua cũng chỉ bớt chút đỉnh, bởi đây là thứ vườn nhà, rất rẻ, như một thứ quà quê. Con trẻ thì tấm bánh đa, bánh đúc, xâu lạc luộc, cóng ngô. Người già niền trầu, quả cau, miếng vỏ. Giàn trầu trong vườn nhà, với hàng cau, miếng vỏ bóc từ rễ cây chay... Rẻ thế nhưng con cũng chỉ dám “bớt dăm đồng vặt”. Cái không gian ấy của quá khứ cứ trở về đau đáu nỗi đau. Thương mẹ, mong mẹ có miếng trầu thường ngày nhưng con nghèo nên cũng chỉ dám “bớt” đấy thôi.
“Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ/ Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa/ Mẹ ngồi thong thả bên hè mát/ Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà”.
Khung cảnh yên bình, đầm ấm, thân thuộc biết bao. Hình ảnh sau bữa ăn, mẹ đem chiếu hoa trải bên hè đón bà con lối xóm qua chơi. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” và mẹ ở đây cũng thế. Miếng trầu tạo sự gắn kết con người với con người, giữa các bạn già của mẹ. Chỉ miếng trầu thôi mà thật là vui, mẹ vui, hàng xóm vui và con cũng vui. Vui vì sự đầm ấm, chân tình, gần gũi và cũng rất người đất quê chân chất, mộc mạc tình người. Cái thời “gạo châu củi quế”, cái ăn là nỗi lo thường trực kiếp người thì miếng trầu mẹ ăn để ấm bụng, như các vị túc nho ra đường ngậm tăm để tránh người hỏi việc ăn uống vì cái đói. Miếng trầu là mối dây tình cảm của phận người áo cộc.
“Nhưng rồi hình bóng về xa khuất/ Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu/ Chiếc cơi trống vắng, hơi đồng lạnh/ Con đặt tay vào ngón buốt đau”.
Biết là quy luật của muôn đời nhưng nỗi lòng người con vẫn như dao cứa khi mẹ “hình bóng về xa khuất”. Mẹ đi xa để lại miếng trầu không tay người têm; lá trầu không còn ấm hơi người, khô héo trong chiếc cơi lạnh lẽo. Mẹ đi rồi tất cả trở thành trống vắng, những vật dụng cũng cô đơn buồn tủi, nhớ thương. Cái cơi đựng trầu chỉ còn hơi đồng lạnh buốt. Những thứ một thuở gần gũi cùng mẹ già giờ trở thành ký ức trong nỗi đau của lòng con vắng mẹ.
Nỗi đau càng đau thêm khi nhớ về mẹ vì nghèo mà miếng trầu, chút quà cho mẹ con cũng phải bớt chút tiền còm để mua. Nỗi đau ấy thốt lên thành tiếng kêu “mẹ ơi” nén vào trong ngực không thoát được ra ngoài cho nhẹ bớt. Nỗi đau đến tận cùng của nỗi đau, không thể nói thành lời cho tỏ được lòng con.
“Mẹ ơi! Thơm cay một miếng trầu xưa/ Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo/ Bây giờ đã hết gieo neo/ Lại không con mẹ mà chiều. Khổ không!”.
Khi đời sống đã “hết gieo neo” thì mẹ không còn nữa. Đồng tiền “bớt” mua quà chợ biếu mẹ già xoáy vào nỗi nhớ, xoáy vào lòng con buốt nhói, đớn đau. Còn nỗi đau nào đau hơn khi không còn mẹ để “chiều”. Nỗi đau này chỉ có thể thành nước mắt mà nước mắt ấy cũng không thể chảy ra ngoài, cứ chảy ngược vào trong. Và nỗi niềm rất thật: “Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn”. Bởi nhìn vào là khới lại nỗi buồn đau…
Nhà thơ sử dụng cả 3 thể, thất ngôn, tự do và lục bát. Khi kể về một thời có mẹ, còn mẹ và khoảng thời gian xa xưa bằng thất ngôn, gợi về quá khứ đan xen vui, buồn. Thơ tự do là tiếng kêu xé lòng, là nỗi đau của phận làm con. Khi “giãi bày hoàn cảnh xảy ra” tác giả sử dụng thơ lục bát, gần gũi lời ru, câu hát. Lời thơ mộc mạc, gần gũi như một lời tự sự về mẹ, về mình, như tiếng nấc của con về kiếp mưu sinh, như lời thú tội cảnh nghèo đưa đẩy tội lỗi ở cái thuở còn có mẹ. Bằng ngôn ngữ ấy, Nguyễn Thị Mai đã làm nên một bài thơ rưng rưng nước mắt, ầng ậng nỗi đau. Sẽ chẳng có vui nào hơn mỗi khi đi xa về gần được về nép bên vạt áo mẹ “ăn vạ” lời ru. Hạnh phúc nhất trên đời chính là khi còn mẹ. Có lẽ đó cũng là điều Nguyễn Thị Mai muốn gửi đến với những ai còn mẹ hôm nay.